TS Nguyễn Văn Dũng - phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) - cho biết theo một số nghiên cứu, có tới 36% người tự sát đã có hành vi tự sát từ trước. Trong đó, độ tuổi 10-25 chiếm tỉ lệ có hành vi tự sát cao và có sự phân giới.
"Nhiều gia đình khi nhận thấy những khác thường về tâm lý của người thân, thay vì đưa đến bệnh viện thì lại đi cúng bái, đưa đến các chuyên khoa khác chứ không phải chuyên khoa tâm thần.
Trong xã hội hiện nay, nhiều người vẫn e ngại, kỳ thị đối với bệnh tâm thần. Điều này cho thấy chúng ta đang thiếu kiến thức về tâm thần", TS Dũng giải thích.
TS Dũng cũng nhấn mạnh, ý tưởng tự sát không phải chỉ là ý tưởng bộc phát, mà được nuôi dưỡng qua thời gian. Bởi vậy việc phát hiện, nhận biết dấu hiệu những người có nguy cơ tự sát để can thiệp kịp thời là rất cần thiết.
Còn bác sĩ Vũ Sơn Tùng - phó trưởng phòng điều trị rối loạn cảm xúc (Viện Sức khỏe tâm thần) - thông tin thêm tự sát là một quá trình được khởi đầu bằng ý tưởng tự sát thoáng qua, tiến triển thành kế hoạch tự sát thường xuyên hơn, cuối cùng là toan tự sát hoặc tự sát hoàn thành. Diễn biến của quá trình này dựa vào nhiều yếu tố của cả môi trường và tiến triển bệnh.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới trên 21 quốc gia cho thấy tỉ lệ có ý tưởng tự sát trong 12 tháng là 2% và trong suốt cuộc đời là 9%. Khoảng 60% sẽ chuyển từ ý tưởng tự sát sang kế hoạch tự sát và từ kế hoạch tự sát sang toan tự sát trong năm đầu tiên sau khi bắt đầu có ý định tự sát.
Theo bác sĩ Tùng, có nhiều nguy cơ dẫn đến tự sát, trong đó có yếu tố tiền sử gia đình và di truyền. Trong gia đình có người đã tự sát thì nguy cơ những người cùng huyết thống có nguy cơ tự sát cao hơn.
Bên cạnh đó, yếu tố bất hạnh thời thơ ấu cũng dẫn tới nguy cơ toan tự sát. Những người bị lạm dụng thời thơ ấu hoặc trải qua những sự kiện bất hạnh trong thời thơ ấu nguy cơ toan tự sát cao gấp 2 - 4 lần ở người không bị lạm dụng.
Tình trạng hôn nhân cũng là một trong những yếu tố nguy cơ tự sát. Trong một phân tích tổng hợp trên 36 nghiên cứu với cỡ mẫu trên 100 triệu người cho thấy nguy cơ tự sát ở nhóm chưa kết hôn cao hơn gần 2 lần so với nhóm đã kết hôn. Tự sát xảy ra thường xuyên hơn ở những người chưa kết hôn.
Ngoài ra, có một số yếu tố khác như bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, người gặp rối loạn tâm thần…
Để ngăn chặn hành vi tự sát, bác sĩ Tùng khuyến cáo cần phát hiện sớm những hành vi toan tự sát. "Khi thấy người thân có những biểu hiện khác lạ, tâm trạng u uất hay mua thuốc về dự trữ, mua dụng cụ (như dây thừng, dây điện, dao...) cần loại bỏ những nguy cơ và nhập viện ngay lập tức để theo dõi giám sát 24/24h.
Đặc biệt là những trường hợp trầm cảm có ý tưởng hoặc hành vi tự sát, khi ở bệnh viện luôn lưu ý phải loại bỏ những vật dụng hoặc phương tiện để người bệnh có thể tự sát", bác sĩ Tùng lưu ý.
Những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất ở trẻ vị thành niên đó là trẻ có những dấu hiệu cáu gắt, buồn chán…; nhịp sinh học (ăn, ngủ, nghỉ) thay đổi, không giao tiếp, tương tác với người thân và đặc trưng là "ôm" điện thoại. Với những trường hợp này nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra, tham vấn tâm lý để được can thiệp kịp thời.
Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư [email protected] (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận