"Căn phòng gọn gàng, ngăn nắp trong khoảng thời gian đầu chung sống đã không còn nữa. Càng ngày 25m2 đó càng bừa bộn, đồ đạc hư hỏng nhiều, có cái bể nát hết bởi anh ấy có thói quen đập phá mọi thứ khi chúng tôi cãi nhau", Tú Hảo (32 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) mở đầu câu chuyện về cuộc sống thử đôi lứa đầy ám ảnh cách đây 5 năm.
"Bản dùng thử" của hôn nhân
Khi đó, Tú Hảo đã 27 tuổi, cùng bạn trai hơn 2 tuổi về chung nhà sau khi cả hai gầy dựng công ty trang trí nội thất. "Thời gian đầu hai đứa rất vui vẻ, chúng tôi cùng làm việc, cùng chia sẻ mọi thứ. Khi quyết định dọn về một nhà thì tôi đã xem anh ấy là chồng mình để hết lòng vun đắp cho công việc chung và cuộc sống của hai đứa.
Nhưng thật buồn khi sau hơn ba năm chung sống, anh ấy dường như đã quên đi dự tính kết hôn của hai đứa. Đề cập đến vấn đề làm đám cưới thì anh ấy từ chối và nói rằng mình chỉ muốn sống như vậy, không muốn đăng ký kết hôn với ai cả", Hảo thuật lại.
Bước sang tuổi 30 với cuộc sống "không danh không phận" khiến chị chán nản. Chị không còn hy vọng vào mối quan hệ hiện tại, vào người đàn ông ngày ngày cùng ăn, cùng ngủ với mình.
Nhiều khi rảnh rỗi lên mạng, vô tình thấy những bức hình cưới lung linh mà bạn bè đăng, khiến chị không khỏi thắt lòng. "Rồi chẳng lẽ tới già tôi vẫn không có được cái đám cưới nào cho mình hay sao. Cái suy nghĩ đó cứ ám ảnh tôi trong cuộc sống chung càng ngày càng nhiều mâu thuẫn với anh ấy", chị xúc động nói.
Hảo kể thời gian chị và người yêu nhiều mâu thuẫn cũng là lúc việc kinh doanh lao dốc do ảnh hưởng dịch. Người yêu chị lao vào rượu chè, game online, thậm chí tìm thêm những mối quan hệ ngoài luồng để giải khuây.
Những chuyện trên như giọt nước tràn ly, làm cho "bản dùng thử" hôn nhân của chị nhanh chóng hết hạn sử dụng. "Đến bây giờ tôi cũng không biết mối quan hệ đó là họa hay là phúc. Là họa vì tôi đã đau khổ và thất vọng rất nhiều trong cuộc tình đó, nhưng chắc cũng là phúc vì sau tất cả, tôi phần nào nhận ra được bản chất và giá trị của hôn nhân", chị nói.
Chọn thời điểm chín muồi
Chia sẻ về chuyện tình yêu của mình, anh Lê Nam (34 tuổi, ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) cho biết: "Chúng tôi từng là đồng nghiệp, yêu nhau chín năm tròn, trải qua nhiều giai đoạn. Chuyện không hiểu nhau, mâu thuẫn cũng diễn ra nhưng đều ngồi nói chuyện lại với nhau. Sau đó càng hiểu và yêu thương nhau hơn".
Theo anh, mấu chốt của tình yêu lâu bền là cùng quan điểm sống, làm việc và giá trị của hạnh phúc. Cả anh và bạn gái đều quý trọng giá trị tri thức, cống hiến, không quá coi trọng vật chất.
Về độ tuổi kết hôn, anh cho biết mỗi người một cách nghĩ không ai giống ai. "Quan điểm của tôi là cần đủ độ chín từ hai phía về độ trưởng thành lẫn tình yêu, nhưng thông thường trên dưới 30 tuổi thì trọn vẹn nhất", anh nói.
Bạn gái anh giành được học bổng học nước ngoài khi 29 tuổi, trong khi anh 32. Ở tuổi này, cả hai đều bị cho là "ế" theo quan niệm họ hàng. Gia đình hai bên đều ủng hộ cả hai chủ động quyết định cuộc sống hôn nhân.
Anh trải lòng: "Chúng tôi đã vượt qua những thử thách khi yêu xa. Bạn gái đã kết thúc khóa học thành công. Cả hai vẫn ưu tiên công việc và tôi mong người yêu có công việc phù hợp rồi tiến tới hôn nhân".
Theo anh, hôn nhân và duy trì hôn nhân cần yếu tố lớn nhất là tình yêu. Anh cho rằng để giữ được tình yêu, trước tiên phải có tình yêu đã.
Tình yêu đúng nghĩa xuất phát từ tình cảm và rung động chân thật dành cho nhau, không vụ lợi, toan tính từ đầu. Hai người chung quan điểm, lý tưởng sống, nếu không rất khó đi đường dài. Và cần tìm cho nhau mối quan tâm chung để duy trì tình yêu, như cả hai có hai con mèo mà họ đều rất yêu thương, đều xuất hiện trong những cuộc nói chuyện, gọi video.
Cần đời sống riêng trước khi xây dựng cuộc sống chung
Anh Trần Bảo Nhân (35 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) đánh giá cao những cá nhân có đời sống riêng vững chắc, biết cách làm cho cuộc sống của mình thú vị trước khi muốn cùng ai đó phối ngẫu.
Anh là chuyên viên phân tích tài chính, một lĩnh vực khô khan và nhiều con số. Vợ anh là chị Thanh Xuân (32 tuổi, quê TP Đà Lạt, Lâm Đồng), một họa sĩ với phong cách sống khá phóng khoáng, tự do.
"Hai năm yêu nhau và hai năm về chung nhà, dù tính cách và hệ sinh thái tiếp xúc của hai vợ chồng tôi khá lệch pha nhưng tôi luôn tôn trọng công việc và sở thích cá nhân của cô ấy. Chính bởi những điều mới mẻ mà cô ấy mang lại đã tô điểm cho cuộc sống của tôi thêm nhiều màu sắc", anh tự hào.
Hai anh chị về sống chung một nhà ở độ tuổi chín muồi, lại độc lập về tài chính, vững vàng các quan điểm. Cuộc sống hai vợ chồng vẫn êm đềm, hạnh phúc và chưa hề lệch ra khỏi quỹ đạo một cuộc hôn nhân đúng nghĩa.
Theo TS Nguyễn Hữu Long, giảng viên khoa xã hội học - công tác xã hội - Đông Nam Á, Trường đại học Mở TP.HCM, trước khi kết hôn, bạn trẻ cần xác định tâm lý đã sẵn sàng bước vào một cuộc hôn nhân gắn kết dài lâu hay chưa. Không nên vội vàng kết hôn vì thấy người kia cũng được, cũng tốt, điều kiện kinh tế công việc ổn hoặc do người thân, bạn bè thúc giục.
Ngoài yếu tố tình yêu, hôn nhân còn rất cần tài chính, nền móng kinh tế. Ngoài ra, sự thấu hiểu, cam kết chia sẻ cùng nhau sẽ là chất keo kết nối mọi thứ. "Bạn trẻ cũng cần có những nguyên tắc tôn trọng nửa kia, coi hôn nhân là hành trình cả hai cùng trưởng thành, xây dựng gia đình hạnh phúc chứ không phải là một cuộc trải nghiệm, dạo chơi. Cả hai cùng cố gắng chứ không riêng gì cá nhân nào", TS Long chia sẻ.
TS Long cho rằng khi hôn nhân có dấu hiệu rạn nứt, hai người cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân, nhẹ nhàng tháo gỡ. Mọi thứ đều cần thời gian, sự kiên nhẫn, vì con người không ai toàn vẹn. Ta làm lớn những điểm tốt của nửa kia thay vì soi mói, chăm chăm vào những điểm xấu.
Pháp luật chưa quy định việc sống thử
Theo ông Phạm Hoàng Lộc (Đoàn luật sư TP Cần Thơ), nhiều bạn trẻ hiện nay có trào lưu sống thử (chung sống với nhau như vợ chồng dù chưa đăng ký kết hôn), tuy nhiên hiện nay chưa có quy định pháp luật nào quy định về việc sống thử này, trên thực tế cũng xảy ra nhiều câu chuyện dở khóc dở cười.
"Nhiều trường hợp sống với nhau như vợ chồng, cùng góp tiền làm ăn, lúc thành công mới ngỡ ra khi giao tài sản cho người kia làm ăn không có biên nhận, giấy tờ gì chứng minh mình cùng góp tài sản để làm ăn chung, đến khi chia tay thì mất trắng.
Dù trong trường hợp này tài sản hình thành trong quá trình hai người chung sống nhưng pháp luật không ghi nhận việc sống thử này, pháp luật chỉ có quy định về tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân (có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn). Trong trường hợp này vừa mất tình cảm vừa mất luôn tài sản mà không thể đòi lại được", ông Lộc giải thích.
Ở góc độ là một người từng tham gia giải quyết các vụ kiện về hôn nhân gia đình, ông Lộc cũng chia sẻ thêm để hôn nhân được bền vững, cần tìm hiểu kỹ đối tượng kết hôn, cả hai nên có kế hoạch tài chính để cùng xây dựng gia đình, vun đắp tổ ấm chung.
Đồng thời phải biết nhường nhịn, chia sẻ cũng như chấp nhận thay đổi, chấp nhận những khuyết điểm của người kia. Đặc biệt là kiềm chế cảm xúc khi phát sinh mâu thuẫn.
"Cuối cùng hôn nhân muốn bền vững đôi khi phải được sự ủng hộ từ gia đình hai bên", ông Lộc nói.
_______________________________________________________
Yêu nhau 5 năm, cả hai đã gắn bó về thể xác và tâm hồn. Nhưng cuộc hôn nhân của họ chỉ ấm áp được chưa tròn một năm, và ba lần họ đã ký đơn ly hôn… Rồi một ngày, họ nhận ra phải thay đổi để có lại tình yêu và con cái mình có được nụ cười hạnh phúc.
Kỳ tới: Anh có thay đổi vì em và vì con được không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận