29/08/2022 11:49 GMT+7

Những cô gái sợ độ cao, chưa đi máy bay vẫn mê nhảy dù

DIỆU QUÍ
DIỆU QUÍ

TTO - Nhảy dù tròn là môn thể thao mạo hiểm tưởng chỉ dành cho phái mạnh, nhưng nhiều cô gái cũng bị "mê hoặc" bay. Dù tròn nhảy từ máy bay và được huấn luyện bởi quân đội, cho người chơi cảm giác mạnh và thử thách những ai sợ độ cao.

Những cô gái sợ độ cao, chưa đi máy bay vẫn mê nhảy dù - Ảnh 1.

Ngày càng nhiều chị em yêu thích nhảy dù tròn - môn thể thao mạo hiểm - Ảnh: NVCC

Vốn là người mắc hội chứng sợ độ cao, chị Bùi Thanh Dung (ngụ Hà Nội) vẫn không thể chống lại sức hút của bộ môn nhảy dù tròn.

Chưa kịp sợ đã nhảy

Chị Thanh Dung là học viên khóa K16 của Câu lạc bộ Hàng không phía Bắc. "Tôi thích thể thao mạo hiểm và muốn vượt qua nỗi sợ của bản thân nên quyết định theo học nhảy dù tròn, trước đó tôi cũng từng tham gia dù lượn rồi" - chị Dung nói và cho biết trong lớp chị có không ít chị em phụ nữ với đủ mọi lứa tuổi và ngành nghề cùng theo đuổi bộ môn này.

Mùa nhảy dù tròn thường bắt đầu từ tháng 4, vận động viên trước khi học phải kiểm tra sức khỏe xem đủ điều kiện theo học không. Họ sẽ học mỗi tuần một buổi vào chủ nhật và học trong 12 buổi.

Thường mỗi khóa học sẽ có hai buổi bay (tự bay mà không có phi công đi kèm - PV), mỗi buổi có thể nhảy từ một đến hai lần. Học viên được chia làm nhiều đội bay. Từng nhóm nghe gọi tên sẽ di chuyển ra đường băng để lên máy bay, mỗi lần bay từ 5-7 người theo số thứ tự đã định sẵn.

"Mọi thứ khẩn trương lắm, chỉ có 1-2 giây để người sau nối tiếp người trước. Chưa kịp sợ đã nhảy rồi, mà lên đấy có sợ cũng phải nhảy", chị Dung cười nói.

Theo chị Dung, khi nhảy xuống đếm đến giây thứ ba thì phải bật dù, trường hợp quên bật thì dù phụ phía trên cũng tự động bung ra nên khá an toàn. "Tôi nhảy đúng kỹ thuật nên giật ra là cái dù căng đét, bay nhẹ nhàng thích lắm. Vừa bay vừa nghe hiệu lệnh bên dưới để được hướng dẫn như tiếp đất phải khép chân cho an toàn", chị cho hay.

Khi rời khỏi cửa máy bay, học viên sẽ rơi dưới dù ổn định, tốc độ rơi 35m/s.

"Tôi thích nhất là lúc phi ra ngoài khoảng không, người mình lộn ngược, nghiêng sang hai bên, ngước lên nhìn máy bay thấy bạn đằng sau nhảy xuống. Sau 3 giây giật dù thì lơ lửng nhìn ngắm xung quanh, thấy mình tung tăng trên trời, sảng khoái và hạnh phúc vô cùng", chị Dung chia sẻ.

Những cô gái sợ độ cao, chưa đi máy bay vẫn mê nhảy dù - Ảnh 2.

Tham gia nhảy dù tròn giúp chị Thanh Dung giảm stress và thoát chứng sợ độ cao - Ảnh: NVCC

Chưa đi máy bay vẫn mê… nhảy dù

Cùng lớp với chị Dung và cùng niềm đam mê nhảy dù, cô nàng Thái Thùy Linh (sinh năm 2002, ngụ quận Cầu Giấy, Hà Nội) tự nhận mình khá liều lĩnh khi theo đuổi bộ môn nhảy dù tròn bởi trước đó Linh chưa tham gia môn thể thao mạo hiểm nào, kể cả chưa từng… đi máy bay. "Tôi biết đến lớp học này và thấy thích nên phải học cho bằng được", Linh nói.

Trò chuyện với chúng tôi, Linh luôn tỏ ra háo hức và vui sướng sau khi vừa hoàn thành khóa học nhảy dù tròn. Linh mô tả cảm giác vừa nhảy khỏi máy bay cứ như trong giấc mơ rơi từ trên cao xuống. "Lơ lửng giữa trời chưa kịp tận hưởng thì phải nhìn xuống đất xem mình sắp rơi chỗ nào", cô nói.

"Tôi nhớ có một chị đứng trước cửa máy bay nhìn xuống khiếp quá không dám nhảy, thầy phải đẩy xuống. Khi lên máy bay đừng nghĩ gì cả, một phát nhảy xuống luôn, chần chừ càng sợ", Linh chia sẻ.

Trong khóa học ba tháng, Linh có hai lần được bay một mình, song cả hai lần cô gái trẻ này đều gặp sự cố lúc tiếp đất. "Lần đầu là lúc tiếp đất chân tôi bị gập mạnh, may là giày buộc chặt, với tôi hay đạp xe, chơi thể thao nên chân không gãy, chỉ bị bong gân vài hôm", Linh nói về sự cố đầu tiên.

Và lần hạ cánh thứ hai của Linh là ở… hồ nước. "Lần đấy tôi gồng lên kéo dù bay nhưng không đủ nhanh để lái về bãi đáp. Nhìn xuống thấy hồ với rừng, cố kéo vô mặt đất mà bất lực lắm, nó cứ như không di chuyển nhưng thật sự đang rơi rất nhanh.

Khi ấy tôi nghĩ giờ mình điều khiển thì kiểu gì cũng rơi vào rừng hoặc xuống mép hồ. Lúc sắp tiếp đất đã thấy ca nô chạy vòng vòng quanh hồ chờ sẵn, các thầy đứng dưới quan sát nên tôi chấp nhận rơi xuống hồ. Tôi không biết bơi, vừa rơi vừa la lên cứu em, rồi thêm mọi người hét làm mình cũng hoảng, lúc đó tôi nghe đội cứu hộ bảo là nín thở đi.

Khi chuẩn bị xuống tiếp nước, hội viên áp dụng vào tình huống xử lý: mở 1 bên khoá dù dự bị, 1 bên khoá đùi và làm chuẩn bị tiếp nước, khi đó phải nín thở. 

Tiếp nước xong thì học viên cố gắng giữ mình nổi mặt nước và chờ đội cứu hộ đến cứu. Linh rơi xuống hồ chỉ chưa đầy 1 phút đã có đội cứu hộ đến cứu.

"Hai lần tự bay một mình đều gặp sự cố, chắc tôi là học viên lắm biến cố nhất khóa học", Linh cười.

Những cô gái sợ độ cao, chưa đi máy bay vẫn mê nhảy dù - Ảnh 3.

Đâu chỉ có đàn ông mới dám nhảy dù

Bồng bềnh trên không, cơ thể nhẹ nhõm

Với Thùy Linh, nhảy dù tròn giúp cô giảm stress, sức khỏe tốt lên nhiều, được rèn luyện tính kỷ luật trong môi trường quân đội, quen biết nhiều bạn bè thú vị.

Tương tự, chị Thanh Dung cũng cảm nhận rõ lợi ích về tinh thần lẫn sức khỏe khi tham gia môn thể thao mạo hiểm này. "Cảm giác bồng bềnh trên không làm tôi thấy cơ thể nhẹ nhõm lắm, có thể vượt qua căng thẳng, tâm lý cân bằng và luôn tràn đầy năng lượng vui vẻ. Quan trọng nhất là giúp tôi bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân và nỗi sợ độ cao", chị Dung tâm sự.

Là người huấn luyện nhảy dù tròn khóa K16 của lớp chị Dung và Thùy Linh, thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Ngọc Tân cho biết mỗi năm câu lạc bộ tuyển sinh một khóa học thực hành nhảy dù, từ tháng 3 đến tháng 7, học viên sẽ học tại Gia Lâm, đến khi thực hành nhảy dù thì tại sân bay Hoà Lạc.

Theo thượng úy Tân, nhiều bạn đăng ký vào với sự tò mò, muốn học hỏi, cũng có người sợ độ cao muốn học nhảy dù để vượt qua nỗi sợ hãi đó. Mấy năm gần đây, các chị em đăng ký rất nhiều, nhất là giới trẻ.

"Khi dạy có thể thấy được sự đam mê từ các bạn. Nam hay nữ thì cách dạy đều như nhau, mà các bạn nữ thì thường sức bật từ máy bay ra ngắn hơn nên mình phải động viên bật xa và mạnh lên. Các thầy cũng luôn cổ vũ tinh thần cho các bạn", thượng úy Tân nói.

Khi tốt nghiệp xong, học viên còn đam mê bộ môn này thì chờ đến tháng 4 - 5 - 6 của năm sau có thể đăng ký tham gia nhảy dù tại các sân bay Chu Lai (Quảng Nam), Tuy Hòa (Phú Yên), Biên Hòa (Đồng Nai) và phải theo kế hoạch nhảy dù của Quân chủng Phòng không - không quân.

Loại dù huấn luyện đổ bộ đường không

Mỗi khóa học có khoảng 50 - 55 người. Các học viên mới sẽ học và làm quen với dù D6 - một loại dù dùng để huấn luyện đổ bộ đường không tại Việt Nam. Để được bay, họ sẽ trải qua buổi kiểm tra một số kỹ năng như nhảy ra khỏi máy bay, xử lý các tình huống bất trắc ở trên không, kỹ năng tiếp đất…

Trước khi bay, học viên phải đo huyết áp, kiểm tra dù và khởi động, nếu nhịp tim cao sẽ phải ngồi thiền chốc lát. Khi thực hành nhảy dù, giáo viên sẽ thả dù gió (bao cát) để đo và xác định hướng gió, qua đó tính hướng và thời gian thả dù.

'Lâm tặc' dưới đáy đại dương

TTO - Phải mất rất nhiều năm đại dương mới kiến tạo được rạn san hô để trở thành "linh hồn" của biển và làm nhà cho tôm cá trú ngụ, sinh sản. Vậy mà có sự tàn sát san hô, bày bán giống như "chợ" dọc quốc lộ 1, đầy trên các trang thương mại điện tử.

DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp