28/10/2020 12:02 GMT+7

Những công nhân làm việc với cả tấm lòng

QUỐC LINH thực hiện
QUỐC LINH thực hiện

TTO - Hôm nay (28-10), Thành đoàn TP.HCM sẽ trân trọng vinh danh và trao giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi cho 43 anh chị là những điển hình trẻ trong hàng trăm ngàn thanh niên công nhân TP đang miệt mài làm việc, cống hiến.

Những công nhân làm việc với cả tấm lòng - Ảnh 1.

Nguyễn Hoàng Phương bên chiếc máy từ ý tưởng của anh và cùng đồng nghiệp xưởng cơ khí bảo trì chế tạo

Cuộc trò chuyện ngắn giữa Tuổi Trẻ cùng anh NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG (Công ty cổ phần thực phẩm Cholimex) và chị TRẦN MINH NHUNG (Công ty cổ phần Vissan), những nhân viên với vị trí làm việc bình dị song họ đã làm với cả tấm lòng say mê để giải những bài toán từ thực tế công việc đòi hỏi mỗi ngày.

* Hẳn là bạn đã phải trăn trở nhiều mới tìm ra ý tưởng mới cho công việc đã quá quen thuộc mỗi ngày?

- Hoàng Phương: Đi qua các xưởng mỗi ngày, tôi thấy tiếc khi chưa tận dụng hết công suất của máy ở công đoạn đóng nắp và dán nhãn sản phẩm, chợt nghĩ có lẽ máy dùng chuyền đôi so với chuyền đơn sẽ khắc phục được điều này. Thuận lợi là ý tưởng của tôi được lãnh đạo ủng hộ, đồng nghiệp ở xưởng cơ khí bảo trì đồng lòng nên có được kết quả hiện tại.

Tôi cho rằng có thể là công việc quen thuộc song nếu chịu quan sát, suy nghĩ thêm chút từ thực tế công việc mỗi ngày, ai cũng có thể tìm ra điều gì đó thú vị hay một cách giải quyết công việc hiệu quả dù chỉ xuất phát từ một điều nho nhỏ, bình dị thôi.

- Minh Nhung: Thực ra tôi nghĩ mọi việc đơn giản lắm, chỉ là tôi thấy tại sao phải dùng miếng lót hút ẩm vì sẽ thêm rác xả ra môi trường. Lý do khác là công đoạn chuẩn bị khay và lót miếng hút ẩm tốn khá nhiều thời gian bởi mỗi ngày bộ phận chúng tôi phải đóng gói vài chục ngàn khay sản phẩm như thế.

Nghĩ vậy nên tôi đề xuất bỏ, xin đóng gói thử nghiệm không dùng miếng hút ẩm. Để thêm thuyết phục, chúng tôi xin đưa vào kệ hàng siêu thị các khay không có gói hút ẩm để kiểm tra các chỉ số về vi sinh, an toàn thực phẩm. Khi các yếu tố trên đã hoàn thiện, lãnh đạo đồng ý cho triển khai, chính tôi cũng bất ngờ vì giá trị làm lợi cho đơn vị với con số đáng kể ấy.

* Điều gì bạn hài lòng nhất khi sáng kiến của mình được hiện thực hóa như hiện tại?

- Minh Nhung: Tôi tâm đắc nhất khi đã giảm bớt lượng rác thải đáng kể ra môi trường từ giải pháp mình đưa ra. Thực tế là khách hàng khi mua sản phẩm về cũng bỏ miếng hút ẩm. Không khiêm tốn gì đâu nhưng tôi cho rằng việc mình làm không có gì to tát nhưng vui vì phần nào giúp công ty bớt một khoản chi phí vật tư nếu xét trong khoảng thời gian dài. 

Đặc biệt là giảm bớt công đoạn làm việc của công nhân trực tiếp sản xuất, giảm luôn số người ở công đoạn chuẩn bị khay và lót miếng hút ẩm để có thể làm ở bộ phận khác.

- Hoàng Phương: Tôi không làm một mình mà làm cùng anh em trong xưởng, mỗi người một việc. Từ khi có máy, công nhân hạn chế phải tăng ca nhưng sản lượng nhiều hơn do công suất máy tăng gấp đôi. Điều đó giúp thu nhập của anh chị em cũng tăng lên, trong khi thời gian làm việc không biến động nhiều.

Vui nữa là chỉ sau một tuần vận hành chiếc máy đầu tiên, chúng tôi được tin tưởng giao chế tạo tiếp chiếc máy thứ hai và hiện cả hai máy đang vận hành ổn định tại xưởng, khả năng đáp ứng các đơn hàng có số lượng lớn kịp thời, hiệu quả hơn.

Những công nhân làm việc với cả tấm lòng - Ảnh 2.

Chị Trần Minh Nhung tham gia hoạt động Kỳ nghỉ hồng cùng đơn vị - Ảnh: Q.L.

* Phần nhiều nhân viên, công nhân sẽ có tâm lý an phận, còn với cá nhân bạn thì sao?

- Hoàng Phương: Thực ra hằng ngày tôi tiếp cận với các loại máy móc khác nhau, tình huống bảo trì, sửa chữa cũng không giống nhau nên một cách nào đó luôn có cái mới trong công việc. Chưa kể hệ thống máy móc của đơn vị cũng đa dạng, nhập mới liên tục nên cũng phải tìm tòi, đọc thêm tài liệu, học từ thực tế mỗi ngày để có thể giải quyết tốt nhất các tình huống gặp phải. 

Ngoài ra, việc tìm tòi chế tạo máy mới, đáp ứng yêu cầu công việc là bài toán gần như thường trực trong công việc mà tôi cùng đồng nghiệp ở xưởng vẫn luôn trăn trở tìm lời giải tốt nhất có thể trong khả năng và điều kiện làm việc hiện tại.

- Minh Nhung: Cá nhân tôi luôn là người nghiêm khắc, tự đặt yêu cầu cao với mình trong công việc. Có thể ý tưởng, suy nghĩ của mình chưa chắc đã phù hợp hay tốt nhất nên tôi luôn hỏi, lắng nghe ý kiến công nhân, rồi chính tôi vào làm trực tiếp vì có vậy mới biết chỗ nào đang khó, khâu nào đang tắc và cần thay đổi gì. 

Mục tiêu cuối cùng là hiệu quả công việc, cung cấp sản phẩm chất lượng nhất ra thị trường. Đó không chỉ vì sự an toàn của khách hàng mà còn là hình ảnh công ty mà tôi nghĩ mỗi chúng tôi đều có trách nhiệm giữ gìn, làm đẹp hơn mỗi ngày trong mắt khách hàng.

Sáng kiến đem lại tiền tỉ

Nguyễn Hoàng Phương hiện là nhân viên xưởng cơ khí bảo trì. Công trình chế tạo máy chiết rót đôi cho dòng chai PET 2 lít mà anh cùng đồng nghiệp thực hiện đã làm lợi cho công ty hơn 1,6 tỉ đồng.

Nếu nhập loại máy tương tự từ nước ngoài sẽ có giá khoảng 2 tỉ đồng, trong khi Phương cùng anh em mua vật tư, trang thiết bị để chế tạo hoàn chỉnh chiếc máy chỉ hết... 380 triệu đồng với tính năng tương tự.

Trong khi đó, đề xuất không sử dụng miếng hút ẩm đóng gói sản phẩm có xương đóng khay thịt tươi sống của tổ phó sản xuất Trần Minh Nhung khi áp dụng cho 10 loại sản phẩm khác nhau giúp giảm gần 1,9 tỉ đồng cho đơn vị sau 12 tháng thực hiện.

Kết quả kiểm định chứng minh không làm thay đổi chất lượng sản phẩm, giảm thời gian của công nhân và nhất là giảm một lượng rác thải đáng kể ra môi trường so với quy trình cũ trước đây.

9X trở về cống hiến cho giáo dục Việt 9X trở về cống hiến cho giáo dục Việt

TTO - Tốt nghiệp cao học từ Mỹ và từng có cơ hội làm việc tại một số công ty (trong đó có công ty khởi nghiệp được tài trợ bởi Quỹ Gates và Google), Phạm Mai Phương Linh (29 tuổi) vẫn quyết định trở về quê hương năm 2018.

QUỐC LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp