11/04/2015 08:50 GMT+7

​Những đề văn giàu ý nghĩa

ThS PHẠM THỊ THANH NGA (giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)
ThS PHẠM THỊ THANH NGA (giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)

TT - Đề thi văn thường rất ngắn so với đề thi các môn khác. Vì vậy nhiều người cho rằng trong việc ra đề, giáo viên văn là sướng nhất. Thật ra không phải vậy.

Trong cuộc sống, có phải lúc nào sự bình đẳng cũng đồng nghĩa với công bằng? (đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi THPT vào tháng 10-2014)
Trong cuộc sống, có phải lúc nào sự bình đẳng cũng đồng nghĩa với công bằng? (đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi THPT vào tháng 10-2014)

Đề văn ngắn nhưng dễ gây tranh cãi bởi chín người mười ý, môn văn lại là môn mà ai cũng có thể đưa ra ý kiến cá nhân. Sai dấu câu, sai từ ngữ, sai ngữ pháp, sai trích dẫn hay khác biệt về tư tưởng đều là những lý do để người ra đề văn phải hứng chịu búa rìu dư luận.

Chính vì vậy, nhiều giáo viên văn thường chọn cách ra đề an toàn. Họ dựa vào những đề có sẵn trong các sách, chép lại nguyên văn hoặc sửa đổi đôi chút. Năm qua tháng lại, biết bao thế hệ học trò, đề thi vẫn không có gì đổi mới về nội dung lẫn cách hỏi. Đây cũng là lý do khiến các bài văn mẫu mọc lên như nấm sau mưa.

Đề thi thiết thực hơn

Đề thi kèm hình vẽ

Về hình thức, khác với các đề thi truyền thống thuần túy chỉ sử dụng ngôn ngữ, đề thi của TP.HCM kết hợp sử dụng hình ảnh.

Một số giáo viên cho rằng việc sử dụng hình vẽ chỉ phù hợp với học sinh cấp I chứ không phù hợp với học sinh cấp III, hơn nữa văn chương là nghệ thuật ngôn từ, trong đề văn chỉ nên có ngôn từ mà thôi.

Cá nhân tôi nghĩ rằng ở lứa tuổi nào con người cũng luôn thấy thú vị với những hình ảnh giàu ý nghĩa.

Thay vì dùng ngôn từ để miêu tả một hiện tượng, hãy để hình vẽ thay lời muốn nói, chẳng phải đề văn sẽ sinh động, hàm súc và giàu sức gợi hơn sao?

Là một giáo viên trường chuyên, có tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi văn, tôi luôn quan tâm theo dõi đề thi của các tỉnh thành, đặc biệt là đề thi học sinh giỏi.

Thật vui mừng làm sao, trong năm vừa qua tôi nhận thấy các đề văn thi học sinh giỏi của TP.HCM đều được ra theo hướng khơi mở sáng tạo, phát triển tư duy.

Trong phạm vi của bài viết, tôi xin nhận xét một số đề nghị luận xã hội thi học sinh giỏi của Sở GD-ĐT TP.HCM năm học 2014-2015. Nói đến đổi mới thi cử, các đề nghị luận xã hội thường thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội bởi tính gần gũi, thiết thực.

Một điều mà tôi rất tâm đắc ở các đề văn TP là tính thời sự của đề thi. Ngay sau khi Tuổi Trẻ Online ngày 12-10-2014 đăng câu chuyện về Malala - người trẻ nhất trên thế giới và là người Pakistan đầu tiên đoạt giải Nobel hòa bình, ngày 14-10-2014 câu chuyện ấy đã xuất hiện trong đề thi học sinh giỏi văn của TP.

Người ra đề đặt một câu hỏi đầy ý nghĩa: “Vì sao Malala được cho là người “truyền cảm hứng” cho cả thế giới? Từ câu chuyện của Malala - cô gái 17 tuổi đoạt giải Nobel hòa bình, anh/chị suy nghĩ gì về cách mọi người tìm cảm hứng sống cho chính mình và truyền nó cho cuộc đời?”.

Quả là một đề văn hay, đáng cho mọi người phải suy nghĩ. Nếu không tìm cảm hứng sống cho chính mình và truyền nó cho cuộc đời, sự sống của chúng ta sẽ còn lại gì?

Về cách thức hỏi, lâu nay chúng ta hay bắt gặp trong đề nghị luận xã hội những cách hỏi quen thuộc: “Anh/chị có suy nghĩ gì về ý kiến/hiện tượng trên?”, “Hiện tượng/ý kiến trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?”, “Hãy bàn về câu chuyện trên”... Vì vậy, để có những đề hay chắc hẳn người phụ trách ra đề của TP đã đầu tư nhiều và chịu khó đổi mới. Trong đề văn TP, ta bắt gặp những cách hỏi thú vị:

“Có bạn trẻ yêu cuộc sống như cuộc sống vốn thế, cũng có bạn yêu cuộc sống chỉ vì những thuận lợi mà nó đem đến.

Có bạn trẻ yêu mọi người như mọi người vốn thế, cũng có bạn yêu người khác chỉ vì những điều tốt đẹp mà người ấy mang lại.

Còn bạn, bạn thì sao?”.

Nếu xem đáp án, ta sẽ thấy người làm bài được quyền lựa chọn cho mình bất cứ cách yêu thương nào mà mình thấy phù hợp, miễn sao biết lập luận để thuyết phục người khác. Chính điều này sẽ khuyến khích học sinh nói thẳng, nói thật những gì mình nghĩ thay vì chép theo, nói theo, làm theo để vượt qua các kỳ thi văn như hiện nay.

Em hãy viết bài văn nghị luận xã hội trả lời cho câu hỏi: Những người trong mỗi hình vẽ trên (ảnh 1 và 2) đang “gần” hay “xa” nhau? (đề thi Olympic tháng 4-2014 của lớp 11)
Em hãy viết bài văn nghị luận xã hội trả lời cho câu hỏi: Những người trong mỗi hình vẽ trên đang “gần” hay “xa” nhau? (đề thi Olympic tháng 4-2014 của lớp 11)

Khơi mở sáng tạo

Về nội dung, có thể thấy vấn đề nghị luận mà các đề nghị luận xã hội của TP đưa ra rất quen thuộc với các bạn trẻ. Đó có thể là vấn đề công nghệ hiện đại đang làm con người xa nhau (đề Olympic 11 đã dẫn ra như ảnh trong bài), vấn đề công bằng và bình đẳng trong xã hội (đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi THPT vào tháng 10-2014 đã dẫn phía trên), nhưng quan trọng hơn, các đề văn TP thường khiến các bạn trẻ phải nhìn lại bản thân để thấy được trách nhiệm của mình đối với đất nước:

“Trong một lớp học nọ, thầy giáo hỏi:

- Các em có muốn nhìn thấy tương lai của đất nước không?

Cả lớp đồng thanh:

- Dạ, muốn! Dạ, muốn!

Thầy giáo bảo:

- Vậy thì các em hãy nhìn vào gương!”.

Câu trả lời của người thầy gợi cho em suy nghĩ gì?

(Đề Olympic tháng 4 lớp 10)

Muốn trở thành chủ nhân tương lai của đất nước đòi hỏi thế hệ trẻ phải sống đầy đam mê, sáng tạo, không đi theo lối mòn của khuôn khổ sẵn có. Đó cũng chính là thông điệp mà đề thi học sinh giỏi văn lớp 9 gửi gắm:

Mượn lời Dế Mèn trong truyện Dế Mèn phiêu lưu ký, nhà văn Tô Hoài đã nói lên tâm tư và khát khao của tuổi trẻ: “Hỡi ôi! Còn chi buồn bằng, tuổi thì trẻ, gân thì cứng, máu thì cuồn cuộn với trái tim và tấm lòng thiết tha mà đành sống theo khuôn khổ bằng phẳng”.

Hiện nay, một số bạn trẻ chọn lối sống khác khuôn khổ bằng phẳng bằng cách: ăn mặc lố lăng, hành xử đầy tính bạo lực, phát ngôn làm tổn thương người khác, ...

Vấn đề trên gợi cho em suy nghĩ gì?

Tóm lại, tôi nhận thấy những đề văn nghị luận xã hội của TP trong năm vừa qua luôn hướng tới việc khơi mở những suy nghĩ, sáng tạo của học sinh. Các đáp án chấm thi cũng cho thấy sự nâng niu, trân trọng với những tìm tòi, thể nghiệm của các em. Phải như vậy thì văn mới là đời, viết bài văn cũng là cách thể hiện chính con người ngoài đời của mình trên trang giấy.

Xin cảm ơn những đề văn nghị luận xã hội của TP đã thắp lên trong giáo viên và học sinh niềm lạc quan về một tương lai mới cho môn văn, khi cá tính và cách nhìn riêng của người làm bài được coi trọng. Chỉ khi ấy văn học mới thật  sự là nhân học.

Sau đề văn hay là sự can đảm của người ra đề

Để ra được những đề văn hay, đặc biệt là những đề văn ấy được phổ biến rộng rãi chứ không phải đề văn trong lớp, người ra đề phải dụng công, dụng tâm và can đảm chấp nhận những phán xét của dư luận. Nếu không như thế, vĩnh viễn chúng ta sẽ chỉ có những đề văn nhàn nhạt, bình bình, chìm vào lãng quên trong cái ao đời phẳng lặng ngay sau khi xuất hiện.

Đi kèm với các đề văn ấy là những bài văn hay một cách khuôn sáo, quen thuộc một cách kỳ lạ được viết trong sự nhàm chán của các em học sinh.

Em hãy viết bài văn nghị luận xã hội trả lời cho câu hỏi: Những người trong mỗi hình vẽ trên (ảnh 1 và 2) đang “gần” hay “xa” nhau? (đề thi Olympic tháng 4-2014 của lớp 11)
Em hãy viết bài văn nghị luận xã hội trả lời cho câu hỏi: Những người trong mỗi hình vẽ trên đang “gần” hay “xa” nhau? (đề thi Olympic tháng 4-2014 của lớp 11)
ThS PHẠM THỊ THANH NGA (giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp