Ông Lâm Thành Trung (trái) giới thiệu với ông Trương Tuấn Hiệp về thiết kế khung tường trồng hoa có hình mã QR để nhắc nhớ về những ngày tháng chống dịch kiên cường của người dân TP - Ảnh: C.NƯƠNG
Không chỉ có vậy, len lỏi vào từng khu phố, con hẻm của một siêu đô thị, những "bức tường xanh" đang được xây dựng nhiều năm qua chất chứa bao câu chuyện gắn kết nghĩa tình.
Đâu đó tại TP này có những con hẻm lặng lẽ được thay da đổi thịt, có những con đường âm thầm khoác lên chiếc áo xanh tươi... từ cây xanh và những bức vẽ.
Nơi gặp nhau, nói dăm ba câu chuyện
Quận 3 (TP.HCM) là một trong những khu vực trung tâm với đầy đủ các dịch vụ từ ăn uống cho đến kinh doanh thương mại. Nhà cửa san sát nhau bởi nơi đây "tấc đất, tấc vàng" theo đúng nghĩa đen. Thế nhưng, những người sống ở con hẻm 80 Cao Thắng (phường 4, quận 3), không ai bảo ai, tất cả cùng chung tay với chính quyền xây dựng nên bức tường xanh sống động giữa lòng TP.
Vừa xách xô nước tưới mát cho các chậu cây, bà Phạm Thị Tuyết Anh - người đã hơn 30 năm sống ở hẻm 80 Cao Thắng - vui vẻ chia sẻ với chúng tôi về công trình này. "Thời gian đầu trồng có vài cây không thích nghi được nên chết, thế là người dân trong nhà ai có gì cũng đem ra trồng lại cây khác. Nhiều người đi chùa thấy mảng tường xanh ngắt ai cũng khen và đứng lại chụp ảnh, khiến mình cũng cảm thấy tự hào", bà Tuyết Anh nói.
Cách đó vài căn là nhà của ông Lâm Thành Trung - một trong những người dân dành nhiều tâm sức nhất cho bức tường này. Sau khi phường hoàn thiện công trình, ông đã mày mò thiết kế lại các chậu cây theo từng cụm cho đẹp mắt hơn. Ông còn đem cả những lồng chim nuôi trong nhà ra trưng bày.
"Từ khi con hẻm thay da đổi thịt, cứ sáng sớm rồi chiều tối lại có người ra tưới cây và khi đó chòm xóm cũng có thể gặp nhau nói dăm ba câu chuyện. Chứ ngày xưa nhà ai người đó sống, đi làm về là cứ ở trong nhà", ông Trung chia sẻ.
"Chủ xị" cho công trình này là ông Trương Tuấn Hiệp, chủ tịch Ủy ban MTTQVN phường 4, quận 3. Ở những huyện ngoại thành có không gian rộng nên việc triển khai mảng xanh thường dễ dàng hơn các quận trung tâm. Vì vậy, việc triển khai phải tính toán cho phù hợp địa hình và lối sống của người dân.
"Phường phát động phong trào làm mảng xanh theo chỉ thị 19 của Thành ủy, qua đó tác động rất nhiều đến ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường. Bởi trước đây khu vực tường này rất cũ kỹ và nhếch nhác. Nhờ sự ủng hộ và đồng lòng từ người dân, nơi đây đã trở thành mảnh vườn nhỏ gắn kết người qua lại con hẻm", ông Hiệp nói.
Nơi cây xanh vươn mình đón nắng
Mỹ quan khu vực dân cư có tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua luôn là vấn đề trăn trở của rất nhiều địa phương bởi hầu như nơi đây là điểm đen chuyên tập kết mọi rác thải, đồ dùng hư hỏng của người dân. Nhưng lạ thay, dọc tuyến đường Mai Văn Ngọc (nằm giữa phường 10 và 11, quận Phú Nhuận), vốn là bãi vứt vật dụng hư hỏng như nệm, ghế và rác thải ngổn ngang, nay đã trở thành nơi cây xanh vươn mình đón nắng.
Sống ở đường Mai Văn Ngọc hơn 20 năm qua, bà Kim Liên (ngụ phường 10, quận Phú Nhuận) cho biết đa số các loại cây được phường trồng rất dễ sống nên người dân ở đây không cần phải tưới mỗi ngày. Thay vào đó, ở nhà ai có cây hoa gì đẹp cũng đem ra trồng thêm vào các bồn.
"Đường sắt vào khu dân cư rất khó giữ mỹ quan sạch đẹp, nên ở đây mỗi tuần người dân đều chung tay cùng phường dọn dẹp, thu gom rác. Từ khi trồng các bồn cây, ai cũng thấy vui mắt, nhiều người ở nơi khác cũng đến đoạn đường này để chụp ảnh", bà Liên chia sẻ.
Cải tạo mỹ quan đô thị tuyến đường sắt là chương trình được lãnh đạo cùng người dân tại phường 10, quận Phú Nhuận triển khai thực hiện trong thời gian qua. Bà Trần Thị Huê - chủ tịch UBND phường - cho biết các bồn hoa được xây dựng bằng gỗ với chiều ngang 0,3m và chạy dài hơn 250m để không ảnh hưởng đến hành lang an toàn đường sắt. Toàn bộ chi phí từ các doanh nghiệp và các nguồn xã hội hóa chung tay. Việc chăm sóc cây sẽ được phường phối hợp với ban điều hành tổ dân phố và vận động các hộ dân hỗ trợ.
"Lúc đầu mình thấy người dân nơi đây đã trồng một số loại cây ở đó như bạc hà nhìn rất xanh tốt, sẵn đó nên phường đã lên ý tưởng trồng thêm các bồn hoa tạo cảnh quan. Khi triển khai công trình đã nhận được sự đồng thuận hưởng ứng và chung sức của toàn thể người dân", bà Huê nói.
Tháng 10-2018, Thành ủy TP.HCM ban hành chỉ thị số 19 về việc thực hiện cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước". Từ đó, nhiều mô hình hay và cách làm mới được từng địa phương linh động triển khai như khu dân cư không rác, bảo vệ dòng kênh xanh, trang trí mảng xanh tại khuôn viên cơ quan, đơn vị, các điểm đen rác thải...
Hưởng ứng chỉ thị này, mới đây thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã ký kết với thường trực UBND TP.HCM chương trình phối hợp để triển khai các mục tiêu xây dựng khu dân cư sạch đẹp. Theo đó, TP đưa chỉ tiêu xây dựng 500 khu dân cư được công nhận khu dân cư sạch đẹp vào cuối năm nay.
Cụ thể, mỗi phường xã thị trấn có ít nhất 1 khu dân cư sạch đẹp. Đến cuối năm 2023, toàn TP sẽ có 1.000 khu dân cư sạch đẹp và đến cuối năm 2024 sẽ có 1.500 khu dân cư sạch đẹp. Trong đó, có ít nhất 10% khu dân cư sạch đẹp tiêu biểu để khen thưởng cấp TP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận