26/09/2024 14:13 GMT+7

Những điều chưa biết về công việc biên soạn cuốn sách 'khổng lồ': Lịch sử Việt Nam bằng hình

Nhân dịp ấn phẩm Lịch sử Việt Nam bằng hình ra mắt bạn đọc, Tuổi Trẻ Online trò chuyện cùng ông Trần Đại Thắng, giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa Đông A, cũng là 'cha đẻ' của quyển sách này.

Trò chuyện - Ảnh 1.

Sách Lịch sử Việt Nam bằng hình

Lịch sử Việt Nam bằng hình gồm 660 trang khổ lớn với gần 2.000 minh họa như tranh ảnh và bản đồ được nhóm biên soạn dày công nhiều năm qua.

Ông Thắng kể:

- Tháng 10-2007, chúng tôi lần đầu tham gia hội sách Frankfurt và choáng ngợp bởi sự hoành tráng, chuyên nghiệp của các nhà xuất bản hàng đầu thế giới.

Tôi mê mẩn nhìn ngắm những cuốn sách bách khoa toàn thư, lịch sử Anh, Mỹ, Đức… với nhiều hình ảnh minh họa bắt mắt.

Tôi mơ ước sau này Đông A sẽ làm được những cuốn sách về lịch sử Việt Nam như vậy.

Trở về, tôi bắt đầu cùng cộng sự bàn lên ý tưởng ban đầu cho cuốn sách.

Biên soạn Lịch sử Việt Nam bằng hình là công việc có khối lượng khổng lồ

* Như vậy, cảm hứng và gợi ý là từ dòng sách bằng hình ảnh của nước ngoài?

- Có rất nhiều cuốn sách về Việt Nam do người nước ngoài viết và xuất bản bằng tiếng Anh, thậm chí bằng cả tiếng Việt.

Điều này làm tôi thấy chạnh lòng, nhưng thầm tìm cách học hỏi để mong làm được một cuốn lịch sử Việt Nam mới mẻ hiện đại, thiên về hình ảnh, đến được với cả người lớn lẫn trẻ em; cả độc giả trong nước lẫn bạn bè quốc tế.

Có thể nói Lịch sử Việt Nam bằng hình được thiết kế lấy cảm hứng và dựa theo cách sắp xếp nội dung và phương pháp trình bày từ những cuốn sách có chủ đề lịch sử và văn hóa của Nhà xuất bản DK.

Trò chuyện - Ảnh 2.

Cổ khí Minh Mạng và pháp lam triều Nguyễn

* Nhưng vì sao đến 8 năm sau Đông A mới chính thức bắt tay thực hiện? Phải chăng lúc đó kỹ thuật chế bản sách và công nghệ in trong nước còn nhiều thách thức, hơn nữa hình như giá thành lại rất cao?

- Năm 2015, bản đề cương đầu tiên của cuốn sách Lịch sử Việt Nam bằng hình mới chốt lại chính thức.

Sau khi thống nhất được về bố cục cuốn sách, chúng tôi lên phác thảo nội dung rồi tiến hành viết thử, lắp ghép hình ảnh để làm bài mẫu. Từ bài mẫu này, chúng tôi bắt đầu liên hệ gửi tới một số chuyên gia và cơ quan nghiên cứu lịch sử đặt hàng.

Thông thường, quá trình xuất bản của các đơn vị làm sách tư nhân đến đây gần như là xong, chỉ đợi bản thảo gửi về biên tập và đem in ấn, phát hành.

Dù mọi người đều bất ngờ và hào hứng trước một định dạng sách lịch sử mới mẻ và hấp dẫn, nhưng các bên đều… từ chối!

Bởi họ đều nhìn ra đây là công việc có khối lượng khổng lồ gồm hàng trăm đề mục lớn, nghìn tiểu mục nhỏ, trải dài từ thời kỳ sơ khai cho đến hiện nay, với hàng loạt số liệu, dữ liệu quan trọng, kèm theo hàng nghìn bức ảnh minh họa.

Không một cá nhân nào có khả năng thực hiện, và nếu một nhóm thì phải đảm bảo được việc cộng tác liên tục trong một thời gian dài, phối hợp nhịp nhàng, cùng tinh thần kỷ luật và cả tâm huyết nữa.

Chúng tôi không còn cách nào khác, buộc phải tự mình thực hiện dự án và tự hào vì cuốn sách được biên soạn hoàn toàn bởi đội ngũ của Đông A.

Để tìm được người viết bài, Đông A tiến hành đăng tin rộng rãi trên các trang mạng xã hội, gửi bài mẫu, rồi kiểm tra bài viết thử của cả trăm người. Sau đó chốt lại ký hợp đồng dựa trên sở trường của hàng chục cộng tác viên.

Khi nhận được bài viết, các biên tập viên của Đông A lại kiểm tra, biên tập, chỉnh sửa, thống nhất trở lại với từng người, từng bài.

Thực tế có những người phải chỉnh sửa, thậm chí viết lại nhiều lần; có người chỉ thực hiện một vài bài rồi kết thúc hợp đồng do không phù hợp; có người đã nghiệm thu hợp đồng nhưng sau bài viết không sử dụng được…

May mắn, tất cả đều không tự ái, chấp nhận dẹp bỏ cái tôi để cuốn sách có được chất lượng tốt nhất.

Những điều chưa biết về công việc biên soạn cuốn sách 'khổng lồ': Lịch sử Việt Nam bằng hình - Ảnh 6.

Đồ gốm tàu cổ Cù Lao Chàm

* Quá trình biên tập là khâu tiêu tốn thời gian nhất?

- Đội ngũ biên tập viên Đông A phải sử dụng nhiều nguồn sử liệu khác nhau để kiểm tra, so sánh, đối chiếu từ số liệu đến chi tiết lịch sử được đề cập, cũng như rà soát giữa các phần khác nhau trong sách.

Có một số vấn đề được tiếp cận khác nhau, thậm chí là mâu thuẫn và đến nay vẫn còn tiếp tục tranh luận; có những địa danh, vùng đất mà đến nay khó xác định được vị trí hiện tại.

Chưa kể, việc biên tập phải đảm bảo văn phong nhất quán của hàng trăm bài viết từ hàng chục người với yêu cầu dễ hiểu, trong sáng, khách quan nhưng không khô cứng.

Quá trình này kéo dài ròng rã nhiều năm trời, trải qua không ít lần phải chỉnh sửa, thay đổi đề cương, chương mục cho đến khi hoàn thành được hàng trăm đề mục lớn với hàng chục lần biên tập trên file, trên giấy, in thử, rồi gửi đến để các chuyên gia tiến hành hiệu đính.

Rất may mắn từ năm 2018, chúng tôi đã có thêm anh Đỗ Quốc Đạt Nhân, đóng vai trò rất quan trọng đối với cuốn sách này. Anh là người cuối cùng gọt giũa, hoàn thiện bản thảo từ nội dung tới hình ảnh, và cũng là người kết nối đội ngũ biên soạn, chỉnh lý, biên tập… để cuốn sách có thể ra mắt ngày hôm nay.

Trò chuyện - Ảnh 4.

Tượng gỗ

Lịch sử Việt Nam đã hiện lên đẹp đẽ và trang trọng

* Sách gồm 14 phần theo dòng chảy lịch sử của đất nước, đâu là những phần ông muốn nói thêm những câu chuyện ngoài trang sách?

"Tiền sử và truyền thuyết" gần như được làm lại hoàn toàn. Ở bản đề cương ban đầu, chúng tôi tập trung nói về văn hóa Đông Sơn.

Đến khi nhận được sự góp ý của các chuyên gia, chúng tôi đã bổ sung thêm nội dung về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đồng Nai, đúng theo tinh thần nghiên cứu của khoa học lịch sử Việt Nam hiện đại.

"Nghìn năm văn hiến" cũng có nhiều chuyện đáng nói. Phần này bao gồm các bài viết về văn hóa, từ văn học, kiến trúc đến nghề gốm, nghề in… Chúng tôi đã thảo luận nhiều lần xem liệu phần này có thực sự cần thiết trong một cuốn sách lịch sử hay không, và nếu có thì nên đặt tên thế nào, trình bày ra sao.

Sau cùng, theo quan điểm văn hóa là sản phẩm và là chứng cứ sống động của lịch sử, chúng tôi đi đến thống nhất cần phải có phần này trong cuốn sách, dẫu cho chỉ mới trình bày ở dạng vắn tắt, khái lược.

Trò chuyện - Ảnh 5.

Mục lục 1

* Ông đã đi rất nhiều nơi để sưu tầm hình ảnh?

- Để chụp ảnh tư liệu, tôi đã đến hơn 100 bảo tàng trong và ngoài nước; và các di tích, làng nghề Bắc Trung Nam… Có những bảo tàng tới lui nhiều lần khi ở đó tổ chức các buổi triển lãm chuyên đề đặc biệt.

Đầu năm 2017, chúng tôi được PGS.TS Hoàng Văn Khoán, chuyên gia khảo cổ học, đưa đến các di tích là chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, chùa Dạm ở Bắc Ninh; di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc ở Hải Dương. Ở đâu thầy cũng đều chỉ dẫn tận tình, chi tiết về từng hiện vật.

Khi được TS Nguyễn Đình Chiến cố vấn chọn lựa hình ảnh bảo vật quốc gia để minh họa cho sách, chúng tôi vừa chụp, vừa mua, thậm chí vừa đi "xin" ảnh nữa!

Những điều chưa biết về công việc biên soạn cuốn sách 'khổng lồ': Lịch sử Việt Nam bằng hình - Ảnh 9.

Nhạc cụ dân tộc

* Và bạn đọc có thể "nhìn thấy" trên trang sách những gì?

- Cuốn sách được thiết kế theo trang đôi, khổ giấy to, đa số bài viết đều có từ ba hình minh họa trở lên. Người thiết kế và biên tập phải phối hợp thật chi tiết để đảm bảo đủ nội dung và hình ảnh trong một trang mà không bị tức mắt hoặc trống quá.

Phần "chữ" đã khó nhưng đến phần hình ảnh chúng tôi lại gặp khó khăn nhiều hơn bởi các bài viết thì có thể dựa vào nhiều nguồn sử liệu sẵn có, còn hình ảnh thì không.

Trong khi đó cuốn sách bao gồm hàng nghìn hình ảnh gồm ảnh tư liệu, sự kiện, hiện vật; ảnh công trình, di tích, phong cảnh; ảnh/tượng/tranh về các nhân vật.

Chưa kể các bản đồ địa lý, bản đồ trận đánh, các sơ đồ, lược đồ, biểu đồ…

Với cuốn sách này, lịch sử hào hùng và những giá trị quý giá của dân tộc Việt Nam đã hiện lên với một diện mạo đẹp đẽ và trang trọng đúng với ý nghĩa của mình, không thua kém cuốn lịch sử nào của thế giới.

Tôi hy vọng tác phẩm này sẽ khơi gợi phần nào tình yêu, lòng biết ơn của các thế hệ đi sau đối với lịch sử của quê hương, đất nước, với các di sản mà cha ông ta đã mất biết bao mồ hôi và cả xương máu để lại cho chúng ta.

Những điều chưa biết về công việc biên soạn cuốn sách 'khổng lồ': Lịch sử Việt Nam bằng hình - Ảnh 10.Truyện dân gian Nam Bộ, ký ức lịch sử về 'những người thật việc thật'

Theo ông Huỳnh Ngọc Trảng, thể loại truyền thuyết, giai thoại chiếm đại đa số trong kho tàng truyện dân gian Nam Bộ. Chúng tồn tại như những ký ức lịch sử về những người thật việc thật.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp