Trong khi mơ cá hô, ngư dân lưới được những con cá nhỏ từ dòng Cổ Chiên - Ảnh: Q.V. |
Chiếc xuồng ba lá nhỏ tròng trành dữ dội theo từng cơn sóng quăng quật trên dòng sông Cổ Chiên. Vừa gỡ mấy con cá bông lau dính lưới, một ngư dân đứng tuổi vừa cười khà khà: “Người ta nói trời động cá trốn dưới sâu, nhưng kinh nghiệm tụi tui thì ông trời có nổi cơn dông gió mới dễ làm cá”.
Con cá tra dầu 250kg
Theo chân những “tay tổ” nghề cá miền Tây, chúng tôi được nhắc không nên lướt qua sông Cổ Chiên. Một con sông chỉ hơn 80km là phân lưu của sông Mekong, nhưng từ hàng trăm năm qua đã là nơi đánh bắt cá truyền đời của ngư dân miệt đồng bằng Cửu Long.
Từ bờ TP Vĩnh Long, chúng tôi tìm đò để ra bãi ghe chài đang hoạt động. Không hiểu nhìn tướng tá thế nào, người lái đò tên Nhi cười hỏi: “Ông là dân nhà hàng xuống đặt cá đám ghe lưới phải không? Tui chở mấy người như ông rồi, được con cá bông lau, cá lăng nào trộng trộng bự họ gom hết. Mới gần đây có người còn mua được cả con cá hô bự chà bá tới hơn trăm ký”.
Chiếc đò cọc cạch chồm chồm trên con sóng trời động tiến ra bãi chài đang có cả chục chiếc ghe cá đang dập dềnh hoạt động. Anh Nguyễn Văn Nhàn, một ngư dân đen nhẻm và trông già hơn tuổi 50, hào sảng dịch chỗ cho tôi sang ghe của mình.
Câu chuyện dòng sông được mở đầu ngay bằng ký ức về con cá tra dầu nặng 250kg trên chính đoạn sông chảy qua tỉnh Vĩnh Long: “Bận trước, tầm đâu năm 1990 hay 1991 gì đó, ông Chín Chổi, một người mần cá nghèo quắt ở P.5, TP Vĩnh Long, đang chuẩn bị thu mẻ lưới cuối ngày thì tự nhiên thấy lưới nặng quá kéo không nổi.
Ông đứng lên, người nghiêng ngả tới lui vẫn không rịt được. Đám bạn ở bên cạnh không biết chuyện gì, chỉ cười ghẹo cha nội mới lé đé có mấy xị đế mà đã lỏng tay lưới.
Đến khi thấy ổng la ông ổng, bạn bè nhảy qua kéo phụ mới té ngửa vì thấy con cá bự chà bá. Chỉ cái đầu nhớp nháp của nó trồi hụp trên mặt nước đã bự hơn cái thúng đong lúa”.
Anh Năm Nhàn kể đến khi biết con cá tra dầu quá lớn vô lưới, ông Chín Chổi mừng quá đứng như chết trân. Mãi sau mới nổ được máy, dong con cá vẫn nằm trong lưới vô bờ. Ông không dám bắt con cá lên vì sức ông không thể bắt nổi nó, mà chiếc xuồng ba lá nhỏ xíu bận đó cũng đâu có chở được.
Khi thương lái đến cân, con cá nặng hơn 250kg, phải chặt cây lớn làm đòn gánh và mỗi đầu cần đến ba thanh niên mới khiêng nổi con cá cỡ này. Mấy đời làm nghề cá cha truyền con nối như ông Chín Chổi chưa bao giờ thấy được con cá lớn cỡ này.
Người ta đoán nó chắc phải từ Biển Hồ, Campuchia xuôi theo sông Hậu, sông Tiền mới dính vào lưới ở đoạn sông Cổ Chiên, Vĩnh Long này.
“Tầm hơn chục năm trước, tụi tui cũng dính lưới được mấy con cá tra dầu nặng trên chục ký hoặc bự lắm là vài chục ký. Nhưng cỡ 250kg thì nhiều người cả đời trôi nổi trên sông cũng chưa bao giờ thấy được”.
Anh Năm Nhàn rề rà kể thêm đến đời mần cá trẻ như lứa con cái mình hiện nay ở miệt này thì chuyện kéo được những con cá cỡ hơn chục ký đã quá hiếm hoi. Nhưng lứa tuổi 50 tuổi của anh hoặc già hơn như tía anh thì chuyện đó không có gì quá xa xôi.
Sông Cổ Chiên bắt đầu từ TP Vĩnh Long chảy qua các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và đổ ra hai cửa biển Cung Hầu, Cổ Chiên. Ngư dân ở đoạn gần biển thì làm cá nước lợ, nước mặn. Còn khúc trên Vĩnh Long thì chủ yếu là các loài nước ngọt từ thượng nguồn sông Mekong xuống.
“Bận tui trạc 20 tuổi, tức độ những năm 1980, nhiều hôm bạn bè mần cá chộn rộn hẳn khi kéo được cá hô, cá tra dầu bự. Mà mấy loại cá đó bận trước cũng còn binh thiên. Có hôm xóm ghe kéo được hơn cả chục con.
Cỡ 250kg như ông Chín Chổi bắt được thì hiếm, chứ tầm 10kg hay 20-30kg vẫn bắt được hoài. Chỉ có điều lúc ấy cá không được giá như bây giờ” - anh Năm Nhàn nhớ lại.
Ngoài hai con cá quý này, sông Cổ Chiên còn nhiều loại cá nước ngọt rất được khoái khẩu khác như bông lau và lăng. Ông Sáu Đời, bạn chài của anh Năm Nhàn, kể đời mần cá hơn 60 tuổi của mình từng nhiều bận kéo được cả ghe cá bông lau.
Con nhỏ 2-3kg, còn lớn cũng tầm hơn chục ký, béo trộng nhưng thịt vẫn dai vẫn thơm, nấu canh chua ăn quên no.
“Người ta nói nhờ chúng hưởng rong rêu và phù sa từ các mảnh đất màu mỡ Vĩnh Long, Bến Tre đổ xuống. Tuy nhiên, theo thời gian cùng sự đánh bắt quá mức của con người đã làm cả những loài cá từng một thời phổ biến trên sông Cổ Chiên này phải dần cạn kiệt.
“Bây giờ mà ngày nào tụi tui thu lưới được vài con cá bông lau hay cá lăng cỡ một vài ký thì xem như đã gặp hên rồi” - ông Sáu Đời thở dài...
Cá hô lưới được trên sông Cổ Chiên tháng 12-2014 - Ảnh: Đại Việt |
Giấc mơ cá hô
Những ngày theo ghe chài lênh đênh trên dòng Cổ Chiên, tôi được nghe nhiều tâm sự của ngư dân về giấc mơ của mình. Những giấc mơ giống nhau về một loài cá hô nước ngọt có thể giúp đời chài thoát nghèo ngay sau một mẻ lưới.
Ngư dân Nguyễn Văn Hội, tức Ba Hội, 51 tuổi, quê ở Trà Vinh, cứ tiếc cho tôi không đến đúng ngày anh ta gặp may kéo được con cá hô nặng 102kg hồi tháng 10-2014.
“Thời của ông già tui hay bận tui 20 - 30 tuổi vẫn lác đác bắt được con cá này. Chính tay tui đã kéo được hơn chục con. Nhưng bây giờ thì khác hẳn rồi vì cá quá hiếm hoi” - anh Ba Hội kể phải mất ròng rã hơn chục năm mình mới lại “hội ngộ” được với nó.
Hôm đó là một ngày cuối tháng 10, anh Ba Hội đang thả lưới ở đoạn sông Cổ Chiên chảy qua Vĩnh Long thì gặp mưa gió dữ dội. Đang chuẩn bị quay mũi vô bờ, anh thấy lưới của mình tự dưng trì nặng. Kinh nghiệm từng bắt được cá lớn cho anh biết đã trúng “ông” gì đó.
Đến khi thu lưới về sát ghe, mắt anh như hoa lên khi thấy màu vảy óng ánh của con cá hô đang quẫy đùng đùng dưới nước đục ngầu phù sa. May mắn vượt cả mơ ước nhưng cũng còn phần rủi ro vuột mất. Anh lầm rầm khấn ông bà cho mình giữ được con cá quý này. Đến khi nhờ bạn bè phụ đưa được cá lên bờ, anh mới tin mình đã “trúng mánh”.
Con cá nặng 102kg, thương lái từ TP.HCM xuống trả tại chỗ 100 triệu đồng. Số tiền quá lớn đối với phận chài nghèo khó mà thường ngày chỉ có thể kiếm nổi vài trăm ngàn đồng từ những con cá nhỏ trên sông này. Nó giúp anh trả hết những món nợ mắc phải trên bờ.
Hơn chục năm qua, ở sông Cổ Chiên hiếm hoi lắm mới nghe có người trúng cá hô. Nhưng cái hên lại tự dưng nối đuôi nhau trong năm 2014.
Cũng ở đoạn anh Ba Hội vừa bắt được, ngư dân Nguyễn Thanh Lộc lại kéo trúng con cá hô dài 1,8m, nặng 130kg vào ngày 6-12-2014.
Phải cần đến mấy người kéo mới đưa con cá nước ngọt mắc tiền nhất miền Tây này lên được bờ. Thương lái Sài Gòn xuống mua với giá gần 200 triệu đồng. Số tiền mà người ngư dân nghèo có nằm mơ cũng không dám nghĩ mình có được chỉ sau một mẻ lưới...
_________________
Kỳ tới: Tuyệt tích “ông” cá nược
Đến những năm 1980 của thế kỷ thì người ta không thấy loài cá nược “vui tánh” trên các dòng sông ở miền Tây nữa.
Vì đâu cá nược, kéo theo nhiều loại cá huyền thoại khác lần lượt rời bỏ những dòng sông ra đi?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận