Phóng to |
Các báo thường phát hành lúc hai hoặc ba giờ sáng, vậy giờ nộp lưu chiểu có cơ quan quản lý nào đọc kịp? Ảnh: THANH NHÃ |
Những điểm mới trong dự án Luật báo chí sửa đổi (bài 1)
Nộp lưu chiểu vào giờ ngủ!
Báo chí của chúng ta không bị nhà nước kiểm duyệt. Thực tế công việc “kiểm duyệt” này lâu nay nằm trong trách nhiệm của tổng biên tập báo hoặc giám đốc đài. Nhưng chúng ta lại có chế độ nộp lưu chiểu.
Dự án Luật báo chí (LBC) mới quy định thời gian nộp lưu chiểu cho các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí “chậm nhất là hai giờ kể từ thời điểm phát hành”. Thực tế các báo ngày thường phát hành khoảng hai hoặc ba giờ sáng. Vậy thì phải nộp lưu chiểu chậm nhất lúc bốn hoặc năm giờ sáng. Vào thời điểm “ngủ” đó, có cơ quan quản lý nhà nước nào đọc, kiểm tra nội dung, phát hiện vi phạm để xử lý kịp thời hay không? Mà theo Nghị định 56 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa-thông tin thì hành vi nộp lưu chiểu sản phẩm báo chí không đúng địa điểm, thời hạn sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1,5 triệu đồng! Không nộp thì bị phạt từ 1,5 - 3 triệu đồng!
Tổng biên tập chỉ là phụ tá?
Lâu nay người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng biên tập (báo in) hoặc giám đốc (đài). Theo dự án LBC mới, người đứng đầu cơ quan báo chí là chủ nhiệm (báo) hoặc giám đốc (đài), còn tổng biên tập chỉ là người phụ tá nghiệp vụ của chủ nhiệm, giám đốc; chịu trách nhiệm trước chủ nhiệm, giám đốc (theo cách hiểu của chúng tôi, không biết đúng hay sai).
Chủ nhiệm báo, giám đốc đài chịu trách nhiệm về nội dung thông tin và mọi hoạt động của cơ quan báo chí nhưng tiêu chuẩn nghiệp vụ báo chí không được đặt nặng bằng tổng biên tập (đây là cách hiểu của chúng tôi vì trong dự án LBC mới, nếu như tiêu chuẩn nghiệp vụ đối với tổng biên tập được quy định rất cụ thể thì đối với chủ nhiệm báo lại chỉ nói chung chung và giao cho Chính phủ quy định chi tiết).
Theo dự án, muốn làm tổng biên tập, ngoài tiêu chuẩn chính trị ra còn phải có quá trình hoạt động báo chí ít nhất ba năm, đã được Bộ Thông tin và truyền thông cấp thẻ nhà báo, đã từng giữ chức vụ trưởng, phó phòng, ban nghiệp vụ báo chí, đã qua lớp bồi dưỡng quản lý báo chí...
Nhà nước hỗ trợ tài chính
Trong thực tiễn có nhiều cơ quan báo chí không đủ khả năng tự sống “lấy thu bù chi” mà được nhà nước bao cấp thường xuyên, nên dự án LBC đã đề ra những biện pháp hỗ trợ tài chính của nhà nước. Cụ thể là lập quỹ hỗ trợ phát triển báo chí. Quỹ này là “tổ chức tài chính nhà nước, trực thuộc Bộ Thông tin và truyền thông, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, sử dụng để hỗ trợ cơ quan báo chí và các hoạt động phát triển báo chí” (khoản 1 Điều 8 dự án luật). Nguồn tiền hình thành quỹ hỗ trợ bao gồm nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tài trợ của tổ chức, cá nhân và các nguồn thu tài chính hợp pháp khác.
Dự án LBC mới khẳng định Chính phủ sẽ có chính sách ưu đãi về thuế, về phí cho báo, đài. Điều này lâu nay luật cũ cũng quy định nhưng trong thực tế triển khai của các cơ quan nhà nước chưa cụ thể. Ví dụ, cơ quan báo chí vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 28% giống như các công ty kinh doanh.
Báo, đài có quyền liên kết với tư nhân
Có ý kiến cho rằng dự án LBC có vẻ thoáng vì bước đầu nó muốn xác lập xu hướng hợp thức hóa các hoạt động “bán măng-sét”, “tư nhân núp bóng” lâu nay thường bị phê phán. Việc này thể hiện qua nội dung Điều 33: Cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật và phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
Các lĩnh vực được phép liên kết được nêu cụ thể là:
- Thiết kế, trình bày, in báo, phát hành báo chí (thực tế đây là toàn bộ nguồn thu và chi bình thường của một tờ báo).
- Khai thác hoặc mua bản quyền về măng-sét, nội dung các ấn phẩm báo chí thuộc lĩnh vực khoa học-công nghệ, thể thao, giải trí, quảng cáo và thông tin kinh tế của báo chí nước ngoài để xuất bản tại Việt Nam (như vậy phải chăng các báo ngoài các lĩnh vực trên như các báo chính trị, xã hội thì không được).
- Tổ chức báo chí nước ngoài được phép liên kết khai thác hoặc mua toàn bộ bản quyền về măng-sét, nội dung các ấn phẩm báo chí Việt Nam để xuất bản ở nước ngoài.
- Sản xuất chương trình phát thanh, chương trình truyền hình thuộc lĩnh vực khoa học-công nghệ, thể thao, giải trí, quảng cáo và thông tin kinh tế.
- Mua các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình nước ngoài theo quy định của pháp luật để biên tập, biên dịch, truyền dẫn, phát sóng tại Việt Nam”.
Từ nay cho đến khi dự án LBC được Chính phủ chấp nhận trình Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua vẫn còn rộng thời gian để mọi người trao đổi, thảo luận, góp phần tạo dựng nên một hành lang pháp lý mới bảo đảm cho hoạt động báo chí đủ điều kiện phát triển trong xu thế tiến bộ, dân chủ và hội nhập. Chúng tôi giới thiệu một số điểm mới của dự luật như là một sự gợi mở để bạn đọc quan tâm có thể góp thêm ý kiến giúp cơ quan quản lý có thêm thông tin trước khi quyết định ban hành luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận