Chương trình đem lại lợi nhuận khá cao cho nhà đài Gương mặt thân quen - Ảnh: S.V. |
Rất nhiều doanh nghiệp liên kết với đài truyền hình sản xuất đủ loại chương trình. Sau hơn 10 năm thực hiện xã hội hóa (tính từ năm 2003), qua sàng lọc khắc nghiệt chỉ còn trụ lại vài tên tuổi. Và họ được xem là những “con cưng”.
Gọi là “con cưng” bởi các đơn vị này luôn được nhà đài ưu ái dành riêng cho những ngày/giờ phát sóng thuận lợi cùng hỗ trợ nhiều mặt, thậm chí... che chở khi có sự cố xảy ra.
Dĩ nhiên để được “cưng” như thế, các đơn vị này đã trải qua nhiều năm tháng sát cánh cùng nhà đài.
Và quan trọng hơn là họ đã làm nên kha khá các chương trình giúp đài nở mặt nở mày, mang về cho đài nguồn thu khổng lồ.
Tuyệt đỉnh tranh tài
Không khó để nhận ra tổ hợp truyền thông Ðất Việt VAC đang là “con cưng” của Ðài truyền hình TP.HCM (HTV).
Hiện Ðông Tây Promotion - công ty thành viên của Ðất Việt - đang sản xuất đều đặn khoảng 20 chương trình mỗi năm, trải dài gần như suốt tuần cho đủ mọi đối tượng khán giả ở đủ loại nội dung từ game show, talk show đến truyền hình thực tế như Poli và các bạn, Chung sức, Thử tài thách trí, A ha, Ngôi nhà mơ ước, Tuyệt đỉnh tranh tài, Người bí ẩn, Hội ngộ danh hài, Thử thách cùng bước nhảy, Tôi là người chiến thắng...
Trong đó, Người bí ẩn, Thử thách cùng bước nhảy và Hội ngộ danh hài là những chương trình mang lại lượng quảng cáo khủng cho HTV.
TKL - một công ty thành viên khác của Ðất Việt - hiện cũng đang đảm đương giờ phim nước ngoài lúc 12g và 16g45 trên kênh HTV7. Cũng là “con” của Ðất Việt, M&T Pictures hiện đang sản xuất phim cho giờ phim Việt lúc 13g trên HTV7.
Mới đây nhất vào tháng 3-2015, công ty này cùng với Sóng Vàng lo luôn phim cho giờ phim Việt lúc 20g trên HTV7.
Ðất Việt còn “quản lý” kênh HTV2, Giải trí TV, Lotte Ðất Việt (kênh quảng cáo)... Năm 2014 với Ơn giời, cậu đây rồi!, Ðất Việt chính thức “bắt tay” cùng Ðài truyền hình Việt Nam (VTV).
Mối hợp tác mới được ghi nhận là thành công tốt đẹp khi chương trình tạo nên “bão” về lượng người xem và quảng cáo đổ về.
Dẫu vậy, “con cưng” của VTV phải kể đến tổ hợp truyền thông Cát Tiên Sa (CATS) và Công ty TNHH Bình Hạnh Ðan (BHD).
Cả hai đều có khoảng 10 chương trình “đinh” được phát thường xuyên trên giờ vàng kênh VTV3 vào các ngày cuối tuần.
Với CATS là Bước nhảy hoàn vũ, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Cặp đôi hoàn hảo, Nhân tố bí ẩn, Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Ðiệp vụ tuyệt mật...
Với BHD là Thần tượng Việt Nam, Tìm kiếm tài năng Việt Nam, Tìm kiếm tài năng châu Á, Vua đầu bếp, Cuộc đua kỳ thú...
Hai đơn vị này, đặc biệt là BHD, sản xuất không ít phim truyền hình cho VTV (Váy hồng tầng 21, Bếp hát, Ðam mê nghiệt ngã...).
Ngoài ra, khán giả của VTV cũng đã quen tên Công ty Sóng Vàng với Ðấu trường 100, Gương mặt thân quen, Gương mặt thân quen nhí...
Công ty Multimedia JSC với Người mẫu Việt Nam, Nhà thiết kế thời trang Việt Nam... Motion Media với Giai điệu tự hào, S-Vietnam...
Riêng Công ty cổ phần phát triển truyền thông quảng cáo MAC Việt Nam (MCV), Công ty truyền thông MayQ, Công ty truyền thông giải trí Ðiền Quân... cũng là những đối tác năng động của HTV.
Và “ngôi sao đang lên” Ðài phát thanh - truyền hình Vĩnh Long (THVL) thu hút được một lượng nhà sản xuất đáng kể như K-Media, Jet Studio, Ðiền Quân Media...
Tất cả đang tạo nên một thị trường sản xuất chương trình truyền hình nhộn nhịp nhưng cũng không kém phần khốc liệt. Các công ty cùng “tuyệt đỉnh tranh tài” để giữ được giờ vàng và vị trí “sủng ái” của nhà đài.
Cũng có những công ty dù chưa thật sự mang lại nguồn thu lớn nhưng vẫn nhận được sự ưu ái của nhà đài.
Họ liên kết sản xuất hoặc bán chương trình do mình sản xuất cho chính đài truyền hình nơi có con, em, chồng, vợ... đang làm việc khiến dư luận đặt dấu hỏi về những “sân sau” đã được gầy dựng với nhiều lợi thế?
Chương trình đem lại lợi nhuận khá cao cho nhà đài Người bí ẩn - Ảnh: S.V. |
“Con ruột” không bằng “con nuôi”
Đó là câu nói nửa đùa nửa thật của nhiều người làm trong ngành truyền hình bởi sự ưu ái của nhà đài với các chương trình liên kết hay “con cưng” thời gian qua.
Lịch phát sóng hằng ngày cho thấy phần lớn chương trình liên kết lớn của các đài như kênh VTV3, HTV7, THVL1 đều tập trung ở khung giờ vàng buổi tối từ 19 - 22g.
Trong khi đó, các khung giờ không thuận tiện với người xem lại được bố trí cho các chương trình do nhà đài sản xuất.
7g trên HTV7 thường phát ca nhạc theo chủ đề hoặc chương trình thiếu nhi (mà giờ đó hầu hết thiếu nhi đến lớp).
Lắm khi các chương trình giới thiệu những loại hình nghệ thuật hàn lâm, cải lương hoặc cả những chương trình nghệ thuật mang tính tuyên truyền bị đẩy vào khung giờ... nửa đêm gà gáy!
Lịch phát sóng của VTV1 đưa phim tài liệu lên sóng lúc 7g30, chương trình sân khấu phát sóng lúc 14g30...
Sự phát triển của xã hội hóa truyền hình thời gian qua còn khiến một số hãng phim nhà nước chạnh lòng vì bị... ghẻ lạnh.
Hãng phim truyền hình Bình Dương bị xóa sổ. Hãng phim TFS phải đưa phim truyện của mình vào giờ không đẹp trên HTV9 (lúc 17g30 khi mọi người đang hối hả trên đường từ cơ quan về nhà, còn người nội trợ bận bếp núc), dành giờ đẹp phát sóng phim xã hội hóa.
Các phim tài liệu về lịch sử, đất nước con người Việt Nam có tính giáo dục và nhân văn cũng thường phát sóng lúc 12g30, 14g hoặc khuya lơ khuya lắc khi phần lớn mọi người đang say giấc nồng.
Và có nguồn tin cho biết trong năm 2015, TFS chỉ còn sản xuất 1 - 2 phim truyện mới bởi phim cũ chưa được lên sóng còn tồn đọng khá nhiều. Nhớ lại những ngày xưa, nhiều người trong cuộc thở dài: “Thời lừng lẫy của TFS nay còn đâu!”.
Chương trình đem lại lợi nhuận khá cao cho nhà đài Vietnam Idol - Ảnh: S.V. |
Thở dài tủi phận nhưng ai cũng biết về nguyên tắc kinh doanh, các đài đương nhiên chọn đối tác mạnh.
Cứ lấy truyền hình Vĩnh Long làm ví dụ. Theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường TNS tại thị trường khán giả xem truyền hình ở TP.HCM trong năm 2013, kênh THVL1 đã vượt mặt HTV7 để dẫn đầu số lượng người xem.
Chưa có số liệu thống kê mới nhất, nhưng năm 2014 và đặc biệt 2015 này với sự phát triển mạnh mẽ của các chương trình truyền hình liên kết, nhiều người trong nghề nhận định THVL1 hứa hẹn còn tiến xa hơn trước.
“Cưng” vì kiếm nhiều quảng cáo Người bí ẩn phát sóng tối 10-5 đã giúp HTV7 thu về một lượng quảng cáo khủng khiếp. Trước khi Người bí ẩn phát sóng, có khoảng 21 quảng cáo đưa vào. Trong lúc chương trình diễn ra có ba lần xen quảng cáo. Mỗi lần như vậy thu về khoảng 30 quảng cáo. Như vậy, tổng cộng có đến 100 quảng cáo đổ vào chương trình này. Người bí ẩn cũng đã tăng giá quảng cáo đến hai lần. Lần mới nhất, áp dụng từ ngày 10-5, giá quảng cáo trong chương trình là 36 triệu đồng/quảng cáo 5 giây, 72 triệu đồng/quảng 15 giây và 120 triệu đồng/quảng cáo 30 giây. Như vậy chỉ riêng trong chương trình Người bí ẩn tối 10-5, tính sơ sơ HTV thu về không dưới 5 tỉ đồng (chưa trừ các chi phí phát sinh). Gương mặt thân quen mùa 3 dù không còn “nóng hổi” như trước nhưng vẫn thu được lượng quảng cáo đáng kể. Chương trình phát sóng tối 9-5 quảng cáo chiếm khoảng 12 phút. Hiện giá quảng cáo cho khung giờ phát sóng Gương mặt thân quen cao ngất ngưởng: 125 triệu đồng/quảng cáo 10 giây, 150 triệu đồng/quảng cáo 15 giây, 187,5 triệu đồng/quảng cáo 20 giây và 250 triệu đồng/quảng cáo 30 giây. Và tối 9-5, Gương mặt thân quen đã đem về cho VTV khoảng 6 tỉ đồng (chưa trừ chi phí phát sinh). Ðem nhiều tiền về cho nhà đài như thế, hỏi sao nhà đài không “cưng”! Vậy nhưng khi đặt vấn đề về “con cưng”, bà Bích Liên - giám đốc Công ty Sóng Vàng - bật cười: “Chúng tôi là con cưng ư? Không đúng đâu. Chẳng qua những chương trình mà chúng tôi thực hiện được sự chú ý của khán giả, có quảng cáo thu về cho nhà đài nên tạo được sự tín nhiệm. Thử chúng tôi không làm ra trò trống gì xem, bị cắt sóng ngay đó chứ!”. Trong khi đó ông Lê Quang Nguyên, giám đốc THVL, cho biết: “Chúng tôi không có khái niệm con cưng. Nhà đầu tư nào trình ra được dự án tốt là chúng tôi hợp tác. Việc hợp tác với các nhà sản xuất chương trình truyền hình trong khung giờ vàng (21g) trên THVL chỉ mới bắt đầu nở rộ từ đầu năm 2015. Còn khá sớm để đánh giá nó có thành công hay không, nhưng trước mắt các chương trình này thu hút nhiều khán giả hơn so với thời phát sóng phim truyện nước ngoài". |
Chương trình liên kết ngày càng nhiều Theo báo cáo của Bộ Thông tin - truyền thông, từ năm 2009 đến nay VTV đã được cấp 168 giấy phép liên kết. Trong đó từ năm 2013 đến tháng 3-2015, bộ đã cấp 118 giấy chứng nhận đăng ký chương trình liên kết cho VTV và các đối tác liên kết theo quy định của thông tư số 19. Trong đó, năm 2013 cấp 36 giấy chứng nhận đăng ký chương trình liên kết (có 27 chương trình mới so với năm 2012), năm 2014 cấp 76 giấy chứng nhận đăng ký liên kết (trong đó có 36 chương trình cấp mới so với năm 2013) và từ đầu năm 2015 đến nay đã cấp cho VTV sáu giấy chứng nhận đăng ký liên kết. Các chương trình liên kết này được VTV phát sóng trên sáu kênh chương trình quảng bá. Cụ thể, kênh VTV1: 14 chương trình, kênh VTV2: 11 chương trình, kênh VTV4: 3 chương trình, kênh VTV6: 12 chương trình, kênh VTV9: 2 chương trình và kênh có số lượng chương trình liên kết nhiều nhất là VTV3 với 49 chương trình (chủ yếu là các chương trình truyền hình thực tế, game show giải trí). Tính đến thời điểm này, số lượng đối tác liên kết tham gia phối hợp với đài để sản xuất chương trình là 36 đơn vị. Liên quan đến tỉ lệ các chương trình liên kết, Tuổi Trẻ đã liên lạc với HTV nhưng một lãnh đạo của đài cho biết HTV hiện vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức các chương trình liên kết nên không thể nói được điều gì. (MINH QUANG - H.LÊ) |
Kỳ trước:
_____________
Kỳ tới: Để không ai bị thiệt...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận