Đào nở sớm đón Tết - Ảnh: KIM GIANG
Những lầm lũi cuối cùng. Để rồi chỉ đôi hôm nữa là lũ lượt những chuyến xe rời khỏi thị thành, khỏi chốn phồn hoa đô hội này. Ở ngoài kia là đất rộng, là trời cao..
Mấy bận sáng nay, tiết trời mù sương. Cái nắng, nếu có, thì rất hiếm hoi. Chiếc ẩm kế đo được hơn tám mươi phầm trăm. Tờ giấy mới in ra để trên bàn ngày hôm qua, đến sáng nay cầm lên đã như sắp mủn đi rồi.
Một năm có hai mươi tư tiết khí rải đều. Kỳ diệu rằng bao giờ tạo hóa cũng sẽ diễn tiếp như vậy: cứ hết Đại hàn, là sẽ phải đến Lập xuân, rồi Vũ thủy.
Thấp thoáng trong nhịp luân hồi của thời gian cái gật gù chiêm nghiệm của người xưa: Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân.
Bao giờ bác về quê?
Mái rêu - Ảnh: KIM GIANG
Bốn ngàn năm trước như thế. Bốn ngàn năm sau cũng sẽ lại như thế. Dù thịnh, dù suy. Dù hoan hỉ, dù luân hãm.
Những ngày cuối năm luôn gia trưởng và áp đặt. Dù là kẻ tâm cơ sắc sâu hay người vô lo vô nghĩ, sẽ đều không ít thì nhiều phải nhận cảm thấy linh khí của đất trời ấy bủa vây và thâm nhập.
Dù có gắng sức vệ phòng hay chối bỏ, thì rồi ai cũng sẽ đầu hàng chấp nhận.
Có những con người là một phần vĩnh viễn của phố thị: bà hàng nước, gã xe ôm, chị hàng hoa, anh shipper, cô bán xăng, cậu bé đánh giày.
Những cuộc chuyện phiếm với họ, bao giờ cũng lặp đi lặp lại. Hệt như đoạn điệp khúc dẳng dai quấn lấy những mảnh đời mưu sinh mỗi độ Tết đến xuân về.
Bao giờ bác về quê? Năm nay 29 mới nghỉ Tết. Ngày xưa cứ tầm này là bắt đầu có tiếng pháo nổ. Đào quất năm nay được mùa, hay lại ế vứt đi? Ngày cuối năm lái xe cẩn thận, thiên hạ đi lại liều lắm.
Cứ thế, man miên những câu chuyện không đầu cuối, để rồi khi tạm biệt là sẽ gần như không bao giờ gặp lại. (Và nếu tử tế thì hãy vote cho nhau 5 sao.)
Chợ đào - Ảnh: KIM GIANG
Như một sự níu giữ cuối cùng
Như một nghi thức mỗi dịp cuối năm, là sẽ rong ruổi khắp các con phố để đi tìm mua một tờ báo Tết. Vài năm trước ấy thôi, từng đã sửng sốt khi đọc bài viết trên báo Xuân của một người lạ.
Những dòng chữ tựa như thác đổ. Thế mà dám nghĩ rằng đã đọc và biết nhiều lắm rồi, thì sẽ chẳng có thứ gì khiến ta bất ngờ được nữa.
Những trang tin tức ngày hàng đập vào mắt đến khốn khổ. Chẳng còn mấy ai cầm tờ báo giấy trên tay. Ngày xửa xưa chỉ cần ngó quanh là sẽ có sẵn các sạp báo, với đủ mọi thể loại, từ những truyện tranh đen trắng đến những tờ báo giấy mà hồi đó đọc chưa hiểu gì.
Nay tìm đỏ mắt không còn thấy nổi một sạp báo những ngày xưa cũ. Trộm nghĩ, nay nếu có còn sạp báo, thì đến người bán cũng sẽ chỉ lướt điện thoại, phải không?
Hàng Mã - Ảnh: KIM GIANG
Quãng thời gian giữa quá khứ và thực tại, nếu ước chừng theo con số chỉ khoảng mấy mươi năm.
Vậy mà khi đong sánh bằng xúc cảm, lại kéo dài đằng đẵng như thể vô cùng vô tận. Thôi người đừng tâm tư, thời gian như nước chảy..
Bật mí là, nếu giờ ai muốn mua, hãy lên con phố này này...
Ở đó, xen giữa những quán cà phê sang chảnh hay những shop thời trang hàng hiệu, vẫn còn sót lại một sạp báo giấy, vẫn còn một người bán báo ngồi lặng lẽ bên phố đông người qua. Như một sự níu giữ cuối cùng.
Lại nói về người viết báo Xuân khi ấy, hình như năm nay, bút lực đã không còn như xưa.
Dường như sau những tháng tuần tất bật, đã phải viết quá nhiều những thứ gọi là trách nhiệm.
Đến cuối năm mới có chút thảnh thơi, mới tích lũy lại tất cả những gì mình nhất, để viết những dòng tự bản thân mình mà ra, thì thác chữ đã đến hồi cạn kiệt? Ngàn đời nay, tao nhân mặc khách, vốn là đau khổ.
Con chữ nào đâu có dễ thế. Nhưng vẫn cứ phải làm. Con chữ, vốn có sự tự thân của nó, không dễ gì điều khiển được, dù có tài đến mấy, dù có muốn đến mấy. Con chữ, nếu phải cưỡng ép ra, ắt sẽ tàn tạ.
Nhìn như không phải là vì mây trôi đâu
Quán nước phố Hàng Trống - Ảnh: KIM GIANG
Những ngày cuối năm, dù tiết trời lạnh ẩm. Nhưng chén trà rót ra hình như cũng ngon hơn một chút.
Có người, vì một lẽ nào đó, từ bỏ thành phố này, mang đứa con nhỏ lên núi cao Tà Xùa để làm trà.
Chắc do nhìn mây trôi nên đặt tên loại trà đó là Lạc Vân. Nhưng mà ấy, nhìn như không phải là vì mây trôi đâu.
Ngày trước, cứ nghĩ rằng pha trà sẽ phải cầu kỳ, công thức lắm. Phải có đạo, phải có người, phải có cảnh, phải có hương, phải thế này thế kia.
Mãi mới thấm thía lời dặn chân xác: trà, cũng chỉ là trà. Nắng sương của trời đất tích tụ vào đây hết rồi.
Ngày trước, cũng cứ nghĩ rằng uống trà để đi tìm kiếm sự tĩnh tâm. Để rồi mãi sau này mới nhận ra: chỉ khi tĩnh tâm rồi, thì mới nên uống trà.
Trà ngon như cố tri. Vì thế, khi uống một mình, hãy rót hai chén.
Khung cửa mùa xuân - Ảnh: TÂN HOUSE
Một người bạn cũ, từng nói đùa rằng: tuổi trẻ là phải biết "sáng ngậm đắng, chiều nuốt cay". Tức là sáng thì uống chè, tối thì uống rượu. Người bạn cũ ấy, theo dòng thời gian hoang hoải, nay cũng không biết lưu lạc phương chốn xa xăm nào.
Trà và rượu, đều là những thứ phải biến đổi và tái sinh, dù ít dù nhiều, thì mới thành tuyệt phẩm.
Cũng là chuyển hóa ấy, ở phương Đông, người ta lưu giữ biến chuyển của sự sống trong lọ tương bần, trong hũ cà muối, trong mẻ dưa chua, với cái giá chưa đến mười nghìn.
Còn ở phương Tây, thì có đặc quyện của rượu vang, có cheese, của đùi heo ủ muối nhập khẩu về bán hơn trăm triệu. Giá trị là gì? Điều gì làm nên giá trị?
Biến đổi là điều không tránh khỏi, dù cố tình trốn tránh hay gắng gượng níu giữ những thời khắc đã qua. Còn tái sinh, thì lại là một sự lựa chọn.
Đánh cờ - Ảnh: KIM GIANG
Mà thôi, ở thời đại hiện nay, nói nhiều về đạo lý là vô nghĩa.
Những kẻ hay nói đạo lý thường sống chẳng tốt đẹp gì (trong đó có cả ta nữa).
Ấy nhưng mà, chẳng nhẽ lại vì những kẻ luôn tỏ ra nguy hiểm ấy (trong đó có cả ta nữa), mà ruồng rẫy hết những giá trị của đạo lý và quy luật?
Thế giới này, phải trải qua hằng hà sa số những thường biến và dị biến trong biết bao nhiêu lâu, mới đúc rút ra được ngần ấy đạo lý và quy luật ấy.
Thế giới này, với những tất lẽ dĩ ngẫu của nó, dù là những điều đẹp đẽ nhất hay những thứ xấu xa nhất, vẫn luôn là như vậy.
Chiến tranh và hòa bình. Đứt gãy và phát triển. Mâu thuẫn và hòa dịu. Phân tách và hội tụ.
Bất kể ngoài kia có bao nhiêu người muốn thay đổi, cứu rỗi hay có bao nhiêu kẻ muốn mặc kệ, bỏ bê nó.
Những ngày cuối năm, vẫn là những lúc người ta muốn nhìn lại, dự báo, và nói những điều to tát về thế giới. Nói về thế giới, là quyền của bất kỳ ai.
Từ những kẻ tự nghĩ mình là tinh hoa, đến những người ngồi ở quán nước. Và khi ấy, như thể càn khôn có thể xoay chuyển qua một cái trở tay, một ý tưởng tuyệt vời.
Miễn là vui, cần gì phải đúng?
Chiều Hồ Tây - Ảnh: KIM GIANG
Mỗi khi vào cuối năm, nền trời luôn phủ một màn xám. Đất trời hội tụ những đớn đau cuối cùng để hoài thai mầm sống mới.
Nhưng mà ấy, dù có u ám thê lương như lời bài hát Happy New Year, thì người ta vẫn hát, dù chẳng thuộc lời, dù có chưa hiểu nghĩa. Và vẫn có một niềm hy vọng mãi không chịu lụy tàn.
Ngày cùng tháng tận. Có một chiếc tủ chồng chất và lộn xộn. Vẫn ở đó. Nhưng khi cần thì tìm không thấy nổi quyển sách muốn đọc.
Hỗn loạn và rối ren đó tưởng chừng như sẽ mãi như vậy. Ấy vậy mà có một bàn tay thảo thơm đã đến để sắp xếp lại. Xin cảm ơn một bàn tay ấy đã chìa ra lúc ta hoang mang.
Phải rồi: vật cùng tắc biến, vật cực tất phản. Dù rằng, đã có những lúc tuyệt vọng và mất mát đến cùng cực. Dù rằng, đã từng không ít lần hoài nghi về mong muốn tiếp tục hiện sinh.
Thì rồi, mọi thứ cũng sẽ đi đến tận cùng của nó. Ở những tận cùng, thì tái sinh, lại là một lựa chọn. Những hỉ, nộ, ái, ố của kiếp làm người trong trần gian.
Thì rồi, nước mắt là để nghe lại nụ cười, u hoài để tìm lại niềm vui, biệt ly là để chờ tương ngộ, trầm luân để hoàn nguyên, ai ơi.
Trên cầu Long Biên - Ảnh: KIM GIANG
Và xin người, dù chỉ trong một sát na thôi, hãy tạm bỏ xuống những lớp phòng vệ. Chúng vô hình, nhưng nặng lắm thay.
"Có những nguồn nhựa sống khi ta sinh ra đời: sự sáng tạo và táo bạo, sự tò mò và háo hức đặt câu hỏi, lòng bi mẫn và tình yêu đối với con người. Những điều đó sẽ cạn dần, khi bị vùi dập, bị bỏ rơi, hoặc khiến cho câm lặng.
Trong cuộc vật lộn để cứu vớt chính mình, người sẽ dễ biến ngây thơ thành hoài nghi, tò mò thành kiêu ngạo, và thương cảm thành nhẫn tâm.
Mặc lên mình những mảnh giáp đó, và đặt cho chúng những cái tên đầy nguyên tắc và đạo đức. Để tự làm tê liệt chính mình trong thế giới mà ta đang tồn tại.."
Và xin người, hãy tự cho phép tạm bỏ xuống những bận tâm và ức uẩn với thế giới này, với những người xung quanh. Hãy tạm thứ tha cho những lỗi lầm và xấu xa của chính mình. Đó là khi, được quyền nuôi nấng lấy ước nguyện.
Ảnh: KIM GIANG
Những ngày cuối năm cuối cùng, người thường hay muốn mình là kẻ cuối cùng rời đi. Đó là khi sau những cái bắt tay và lời chào tạm biệt, không còn một gương mặt thân quen nào ở lại nơi đây.
Như một nghi thức. Sẽ pha một ấm trà, châm một điếu thuốc. Chẳng còn ai để sợ rằng họ bị làm phiền. Để có một khoảnh khắc độc thoại với xung quanh, với hơi ẩm, với nhiệt độ, với mùi hương, cả với những gì không thể định nghĩa, cũng chẳng thể gọi tên. Để thầm cảm ơn đan linh của vạn vật.
Rồi sau đó, tạm biệt cành đào mới chớm nở hoa - vốn được nhặt ở vệ đường ngày trước Tết. Cành đào ấy, sẽ phải vò võ ở lại trong căn phòng đó một mình xuyên suốt mấy ngày nghỉ Tết.
Rồi sau đó, khóa cửa niêm phong cẩn thận. Chậm rãi bước dọc hành lang. Như để lưu giữ những khoảnh khắc cuối cùng. Nhưng có bàn tay nào níu kéo nổi thời gian. Bàn tay nào níu kéo nổi những điều cuối cùng của ngày cuối năm.
Rồi sau đó, lấy xe, chào ông bảo vệ lần cuối để ra về.
Và cứ thế lại hòa mình vào những hối hả cuối cùng. Những lầm lũi cuối cùng. Thành phố oằn mình những ngày cuối cùng một năm. Vạn vật chuyển dịch chậm rãi nhưng chẳng hề có một tín hiệu gì báo trước.
Ở ngoài kia là đất rộng, là trời cao.
Phải vậy không?
Nguyện cầu cho đất trời mở mang,
nảy mầm xuân sau những hoang tàn
cảm ơn tấm lòng người gửi lại
quyện với đường mây đợi mùa sang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận