Cây cầu Sam Lang được xây sau khi báo Tuổi Trẻ đưa tin, và đã khánh thành sau đó chỉ hơn một tháng - Ảnh: NGỌC QUANG
Đã có rất nhiều công trình được xây dựng nên từ sự đóng góp của bạn đọc Tuổi Trẻ trên cả nước. Trên số báo này, chúng tôi xin trở lại hai trong số hàng trăm công trình như thế. Điều đó như là một sự khắc ghi, nhắc nhớ những ơn nghĩa mà bạn đọc đã tin yêu, ký thác vào Tuổi Trẻ.
Trở lại câu chuyện cô giáo chui túi nilông qua suối Sam Lang hơn 6 năm về trước (số báo ra ngày 17-3-2014). Ngày đó, chúng tôi cũng như những thầy cô và dân bản, không biết khi nào người dân nơi đây thoát cảnh phiêu lưu sinh mạng khi qua suối như thế.
Trở lại Sam Lang
Hôm chúng tôi rời cổng đồn biên phòng Nà Hỳ để vào Sam Lang, trời bắt đầu đổ mưa. Sáu năm trước, nếu thời tiết như thế này chắc chắn chúng tôi sẽ phải ở lại đồn. Nhưng giờ thì quãng đường gần 20 cây số vào bản không có gì là ghê gớm. Xe lướt êm trên con đường rải cấp phối. Và những ký ức chợt ùa về trong tâm trí chúng tôi.
Cuối năm 2013, nhân chuẩn bị kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/2014), báo Tuổi Trẻ dự định thực hiện chương trình Tháng ba biên giới tại Điện Biên vào đầu tháng 3-2014.
Để chuẩn bị cho chương trình, nhóm phóng viên chúng tôi cùng anh em bộ đội biên phòng và Tỉnh đoàn Điện Biên đi tiền trạm, khảo sát một số điểm bản biên giới khó khăn nhất tỉnh để triển khai. Xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ được chọn là nơi tổ chức chính chương trình Tháng ba biên giới.
Cùng với chương trình, một điểm trường với kinh phí khoảng 1 tỉ đồng sẽ được xây dựng tại bản Sam Lang - nơi được coi là địa bàn khó nhất tỉnh.
Và khi vào tới bản Sam Lang, chúng tôi thật sự "choáng" bởi sự khó khăn, thiếu thốn trăm bề của hơn 100 hộ dân đồng bào Mông nơi phên giậu giáp với nước bạn Lào.
Đường vào bản khi đó là lối mòn dân sinh được vẹt ra từ mái đồi. Dẫn chúng tôi đi, đồn trưởng Đồn biên phòng Nà Hỳ khi đó là thiếu tá Phương Công Quý cho biết: "Mùa khô xe máy có thể đi được, nhưng tay lái phải thật cứng. Khi trời mù hay chỉ mưa nhỏ, đường dốc trơn trượt thì xe máy không thể đi được, có đi thì bánh xe phải quấn xích. Còn mùa mưa lũ, Sam Lang như một hòn đảo biệt lập, chia cắt hoàn toàn với bên ngoài. Việc đi lại là khó khăn nhất trong muôn vàn khó khăn của Sam Lang".
Khi thực hiện công trình điểm trường cho chương trình Tháng ba biên giới của báo Tuổi Trẻ tại Sam Lang, những chuyến công tác sau đó để kiểm tra tiến độ công trình, viết bài về các thầy cô giáo cắm bản ở khu vực này chúng tôi đã thấm thía và chia sẻ những gian nan đó.
Nhưng phải đến khi gặp cô giáo Tòng Thị Minh - người quay những clip về chuyện thầy trò chui vào túi nilông qua suối, chúng tôi mới thật sự sốc.
Những dòng suối Tây Bắc hung hãn khi lũ về không phải là điều gì xa lạ với chúng tôi. Nhưng cái cách vượt qua suối như cô giáo Minh và các cô trò vẫn làm hằng ngày trong mùa lũ thì dù giàu tưởng tượng vẫn khó mà hình dung ra được.
Không đến tận Sam Lang, không gặp từng người trong cuộc thì ai mà dám nghĩ đó lại là một sự thật hơn cả sự thật.
Cây cầu gọi tiếp con đường...
Khi câu chuyện ấy được viết ra, rồi sự lan tỏa bởi hiệu ứng của đoạn clip thầy trò chui túi nilông qua suối, Sam Lang được biết đến. Khi ấy, ông Đinh La Thăng, cựu bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, dù đang đi công tác tại Nhật vẫn gọi điện về hứa: Ngành giao thông vận tải sẽ xây tặng bà con Sam Lang một cây cầu, sẽ khánh thành đúng dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/2014).
Những ngày đó, cùng với anh em trong đội xây cầu, nhóm phóng viên Tuổi Trẻ cũng có mặt ở hiện trường, hi vọng với cây cầu này, Sam Lang sẽ thoát cảnh bị cô lập khi mùa mưa lũ đến.
Thật thần tốc, chỉ chưa đầy 1 tháng sau, ngày 5-5-2014 (khởi công ngày 11-4), cây cầu treo Sam Lang bắc qua dòng suối Nậm Pồ hung hãn đã được khánh thành. Cây cầu có chiều dài 70m, mặt cầu rộng 1,5m được làm toàn bộ bằng thép ống hoàn thiện, khánh thành.
Ngày cây cầu khánh thành với người dân Sam Lang là một ngày hội. Và hơn 2 năm sau khi khánh thành cây cầu treo, bộ đội biên phòng đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để rải cấp phối, xây thêm cầu cống và giờ đây xe ôtô có thể bon bon trên đường vào tận bản mặc cho trời đổ mưa.
Cây cầu, con đường hoàn thành thật sự còn hơn cả một giấc mơ của bà con nơi đây.
Và hơn thế nữa, 6 năm trôi qua, ngôi trường Sam Lang đơn sơ được xây nên bởi tấm lòng bạn đọc Tuổi Trẻ và mồ hôi công sức của những người lính biên phòng vẫn khang trang giữa núi đồi biên ải.
Trong chuyến trở lại hồi tháng 4 năm trước, chúng tôi bất ngờ khi thấy học sinh ở Sam Lang đông một cách "bất thường". Hóa ra sau khi có cầu treo, đường sá được nâng cấp và đời sống kinh tế của dân bản khấm khá hơn nên dân cũng... sinh đẻ nhiều hơn. Một lý do khác, theo cô Lò Thị Thùy - hiệu trưởng Trường tiểu học Nà Hỳ số 2, nhờ thuận lợi về đường sá, trường lớp khang trang hơn nên học sinh các bản lân cận cũng xin về điểm trường Sam Lang học. Từ đó số học sinh mỗi năm học mỗi tăng lên.
Năm 2014 khi báo Tuổi Trẻ về khảo sát xây dựng điểm trường này, số trẻ mầm non chưa đến 20 cháu, giờ đây số trẻ từ 2 tuổi đến 5 tuổi ở điểm trường Sam Lang đã tăng lên hơn 80 cháu, phải mở ba lớp. Số học sinh cấp tiểu học cũng tăng gần gấp đôi với số lượng lên hơn 100 em.
Căn nhà làm nơi tá túc cho thầy cô cũng được tận dụng làm chỗ học, còn thầy cô ở tạm vào gian bếp nhỏ. Mãi gần đây, để đáp ứng số học sinh quá đông, hai phòng học nữa đã được xây thêm.
Có con đường, có cây cầu, cơ sở vật chất trường lớp được cải thiện, đời sống nhân dân khá hơn lên so với mặt bằng chung. Kết thúc bài báo về câu chuyện cô giáo chui túi nilông qua suối Sam Lang hơn 6 năm về trước, chúng tôi đã viết: "Tất cả vì học sinh thân yêu là một câu khẩu hiệu được viết rất trang trọng trên tường của nhiều ngôi trường. Nhưng ở Sam Lang, "tất cả vì học sinh thân yêu" không hề là câu khẩu hiệu, nó hiển hiện cụ thể trên mỗi chặng đường mà các thầy cô giáo đang mang con chữ đến với học sinh.
Câu khẩu hiệu đó cũng được bảo chứng bằng chính sinh mạng của họ như câu chuyện vượt suối mùa lũ bằng túi nilông mà chúng tôi kể!".
Và bạn đọc cả nước cũng "Tất cả vì học sinh (Sam Lang) thân yêu", thông qua báo Tuổi Trẻ đã đóng góp, để hôm nay cả một vùng đất được thay da đổi thịt!
Nhân vật chính của câu chuyện Sam Lang, người quay clip cô trò chui túi nilông qua suối của Trường mầm non Sam Lang - cô giáo Tòng Thị Minh - đã được chuyển về dạy ở Trường mầm non xã Thanh Luông, huyện Điện Biên quê nhà. Chúng tôi không gặp được cô ở ngôi trường cũ và cây cầu có phần đóng góp rất lớn từ những đoạn phim cô Minh quay, nhưng cũng rất vui khi biết cô Minh đã được chuyển về huyện nhà từ năm học 2015 và đã lập gia đình, có một con gái.
Cô giáo Tòng Thị Minh và các em trong lớp học của ngôi trường mới - Ảnh: NGỌC QUANG
Chồng cô là bác sĩ Lò Văn Tuấn, công tác tại Trạm y tế xã Thanh Hưng cùng huyện. Cô Minh cũng cho biết nhờ một phần hỗ trợ của bạn đọc báo Tuổi Trẻ, ngôi nhà của mấy mẹ con ở Bản Ló, xã Thanh Luông đã được xây mới khang trang hơn.
Trong chương trình Tháng ba biên giới năm 2014, báo Tuổi Trẻ đã ủng hộ, xây dựng điểm trường Sam Lang. Công trình với ba phòng học xây gạch, lát gạch men, lợp mái tôn (có chống nóng) cùng với ba gian nhà gỗ chắc chắn vừa làm phòng học, vừa làm nơi ăn, ngủ của các thầy cô giáo cắm bản; nhà vệ sinh, bể nước.
Tổng giá trị công trình gần 1,3 tỉ đồng, trong đó bạn đọc báo Tuổi Trẻ góp gần 1 tỉ đồng, phần đối ứng của biên phòng tỉnh và nhà trường bằng số ngày công đóng góp của anh em cán bộ Đồn biên phòng Nà Hỳ và dân bản, thầy cô giáo tương đương 300 triệu đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận