Ở đâu cũng vậy, ông Kishida cũng nêu vấn đề an ninh của đất nước ông lên trên hết. Làm thế nào đảm bảo được an ninh? Trong họp báo trước lúc lên đường, ông nêu rõ: "Điều quan trọng sống còn bây giờ là các nước G7 cùng tán thành lập trường cơ bản là bảo vệ đầy đủ pháp quyền và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".
Xích gần Anh, Pháp
"Cùng nhau bảo vệ trật tự đó" là điều mà Thủ tướng Kishida đã bày tỏ với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp ở Paris mới đây.
Ông nói rằng ông muốn Hội nghị thượng đỉnh G7 tháng 5 tới đây tại Hiroshima "trở thành một diễn đàn mà các nước G7 có thể bày tỏ quyết tâm duy trì một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên luật pháp".
Nói như thế phải chăng hàm ý rằng có ai đó đang làm mất trật tự quốc tế? Tuyên bố chung của hai ông Macron và Kishida cho thấy rất cụ thể mối quan ngại này là gì cũng như quyết tâm chung của hai bên.
Đầu tiên, "hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm rằng không bao giờ được dung thứ những nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở biển Hoa Đông và Biển Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan".
Cụm từ "không bao giờ được dung thứ" ở đây thể hiện thái độ mạnh mẽ chưa từng thấy đối với những thách thức "phá luật" ở các vùng biển này.
Kế đến, "ông Kishida cũng cho biết cuộc gặp sẽ tạo cơ hội cho các nước G7 thể hiện cam kết tăng cường các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga" cũng như "sự ủng hộ mạnh mẽ của họ đối với Kiev" liên quan đến việc Nga tấn công Ukraine.
Trong bối cảnh đó, ông Macron vỗ về ông Kishida: "Những thách thức đang chờ đợi chúng ta là vô cùng. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua chúng thôi".
Có thể hiểu tại sao giữa hai ông Kishida và Macron lại dễ đồng cảm. Địa bàn chiến lược của Nhật Bản (gồm biển Hoa Đông, Biển Đông và eo biển Đài Loan) tương đối "gần gũi" với địa bàn chiến lược của Pháp trên Thái Bình Dương vốn ở quanh đảo New Caledonia (Tân Đảo).
"Gần gũi" trong ý nghĩa cùng chung những mối quan ngại và thách thức. "Gần gũi" đến mức nay ông Macron ngỏ lời chào mừng việc Nhật Bản mở một lãnh sự quán trong tháng này tại Nouméa, thủ phủ của New Caledonia thuộc Pháp, và quả quyết với ông Kishida rằng "đó là một dấu chỉ về sức sống và sức hấp dẫn của các lãnh thổ hải ngoại của chúng tôi cũng như sự gắn kết trong chiến lược của quý vị".
Trong bối cảnh ông Kishida mưu cầu an ninh, có thể thấy cuộc gặp với Thủ tướng Anh Rishi Sunak là rất thành công.
Website của Chính phủ Anh hôm 11-1 thông báo rằng sau nhiều năm đàm phán, quan hệ hai bên sẽ đạt đến đỉnh điểm qua việc ký kết một thỏa thuận quốc phòng "lịch sử" - gọi là "Thỏa thuận tiếp cận đối ứng", cho phép Vương quốc Anh và Nhật Bản triển khai lực lượng quân sự tại nước kia và cho hai bên lập kế hoạch, tiến hành các cuộc tập trận và triển khai quân sự quy mô lớn hơn, phức tạp hơn.
Điều này sẽ củng cố cam kết của Anh đối với an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tự cường nhưng vẫn gắn bó với Mỹ
Ưu tiên mưu cầu an ninh được ông Kishida thể hiện rõ nhất với Mỹ. Ngay sau khi ông Kishida lên đường công du châu Âu và Bắc Mỹ, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Nhật - Mỹ đã họp với nhau tại Washington để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Thủ tướng Kishida và Tổng thống Joe Biden.
Hai bên đã ra một tuyên bố chung vào hôm 11-1, "hoan nghênh các chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng mới công bố" và quả quyết rằng hai bên "nhất trí hơn bao giờ hết với tầm nhìn, ưu tiên và mục tiêu mỗi nước thể hiện trong các chiến lược an ninh, quốc phòng này".
Mỹ đã công bố Chiến lược an ninh quốc gia mới trước, còn Nhật Bản thì công bố Chiến lược quốc phòng mới vào hôm 16-12 vừa qua.
Mỗi chiến lược mới đều chứa đựng những đổi thay. Tỉ như Nhật Bản nay tăng cường khả năng phòng thủ của mình bằng cách triển khai khả năng phản công. Muốn thế, phải sửa đổi bản Hiến pháp hòa bình sau Thế chiến II của nước này và gia tăng mạnh mẽ ngân sách quốc phòng.
Tuyên bố chung nêu rõ: "Mỹ ủng hộ mạnh mẽ những đổi mới trong chính sách an ninh quốc gia của Nhật Bản, xem đó như là một sự phát triển quan trọng giúp củng cố khả năng răn đe của liên minh".
Việc Nhật tăng khả năng quốc phòng là do tình hình mới đòi hỏi nước này phải tự cường hơn chứ không dựa hầu hết vào đồng minh như trước, song không vì thế mà ra khỏi "vòng tay" của Mỹ.
Đơn giản là hiện đang có những đe dọa hạt nhân mà Nhật Bản hoàn toàn bị "cấm chỉ" sử dụng loại vũ khí hủy diệt này. Thành ra, không lấy làm lạ việc "Mỹ nhắc lại cam kết vững chắc của mình đối với việc bảo vệ Nhật Bản theo điều 5 của Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ, sử dụng toàn bộ khả năng của mình, bao gồm cả hạt nhân".
Đối phó với Trung Quốc
Việc Pháp mời Nhật mở cơ quan ngoại giao ở Nouméa có thể được xem như là một bước hợp tác nhằm đối phó với sự liên kết trước đó của Trung Quốc với Papua New Guinea.
Tháng 11-2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm đảo quốc này và nâng quan hệ lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Chưa hết, tháng 4 năm ngoái, Trung Quốc ký với quần đảo Solomon, cách Papua New Guinea hơn 1.000km và cách New Caledonia khoảng 1.400km, một thỏa ước an ninh khiến các nước lo ngại một sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận