29/08/2018 14:26 GMT+7

Những điều ít biết về ông Mahathir

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Cuộc đời dài gần một thế kỷ cho tới nay của thủ tướng Mahathir Mohamad quả thực chứa đầy "nội dung" với những câu chuyện không dễ lặp lại ở một yếu nhân khác trên thế giới.

Những điều ít biết về ông Mahathir - Ảnh 1.

Một cuốn sách của ông Mahathir Mohamad bàn về các thách thức đất nước Malaysia phải đương đầu - Ảnh: NST

Cùng với cố thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore và cố tổng thống Suharto của Indonesia, ông Mahathir được coi như một trong những "người cận vệ già" thuộc thế hệ các chính trị gia đã đưa châu Á phát triển phồn thịnh về kinh tế dưới sự lãnh đạo của họ.

Nhà hùng biện xuất sắc

Rất nhiều người thán phục tài năng hùng biện của ông Mahathir. Không chỉ sắc sảo trong các bài phát biểu trước công chúng, ông còn là một tác giả với nhiều cuốn sách đã xuất bản gây tiếng vang. 

Ông là chính khách có khả năng viết lách đáng nể với rất nhiều bài báo, nhiều cuốn sách và cả blog để trình bày và tranh luận về các quan điểm chính trị của mình. 

Những chuyện này được bắt đầu từ thuở ông còn là sinh viên y khoa tại Singapore và đã từng viết báo tiếng Anh cho các tờ Straits Times, Sunday Times để có thêm thu nhập.

Với bút danh "C.H.E. Det", ông bày tỏ chính kiến trong nhiều chủ đề như góc nhìn chính trị về vấn đề hoàng gia, dân tộc, những quan sát riêng về các vấn đề trong đời sống cộng đồng người Malay. 

Thời đó, việc viết báo thậm chí còn giúp ông có tiền sắm hẳn một chiếc xe máy tại Singapore.

Bởi điều này, không ngạc nhiên khi ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới có blog cá nhân với tên gọi Chedet từ năm 2008 và cập nhật tương đối thường xuyên cho tới tận hôm nay với gần 30 triệu lượt ghé thăm (ở thời điểm này). 

Cũng không lạ khi phần lớn các bài viết trên blog của ông đề cập nội dung chính trị.

Ngay cả trong những ngày bề bộn công việc trên cương vị thủ tướng Malaysia những năm 1980, ông vẫn tiếp tục viết thêm nhiều cuốn sách và các bài báo. 

Tới nay số lượng đầu sách công bố của ông đã lên tới hàng chục cuốn, trong đó có thể kể tới như The Wit and Wisdom of Dr Mahathir Mohamad, New Deal for Asia, Dr Mahathir’s Selected Letters to World Leaders, The Way Forward: Growth, Prosperity and Multiracial Harmony in Malaysia, Malays Forget easily, The Malay Dilemma...

Những điều ít biết về ông Mahathir - Ảnh 2.

Ông bà Mahathir Mohamad và Siti Hasmah - Ảnh tư liệu NST

Về người bạn đời "5 thập kỷ"

Vào những năm 1940 của thế kỷ 20, Singapore không chỉ là nơi hun đúc hoài bão chính trị cho chàng sinh viên y khoa Mahathir Mohamad. 

Nó còn là nơi ghi dấu và chứng kiến sự nảy nở của mối tình kéo dài từ thuở ấy cho tới hôm nay, khi đôi uyên ương Mahathir và Siti Hasmah đều đã vượt ngưỡng thượng thọ 90.

"Đôi bạn ngày xưa" này tuy không "học chung một lớp" nhưng họ học cùng trường và khi kết thúc năm nhất, hai người đã là một cặp tâm đầu ý hợp. 

Bà Siti Hasmah Mohd Ali là một trong số ít những phụ nữ được nhận học bổng du học tại Singapore thời ấy. Lúc đó bà là người phụ nữ Malay thứ hai chọn du học ngành y. Vào cuối những năm 1940, chuyện một phụ nữ Malay học cao như vậy là khá bất thường. 

Cha bà Siti Hasmah là người có quan điểm rất quyết liệt trong việc các con ông phải có một nền tảng giáo dục phù hợp, bất kể gái trai.

Vợ chồng thủ tướng Mahathir có bảy người con, ba trong số đó là con nuôi. Trong hồi ký, ông Mahathir chia sẻ, trong suốt đời mình, dù khi là một bác sĩ hay khi là một chính trị gia cao cấp, gia đình vẫn là cột trụ quan trọng với ông. 

Ông viết: "Tôi tin gia đình là cái mỏ neo giúp chúng ta vững vàng trong một xã hội phức tạp. Gia đình là chỗ để người ta bám víu hoặc trở về trong những giai đoạn khó khăn và thay đổi. 

Tôi luôn cố gắng ở bên gia đình mình càng nhiều càng tốt, ngay cả lúc này, và nếu ai đó mời tôi đi ăn trưa tôi sẽ cảm thấy hơi thất vọng vì mình không thể về nhà với gia đình. 

Tôi rất trân quý gia đình mình và luôn cổ xúy các giá trị gia đình như một phần trung tâm trong các chính sách và tầm nhìn chính trị của tôi".

Bất kể công việc bận rộn, ông vẫn luôn "tìm ra" được thời gian dành cho ba người con là Marina, Mokhzani và Mukhriz. 

Dưới sự bảo ban, dạy dỗ của hai vợ chồng ông, và với tình thương, sự nghiêm khắc vô tận, những người con đó đều đã tự thân nỗ lực trở thành những cá nhân thành công hôm nay. 

"Tôi thậm chí không cho các con tôi một đồng vốn nào. Tất cả những gì tôi cho chúng là một trình độ học vấn tốt, một cơ hội để phát triển và làm điều gì đó cho chính bản thân chúng trong cuộc sống" - ông Mahathir viết trong hồi ký.

Những điều ít biết về ông Mahathir - Ảnh 3.

Ông Mahathir với học sinh tiểu học Malaysia - Ảnh tư liệu NST

Thủ tướng và đôi dép 3 USD

Với nhiều người dân Malaysia, ông Mahathir khi trở lại chính trường sau 15 năm "nghỉ hưu" vẫn là ông Mahathir của hơn 30 năm trước, lúc còn tại nhiệm, trước tiên ở sự giản dị, xuề xòa trong ăn mặc. 

Hình ảnh vị thủ tướng cao niên ngồi trên ghế dùng điện thoại, bên cạnh là đôi dép bình dân nhãn hiệu Bata có giá 3 USD (khoảng 69.000 đồng tiền Việt) đã gây bão mạng và hãng sản xuất dép Bata sau đó thông báo loại dép thủ tướng đang đi đã trở thành món hàng "hot" nhất trong tháng chay Ramadan năm 2018 của người Hồi giáo ở Malaysia.

Một bức hình khác chụp cảnh ông Mahathir và bà Siti Hasmah đi mua quần áo ở khu hàng giảm giá cũng đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. 

Nó quá đỗi trái ngược với 284 thùng đựng đủ loại túi xách hàng hiệu cùng tiền mặt, nữ trang mà cảnh sát Malaysia thu giữ được tại nhà riêng của cựu thủ tướng Najib Razak trong đợt điều tra bê bối tham nhũng vừa qua.

Nhà giáo dục Mahathir

Trước khi trở thành thủ tướng, ông Mahathir đã có những quyết định quan trọng tạo nền móng ảnh hưởng lâu dài cho nền giáo dục Malaysia.

Trên cương vị bộ trưởng giáo dục nước này trong những năm 1970, ông là người chỉ đạo đưa các nội dung giáo dục mới cho cả hai cấp học đầu đời quan trọng là tiểu học và trung học cơ sở.

Để nhân lực đất nước có thể cạnh tranh toàn cầu, ông yêu cầu giảm tải các nội dung không cần thiết, đặt mục tiêu chú trọng phát triển toán học và khoa học, cho đây là yếu tố thiết yếu tạo ra lực lượng nhân sự đáp ứng đòi hỏi của kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Malaysia kỳ vọng gì vào sự trở lại của Mahathir?

TTO - Khi ông Mahathir đắc cử, không ít doanh nhân nước ngoài đã nghĩ tới việc quay lại với Malaysia bởi họ tin thị trường này một lần nữa được vận hành dưới đôi tay nhạy bén và đáng tin cậy.

--------------

Kỳ tới: Ông Mahathir trong mắt các yếu nhân thế giới

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp