Kristina Cavit dạy yoga và thiền cho những bạn trẻ bị thiệt thòi - Ảnh: NTL
Có những người trẻ chịu áp lực lớn từ cả gia đình lẫn trường học, gây ảnh hưởng đến hành vi khi tương tác với cộng đồng.
Hầu hết các bạn trẻ này đều bị mặc định là "hư hỏng", "khó bảo". Càng bị áp đặt định kiến, họ càng có xu hướng tin rằng đó là sự thật.
Thay vì là "xe cứu thương"
"Chúng ta cần tiếp cận các bạn này từ sớm, thay vì đóng vai trò là một chiếc xe cứu thương chờ sẵn họ ở đáy vực" - Kristina giải thích.
Khi còn trẻ, Kristina luôn mơ ước trở thành diễn viên đến mức cô theo học ngành kịch nghệ tại trường đại học. Tuy nhiên, sau chuyến đi đến Nam Phi để học tiếng Tây Ban Nha, cuộc đời cô đã rẽ sang hướng hoàn toàn khác.
"Tôi nhìn thấy những điều kinh khủng khiến tôi "sáng mắt" ra. Những đứa trẻ 11 tuổi ở Bolivia bị bắt hành nghề mại dâm và buôn bán chất gây nghiện. Đó là cuộc sống mà tôi nghĩ không đứa trẻ nào cần phải chịu đựng" - cô nhớ lại.
Từ câu chuyện đó, Kristina quyết định hỗ trợ những người trẻ bị thiệt thòi. Cô bắt đầu làm việc với NPH International, một tổ chức từ thiện xây nhà cho trẻ mồ côi và bị bỏ rơi ở chín quốc gia trên thế giới.
"Lẽ ra tôi chỉ làm trong một tháng, nhưng cuối cùng tôi ở hai năm" - Kristina chia sẻ. Càng về sau, áp lực làm việc khiến cô càng kiệt sức nhưng vẫn không thể chối bỏ trách nhiệm. Số lượng trẻ em cần một ngôi nhà, cần tình thương cứ thế tăng lên không ngừng.
Để đương đầu với thử thách này, Kristina đã thử một kỹ năng mà mẹ cô từng dạy khi cô còn thơ bé. Mỗi sáng cô tập yoga và thiền định để giữ bình tĩnh. "Tôi nghĩ cách này đã cứu sống tôi" - cô nói.
Khi nhận ra tác dụng thần kỳ của yoga và thiền, Kristina quyết định kết hợp hai môn này với chương trình mà cô đang dạy cho lũ trẻ ở NPH. Điều tích cực là hầu hết các trẻ đều phản ứng tích cực. Chúng đam mê, nhiệt tình và hướng ngoại, dù mỗi đứa đều có cuộc đời chẳng mấy tươi vui.
Dù các bạn trẻ có biểu hiện thế nào bên ngoài, hãy luôn luôn yêu thương và sẵn sàng có mặt bên cạnh họ. Hãy luôn cho họ sự ổn định và rất nhiều tình thương bởi họ đã sống thiếu vắng điều đó.
Kristina Cavit
Quan trọng hơn bất cứ thành công nào
Sau khi trở về từ Nam Phi, Kristina thành lập một chi nhánh của tổ chức NPH tại New Zealand, sau đó sang Mỹ trau dồi kinh nghiệm để làm huấn luyện viên thiền định và yoga vào năm 2015.
Cũng trong năm đó cô thành lập Học viện Tử tế để giúp giới trẻ tìm ra những cách tốt hơn để đương đầu với cảm xúc và căng thẳng.
"Tôi làm việc cùng những bạn trẻ bị thiệt thòi và vài người trong số đó bị căng thẳng. Họ có năng lực bản thân thấp nhưng lại có rất nhiều tiềm năng. Đây là những người rất cần được hỗ trợ để quản lý tinh thần và cảm xúc" - cô chia sẻ.
Học viện Tử tế hiện đã đón chào hơn 800 bạn trẻ, và nhu cầu dành cho chương trình tăng 500% chỉ riêng trong năm vừa qua. Chương trình này đang được dạy ở nhiều trường trung học và tiểu học ở Auckland cũng như các trung tâm sinh hoạt cộng đồng.
"Chúng tôi lắng nghe họ nói về nhu cầu của bản thân. Bạn cứ hỏi những đứa trẻ 15 tuổi về điều khiến chúng căng thẳng, và sẽ nhận được đủ dạng câu trả lời như áp lực từ cuộc sống, từ cha mẹ, từ nhà trường, vấn đề về vóc dáng cơ thể, áp lực phải theo kịp chúng bạn... Tôi nghĩ mạng xã hội có trách nhiệm rất lớn trong việc gây ra các áp lực này ở người trẻ" - cô giải thích.
"Việc chăm sóc sức khỏe tâm thần ở New Zealand rất kinh khủng với những câu nói khuôn mẫu kiểu như "hãy cứng rắn lên" hay "cô ấy sẽ ổn thôi". Chúng ta cần thay đổi nội dung cuộc trò chuyện, dạy cho người trẻ hiểu rằng sức khỏe tâm thần của họ quan trọng hơn bất cứ sự thành công nào" - Kristina nói.
Kristina nói cô muốn tổ chức các lớp học hằng tuần ở tất cả các trường để dạy trẻ đối diện với mâu thuẫn, căng thẳng, tự tha thứ cho bản thân và người khác.
Cũng như bất cứ tổ chức phi lợi nhuận nào, nguồn kinh phí vẫn luôn là thử thách lớn. Kristina ước lượng khoảng 70% thời gian của cô được dành cho việc tìm kinh phí, và điều này làm chậm tiến độ của công việc.
Năm ngoái thông qua trang PledgeMe, Kristina nhận được 20.000 USD tiền quyên góp và còn bán áo thun để gây quỹ. Những bạn trẻ từng theo học tại Học viện Tử tế sau đó không chỉ rèn luyện được kỹ năng, mà còn quay về với gia đình và cộng đồng.
"Tôi từng gặp một người mẹ giàn giụa nước mắt nói rằng bà ấy cảm ơn vì tôi đã dạy con trai bà cách thiền. Giờ đây, chàng trai này đang dạy lại bà cách thiền và cuộc đời bà đã thay đổi" - cô chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận