08/04/2019 10:30 GMT+7

Những con cá mập đớp tiền thuê nhà

HỒNG PHAN (từ Đức)
HỒNG PHAN (từ Đức)

TTO - Đối với người Đức, thuê nhà để sống đến tận cuối đời cũng chẳng phải chuyện lạ. Vì thế, khi giá thuê nhà bị đẩy lên quá cao là chuyện lớn.

Những con cá mập đớp tiền thuê nhà - Ảnh 1.

Hàng ngàn người đã xuống đường ở thủ đô Berlin chiều 6-4 để chống lại tình trạng giá thuê nhà quá cao - Ảnh: REUTERS

Người Đức ít khi tụ tập biểu tình. Vì thế, chuyện nhiều ngàn người dân xuống đường biểu tình ở thủ đô Berlin chiều 6-4 là chuyện đáng chú ý. Nhiều cuộc biểu tình cũng đã được tổ chức ở các thành phố Munich, Koln, Frankfurt, Göttingen, Freiburg...

Ước tính hàng chục ngàn người đã xuống đường để chống lại điều mà họ gọi là "cơn điên loạn giá nhà thuê" và nạn đầu cơ bất động sản.

Ở thủ đô của nước Đức, người biểu tình tụ họp tại quảng trường Alexanderplatz cùng những tấm biển nêu rõ sự giận dữ với tình hình hiện tại như "Không được phá hủy những tòa nhà còn ở được", "Ngạc nhiên chưa! Thị trường không tự điều chỉnh được".

Đâu đó người ta còn thấy người biểu tình mặc lên người hình nộm thể hiện "những con cá mập bất động sản" - đối tượng mà họ cho là đang thao túng thị trường và đẩy họ vào hoàn cảnh khó khăn vì đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua.

Ở Đức, chỉ chưa đến phân nửa dân số sở hữu nhà riêng. Phần nhiều thuê nhà để sống vì nhiều lý do, trong đó có chính sách của nhà nước ưu ái nên người ta chọn cách sống thuê và cũng có thống kê nói hơn 90% người sống nhà thuê khẳng định hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Nhưng khi giá thuê bị đẩy lên cùng với giá nhà tăng vọt như tên lửa thì đó lại là chuyện khác.

Chuyện này có căn nguyên của nó: giá nhà tại Berlin thấp hơn nhiều so với ở các thủ đô châu Âu khác và gần đây nhiều doanh nghiệp tìm đến mở văn phòng, trụ sở ở Berlin với mức dân số Berlin tăng vài chục ngàn người mỗi năm.

Nhu cầu tăng vọt đó khiến các công ty bất động sản chuyên nghiệp nhảy vào. Rồi thì các chủ sở hữu nhà, căn hộ cũng thích cho nhóm dân cư mới nhiều tiền thuê hơn là cho những khách hàng truyền thống.

Báo chí dẫn lời ông Hans von Maydell, 75 tuổi. Ông thuê căn hộ trên đường Hasenheide ở thủ đô Berlin đã 45 năm qua và giờ đây tòa nhà của ông đổi chủ.

Ông đang có mối lo bị rơi vào kịch bản xấu như hàng chục ngàn người dân Berlin khác: bị thanh lý hợp đồng thuê nhà, tòa nhà được sửa chữa và họ sẽ phải thuê kể cả căn hộ mình từng ở bao năm qua với giá cao ngất ngưởng hơn. Mà giờ giá thuê trung bình đã 700 euro cho căn hộ hai phòng ngủ rồi chứ ít ỏi gì.

Chẳng hạn trong năm 2018, Tập đoàn Vonovia, sở hữu gần 350.000 căn hộ, đã cho tăng giá thuê nhà ở mức trung bình 4,2 % so với năm trước. Chỉ cần làm phép tính đơn giản cũng thấy họ có thể bỏ túi bao nhiêu tiền.

Ông Ulrich Ropertz - người phát ngôn của Hiệp hội Những người thuê nhà Đức - dẫn chứng: "Từ 5 năm qua, chúng ta thấy việc xây các căn hộ mới cũng có tăng nhưng lại không khỏa lấp được mức cầu vì có quá ít nhà xã hội, nhà có giá phù hợp với số đông".

Ông cho rằng các công ty bất động sản như Vonovia và Deutsche Wohnen có quyền lực "gây ảnh hưởng chính trị ở tầm mức quốc gia", nên đủ sức ngăn chặn việc thông qua các giải pháp có khả năng chặn đà tăng giá thực sự.

Những người tổ chức biểu tình cũng tiến hành thu thập chữ ký để kêu gọi chính quyền thực hiện cuộc trưng cầu ý dân về việc chính quyền thành phố Berlin nên sung công các công ty bất động sản đang nắm giữ hơn 3.000 căn hộ. Dĩ nhiên chuyện này là rất khó.

Chính ông Rouzbeh Taheri, người khởi xướng ý định "tịch thu tài sản" này, giải thích thêm: "Thực ra đó chỉ là cách bắn tín hiệu đến những tay đầu cơ: tài sản của quý vị không còn an toàn ở Berlin nữa".

Trong khi đó, nhà kinh tế học Harald Simons cho biết các chủ thuê nhà tiêu biểu ở Đức thật ra chính là các chủ đầu tư nhỏ có từ 2 đến 20 căn hộ. Chính số này đang nắm giữ đến 70% các căn hộ cho thuê.

Theo ông, vấn đề lớn hơn nữa hiện nay chính là giá nhà đang tăng nhanh, nên giải pháp dùng ngân sách mua lại nhà cho dân thuê rẻ hơn hiện nay không phù hợp. Nếu làm khoảng 8 năm trước thì may ra...

Tình hình quả thật nan giải, vì đến cả chuyện bỏ tiền ngân sách ra mua lại một số căn hộ cũng khó khi túi tiền của nhà nước ngày càng eo hẹp, mà ước tính sơ bộ để làm được việc đó phải tiêu tốn đến hơn 35 tỉ euro.

HỒNG PHAN (từ Đức)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp