01/09/2016 16:58 GMT+7

​Những điều cần biết về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể phòng và điều trị được nhưng cần phải kiên trì và phối hợp nhiều biện pháp.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường thở làm các phế quản dầy lên, xơ hóa, tăng tiết đờm, co thắt phế quản, hậu quả làm hạn chế lưu thông luồng khí thở vào. Kèm theo các phế nang bị phá hủy, căng dãn bất thường gây nên tình trạng ứ khí (khí phế thũng). Các tổn thững trên khiến bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có các triệu chứng ho, khạc đờm mạn tính, khó thở và càng rõ khi có hạn chế luồng khí thở nhiều.

Những nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?

Có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Việc xác định các yếu tố nguy cơ gây bệnh là rất quan trọng để đưa ra chiến lược điều trị, dự phòng cho bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ đã được xác định bao gồm:

- Hút thuốc lá, thuốc lào: bao gồm cả hút thuốc chủ động và thụ động. Mối liên quan giữa hút thuốc lá và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã được khẳng định một cách chắc chắn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, 80 - 90% các trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có liên quan đến hút thuốc lá và 15 - 20% người hút thuốc lá sẽ phát triển thành bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sau một số năm. Phổi và chức năng hô hấp của những người hút thuốc lá chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi các chất độc chứa trong khói thuốc lá như monoxide carbon (CO), dioxide carbon (CO2), các chất gây ung thư và chất gây nghiện nicotin.

- Yếu tố gene (di truyền): do thiếu hụt men Alpha1- antitripsin là một glucoprotein được tổng hợp ở gan có tác dụng ức chế hoạt động của proteinase (elastase, cathepsin G). Những người thiếu hụt men Alpha1- antitripsin sẽ khởi phát bệnh sớm hơn, thường trước tuổi 40, đặc biệt nếu có hút thuốc lá.

- Các loại bụi nghề nghiệp và các chất hóa học thường gặp ở những công nhân thợ hàn, công nhân luyện kim, công nhân nhà máy sợi…

- Ô nhiễm không khí: bao gồm ô nhiễm ngoài nhà (khí thải công nghiệp, xe hơi) và ô nhiễm trong nhà liên quan đến việc sử dụng dầu sinh học, bếp củi để đun nấu, sưởi ở những nơi thông khí kém, yếu tố này liên quan đến tỷ lệ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở nữ giới tại một số nước.

- Các yếu tố khác như nhiễm trùng tái phát từ thời kỳ nhỏ tuổi, tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, tình trạng kinh tế xã hội cũng liên quan đến bệnh sinh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Làm thế nào để có thể phát hiện sớm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính diễn tiến âm thầm sau nhiều năm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ. Các triệu chứng hô hấp dễ bị bỏ qua do bệnh nhân cho rằng đó là dấu hiệu của người hút thuốc hoặc do tuổi tác, thường chỉ khi nào bệnh nhân thấy khó thở mới đi khám. Mặt khác, các dấu hiệu của bệnh cũng dễ bị che khuất hoặc nhầm với các dấu hiệu của các bệnh kèm theo khác.

Tuy nhiên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính lại có thể chẩn đoán một cách dễ dàng bằng kỹ thuật đơn giản là đo chức năng thông khí phổi. Do đó, đối với các trường hợp trên 40 tuổi, kèm theo có các dấu hiệu như ho mạn tính (thường liên tục trong ngày, ít khi xuất hiện và nặng về đêm), khạc đờm mạn tính, có những đợt nhiễm trùng hô hấp tái diễn, khó thở tiến triển tăng dần theo thời gian, tồn tại liên tục, tăng lên khi gắng sức và sau mỗi đợt nhiễm khuẩn hô hấp, tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào, hay sống trong môi trường ô nhiễm khí thở, cần được đến các cơ sở y tế chuyên khoa hô hấp đo chức năng thông khí phổi chẩn đoán xác định bệnh.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có điều trị được không?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể phòng và điều trị được nhưng cần phải kiên trì và phối hợp nhiều biện pháp.

Phòng tránh các yếu tố nguy cơ là việc làm đầu tiên để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Cai thuốc lá là công việc phải thực hiện ngay, giúp làm chậm diễn biến nặng lên của bệnh, làm bệnh ổn định hơn, ít vào đợt cấp hơn. Trong trường hợp cai thuốc lá khó khăn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn cai nghiện thuốc lá. Cải tạo nơi làm việc và sinh hoạt đảm bảo thông gió tốt, giảm khói bụi.

Tiêm phòng cúm, phế cầu và sử dụng thuốc điều hòa miễn dịch, giúp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ổn định, hạn chế nhiễm trùng và đợt cấp.

Tập phục hồi chức năng hô hấp giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao khả năng gắng sức của bệnh nhân. Có thể chỉ bằng các động tác đơn giản như tập thở chúm môi, thở hoành, đi bộ…

Điều trị bằng thuốc đóng vai trò quan trọng giúp cải thiện triệu chứng khó thở và phòng ngừa đợt cấp. Ưu tiên sử dụng các thuốc tác động tại chỗ (xịt, hít, khí dung) gồm thuốc dãn phế quản, thuốc corticoid (được chỉ định khi bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn nặng, có nhiều đợt cấp trong năm).

Thở oxy dài hạn (trên 15 giờ/ngày) được chỉ định cho bệnh nhân suy hô hấp mạn tính, có giảm oxy máu kể cả khi nghỉ.

Điều trị giảm thể tích phổi (phẫu thuật hoặc đặt van một chiều qua nội soi phế quản) là kỹ thuật mới, áp dụng trong trường hợp ứ khí phế nang nặng, không đáp ứng với điều trị bằng thuốc.

Hiện nay, tại Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu một số kỹ thuật điều trị mới như ứng dụng điều trị tế bào gốc, ghép phổi cho những trường hợp nặng, hy vọng sẽ mở ra cơ hội mới cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Một số lời khuyên đối với người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

1. Hãy đi khám ngay khi có dấu hiệu mắc bệnh: ho, khạc đờm và khó thở khi làm nặng để được đo chức năng hô hấp, xác định bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 

2. Dùng đúng thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Cần đến khám lại định kỳ hàng tháng và mỗi khi có đợt cấp tính: ho, đờm nhiều, thay đổi màu sắc đờm, khó thở tăng.

3. Bỏ hút thuốc lá, thuốc lào. Tránh xa nơi có nhiều người hút thuốc và những vật dụng liên tưởng đến thuốc lá.

4. Giữ không khí trong nhà thật sạch, thoáng. Tránh khói và các loại khí gây khó thở, tránh tiếp xúc với khói bếp than.

5. Luyện tập, giữ cho thân thể khỏe mạnh, đi bộ và tập thể dục đều đặn, tập thở, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

6. Nếu mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mức độ nặng, hãy sống lạc quan và hoạt động tối đa trong điều kiện sức khỏe cho phép. Làm mọi việc thường ngày một cách chậm rãi, đơn giản.

7. Đến bệnh viện hay liên lạc với bác sĩ ngay nếu tình trạng xấu đi: khó thở khiến nói chuyện, đi lại khó khăn; môi hay móng tay tím tái; nhịp tim, mạch rất nhanh hay không đều; thuốc thường dùng không còn tác dụng đủ lâu, hay không còn tác dụng.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp