30/11/2016 09:31 GMT+7

Những đóa hoa ban giữa núi rừng Tây Bắc

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Để đến trường, những học trò nghèo ở các tỉnh miền Tây Bắc ngày ngày vượt những con đường rừng, con sông, con suối và trải qua những nghèo đói, côi cút trong cuộc đời.

Đồng Quang Lâm không giấu nổi giọt nước mắt khi nhắc đến cha mẹ  - Ảnh: T. Hoàng
Đồng Quang Lâm không giấu nổi giọt nước mắt khi nhắc đến cha mẹ - Ảnh: T. Hoàng

Họ được ví như những hoa ban mọc trên đất cằn cỗi nhưng vẫn khoe sắc và tỏa ngát hương giữa núi rừng Tây Bắc.

Côi cút và học giỏi

Khi mới 10 tuổi, Đồng Quang Lâm (xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã phải đối diện với mất mát quá lớn: cha mẹ và em gái của mình cùng lúc qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo. Lâm về sống với ông bà nội đã ngoài 70 tuổi.

Ông bà dù già yếu nhưng vẫn làm thuê đủ việc để nuôi Lâm ăn học. Sự bất hạnh vẫn chưa buông tha Lâm, cậu học trò nghèo tiếp tục phải bơ vơ giữa đời khi vào ngày lên 13 tuổi thì ông bà đều mất. Lâm được bác gái đón về nhà nhưng người bác đang một mình nuôi hai người con ăn học nên hoàn cảnh kinh tế cũng hụt trước thiếu sau.

Ngay từ nhỏ Lâm đã tìm việc làm để có tiền mua sách vở. Hằng ngày một buổi đến lớp, một buổi Lâm đi quét trường thuê. Lâm thường đến trường với bụng đói meo. Vậy mà bạn luôn đạt kết quả học tập tốt, năm nào cũng là học sinh tiên tiến hoặc giỏi.

Năm 16 tuổi, thương bác gái sức khỏe yếu, Lâm trở về nhà sống một mình tự lập. Ngôi nhà cấp 4 lụp xụp của cha mẹ để lại đến cánh cửa cũng bên có bên không, mái ngói dột nát nên dù đã quen sống cảnh không có người thân bên cạnh thì cũng không tránh khỏi những lần Lâm đối diện với nỗi sợ hãi mỗi khi mưa lớn bão bùng.

Lâm một mình trồng rau, một mình nuôi gà, rồi cứ thế từng chút từng chút cậu có thể sống tự lập. Khi đi học, đi làm Lâm không nghĩ đến buồn, nhưng mỗi lúc trở về nhà đối diện với nỗi cô đơn cậu cũng thường xuyên thấy tủi thân.

Đã có lúc ốm đau nằm một mình trong căn nhà trống Lâm cũng muốn gục ngã.

“Mỗi lần như thế, nước mắt mình cứ chảy ra. Nằm giữa đêm tối nghe vang vang trong đầu tiếng nói của cha mẹ, nghe lời mẹ dặn dò trước khi đi xa rằng gặp bất cứ chuyện gì con cũng phải sống và phải học.

Mình lại cố gượng dậy viết vào trang nhật ký tự động viên mình: cha mẹ vẫn ở đây, cha mẹ vẫn nhìn con. Và mình lại tiếp tục” - Lâm tâm sự.

Hiện tại công việc quét trường thuê mang lại cho Lâm 150.000 đồng/tháng. Số tiền này Lâm chia làm 3 phần, 50.000 đồng để mua thức ăn cả tháng, 50.000 đồng mua sách và 50.000 đồng dùng cho các nhu cầu khác.

“Nhiều khi nhà hết gạo, nhịn đói đi học. Cũng có lúc mình định nghỉ học đi làm thuê nhưng nghĩ lại nếu không học thì sẽ không có cơ hội để thoát nghèo” - Lâm nói.

Thiếu ăn cũng không bỏ học

Sinh ra đã không biết mặt cha, mẹ thì luôn ốm đau, bệnh tật nên Giàng A Hồ (học sinh lớp 12A1 Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu) cứ thế lớn lên trong bữa đói bữa no. Có những tháng bữa cơm chỉ có rau rừng hay chan nước không còn quá xa lạ với mẹ con Hồ.

Ngay từ khi học cấp II, Hồ đã một buổi lên lớp, một buổi lên rừng làm nương, làm rẫy phụ giúp mẹ. Những khi nghỉ hè hay vào mùa vụ Hồ lại đi làm thuê để kiếm tiền mua sách.

Thấy Hồ ngoan ngoãn, chịu khó học hành, những người hàng xóm thương tình khi có việc lại gọi Hồ rồi trả công, khi 10.000, khi 20.000 đồng, có khi là cân gạo cân ngô. Cứ thế, con đường đến trường của Hồ dù gập ghềnh vất vả nhưng chưa bao giờ đứt đoạn.

Mẹ Hồ giờ mới ngoài 50 tuổi nhưng trên mặt xuất hiện nhiều vết chân chim, sức khỏe cũng yếu nhiều vì làm lụng vất vả.

Dù chưa phải ở tuổi già nhưng tấm lưng người phụ nữ nghèo này đã còng xuống để cho con mình được lớn lên, để cho ước mơ, khát khao đến trường của con được nuôi dưỡng từng ngày. Và mỗi điểm 9, điểm 10, những tấm giấy khen học sinh giỏi là món quà quý giá Hồ dành tặng mẹ.

“Mẹ bảo dù có chuyện bất trắc gì xảy ra thì mình cũng phải tiếp tục đi học. Mình chỉ mong mẹ khỏe, mong đến ngày mình học thành tài, làm bác sĩ để phụng dưỡng và lo cho mẹ” - Hồ chia sẻ.

Và hàng trăm học sinh khá giỏi của 4 tỉnh miền Tây Bắc được nhận học bổng “Ngăn dòng bỏ học” cũng đang từng ngày vượt qua nghịch cảnh, số phận giống như Lâm, như Hồ.

Đại diện ban tổ chức chương trình trao học bổng tại tỉnh Hòa Bình ngày 29-11 - Ảnh: T. Hoàng
Đại diện ban tổ chức chương trình trao học bổng tại tỉnh Hòa Bình ngày 29-11 - Ảnh: T. Hoàng

Từ ngày 26 đến 29-11, báo Tuổi Trẻ phối hợp với các tỉnh đoàn Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình trao 400 suất học bổng “Ngăn dòng bỏ học” cho những học sinh học khá, giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn đang đứng trước nguy cơ bỏ học.

Mỗi suất học bổng trị giá 2 triệu đồng, tổng kinh phí trao học bổng cho 4 tỉnh trị giá 800 triệu đồng do bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp