Đội bơi Singapore luôn sở hữu những kình ngư trẻ trung, giàu tiềm năng - Ảnh: Straits Times
Đây là một số môn thể thao mà các quốc gia Đông Nam Á đặc biệt sở trường, hứa hẹn mang đến những cuộc tranh tài đẳng cấp Olympic ở SEA Games 31:
1. Đội bơi Singapore
Singapore thống trị đường đua xanh ở SEA Games cũng tương tự như Mỹ ở Olympic. Trong 5 kỳ SEA Games gần nhất, đội bơi Singapore đã giành 96 HCV, hơn xa so với con số 39 HCV của Việt Nam. Và đó là các kỳ SEA Games mà Việt Nam còn có sự phục vụ của kình ngư Ánh Viên.
Những năm gần đây, đội bơi Singapore còn vươn ra tầm châu lục. Joseph Schooling dù đã sa sút nhưng sau khi vô địch nội dung 100m bướm ở Olympic 2016 đã tiếp tục giành 2 HCV Asiad 2018, HCĐ ở Giải vô địch thế giới 2017... Tại Asian Games 2018, Singapore còn giành 2 HCĐ các nội dung tiếp sức; điều này cho thấy tính đồng đều của họ.
Do các giải đấu thế giới và châu lục bị đình trệ suốt 2 năm qua vì đại dịch, các kình ngư Singapore không có nhiều cơ hội để thể hiện sau kỳ SEA Games 2019. Nhưng với một loạt những kình ngư tuổi đôi mươi như Jonathan Tan, Gan Ching Hwee, Elena Lee và đặc biệt là Quah Jing Wen - cô em út nhà họ Quah lừng danh, đội bơi Singapore sẽ còn thống trị đường đua xanh trong nhiều kỳ SEA Games nữa.
2. Taekwondo Thái Lan
Ở SEA Games 2019, Philippines vượt qua Thái Lan về số lượng huy chương lẫn HCV ở môn taekwondo (Philippines 8 HCV, Thái Lan 7 HCV). Nhưng điều đó không có nhiều ý nghĩa khi mà nước chủ nhà Philippines đã "tận dụng" tối đa lợi thế của mình, với một nửa số HCV của họ đến từ nội dung thi quyền vốn luôn nhạy cảm.
Trong quá khứ, taekwondo được xem là môn tranh chấp giữa Thái Lan và Việt Nam, trước khi đội tuyển Thái Lan bứt lên từ khoảng 5 năm trở lại đây. Không chỉ áp đảo ở SEA Games, đội taekwondo Thái Lan còn giành 2 HCV ở Asiad 2018 (chỉ kém Hàn Quốc). Và mới đây, Panipak Wongpattanakit mang về HCV lịch sử ở Olympic Tokyo.
Với thế mạnh ở các nội dung đối kháng, đội taekwondo Thái Lan cũng hiếm khi phải lo lắng chuyện trọng tài ưu ái võ sĩ nước chủ nhà.
3. Cầu lông Indonesia
Quá nửa số HCV môn cầu lông ở các kỳ SEA Games thuộc về Indonesia - chừng đó đủ cho thấy vị thế thống trị của Indonesia ở môn chơi này. Cả Lee Chong Wei (mới giành 1 HCV đồng đội ở SEA Games) và Tiến Minh (chưa một lần vào chung kết) cũng không thể ngăn cản xu hướng này. Không chỉ vậy, đội tuyển cầu lông Indonesia từng giành 8 HCV trong lịch sử tham dự Olympic, chỉ thua mỗi Trung Quốc hùng mạnh.
Ở SEA Games 2019, Malaysia gây bất ngờ khi đánh bại Indonesia ở các nội dung đơn nam, đơn nữ và đôi nam. Nhưng với sự tiến bộ vượt bậc của các tay vợt trẻ như Anthony Ginting, Jonatan Christie, Apriyani Rahayu (nhóm các tay vợt giành được huy chương ở Olympic và đều dưới 25 tuổi), đội cầu lông Indonesia hiển nhiên đang khao khát "đòi nợ".
4. Bóng bàn Singapore
Trong 5 kỳ SEA Games gần nhất, Singapore đã giành 22 trên tổng số 27 HCV. Chính sách nhập tịch các tay vợt Trung Quốc khiến sự thống trị của Singapore với bóng bàn khu vực trở nên hiển nhiên. Nhưng phải thừa nhận trong vài năm trở lại đây, bóng bàn Singapore ngày càng "tự lực cánh sinh" và vẫn giữ được sức mạnh đáng nể của mình.
Phần lớn số huy chương ở SEA Games của bóng bàn Singapore mang tên huyền thoại Gao Ning. Nhưng khi mà tay vợt 39 tuổi sa sút vì tuổi tác, Singapore đã xuất hiện nhiều tay vợt trẻ đáng chú ý như Pang Yew En Koen (hạng 140 thế giới), Poh Shao Feng (hạng 256). Còn ở nội dung nữ, những tay vợt nhập tịch lão làng như Feng Tianwei (hạng 9 thế giới), Zeng Jian (hạng 63) vẫn đang ngự trị trên đỉnh cao.
Ở SEA Games 2019, Pang Yew En Koen giành HCV đơn nam khi mới 17 tuổi. Và trong thời gian qua, anh tiếp tục đà thăng tiến ấn tượng với điểm nhấn là việc lọt vào vòng 3 Giải vô địch bóng bàn thế giới và chỉ dừng bước trước tay vợt lão làng Timo Boll.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận