Dunn tự làm ra sản phẩm thân thiện môi trường để bán lấy tiền trang trải cuộc sống - Ảnh: B.D.
Một buổi sáng, Christopher Dunn tất tưởi chạy xe máy từ nông trại trở về căn phòng nhỏ mà ông thuê ở xã Cẩm Kim, thành phố Hội An. Trong chiếc túi mà Dunn đeo bên hông, ông lôi ra một mớ lỉnh kỉnh những món đồ vừa thu nhặt: những mẩu mo cau, gân tàu lá chuối, vỏ cây khô.
Tìm được "người tình" Hội An
"Tôi có thể tạo ra được đồ dùng và bán được thành tiền từ chúng" - Dunn nói. Nhìn người đàn ông quốc tịch Úc này, không ai nghĩ ông đang là một... nông dân thứ thiệt ở Hội An.
Trong một lần qua Việt Nam tìm cân bằng cuộc sống, Dunn đã bị Hội An lôi kéo, để rồi sau đó quyết định sống tới cuối đời ở phố cổ này.
"Tôi là một người Úc, sống quá nửa đời người và chứng kiến thế giới đang xấu đi do chính chúng ta, nên tôi muốn đóng góp vào sự thay đổi. Tôi đến với nông dân, dạy họ làm vườn, dựng trại, trồng rau, nuôi cá theo cách cả hai bên cùng thắng.
Tôi có nguồn hàng sạch để bán ra thị trường và người nông dân Việt cũng được nhận khoản tiền công cao hơn" - ông Dunn nói về công việc của mình khi đang trong những ngày sống vui vẻ ở Hội An.
Christopher Dunn cho biết mình sinh ra ở Úc. Ông từng là nhân viên chăm sóc sức khỏe tại một trung tâm phúc lợi xã hội, nhưng một biến cố gia đình khiến ông gặp vấn đề về tâm lý.
Cuối năm 2014, Dunn có dấu hiệu mất thăng bằng và quyết định rời ngôi nhà nhiều năm ông gắn bó để trở thành một gã lang thang khắp thế giới, tìm tự do cho mình.
Năm 2015, Dunn tới TP.HCM. Ông nói rằng để có tiền sống được tại Việt Nam, ông dù đã 55 tuổi lúc đó nhưng mỗi ngày phải đi vào các trung tâm tiếng Anh để dạy ngoại ngữ cho người học. Nhưng là người Úc, ông nhận ra cách phát âm tiếng Anh của mình làm người học gặp rất nhiều khó khăn.
"Lúc đó, tôi dường như rất chán nản. Bạn biết đấy, tôi đã lớn tuổi. Trong lòng tôi chỉ muốn mọi thứ yên bình để suy nghĩ tất cả mọi thứ. Tôi muốn đến một nơi nào đó không có quá nhiều ồn ào, không quá phức tạp để sống một mình" - Christopher Dunn nói về lý do ông lang thang để rồi gặp Hội An.
Ông kể rằng giữa năm 2015, tình cờ kết bạn được với một người Mỹ qua Việt Nam làm nông nghiệp, Dunn đã được biết tới Hội An và đây là chuyến đi thay đổi cuộc đời của ông.
Dunn mê mẩn những cánh đồng nằm ngoài rìa phố cổ, ông như đắm đuối và không thoát mình ra được khỏi những con phố chật hẹp, chộn rộn.
Người đàn ông Úc này kể rằng khi bạn dẫn vào phố cổ, ông được mấy người dân mời thưởng thức một món ăn đường phố và khoảnh khắc đó ông đã suýt reo lên.
"Đồ ăn rất ngon, nụ cười của người dân ở đó rất khác với các nơi khác mà tôi đã đi qua. Đó là nơi mà tôi cần tìm" - Dunn kể lại thời điểm đầu tiên đặt chân tới phố cổ Hội An.
Dunn trước những sản phẩm cà phê sạch tại các nông trại hữu cơ - Ảnh: B.D.
"Chúng ta sẽ sửa chữa sai lầm, được không?"
Dunn mở chiếc tủ gỗ lôi ra một mớ túi xách bằng sợi mà ông tự tay ngồi khâu vá. Trên túi xách đó có hình chùa Cầu, những biểu tượng của Hội An mà ông đã in thành nếp trong đầu.
Người đàn ông 59 tuổi này rơm rớm khi kể về quê nhà xa xôi của mình: "Từ ngày ra đi đến nay tôi mới chỉ về quê 2 lần. Dù tôi không có người thân ruột thịt, không có nhà cửa tại Hội An, nhưng lúc nào tôi cũng thấy cuộc sống của mình là ở đây, bước ra khỏi Hội An là tôi lại thấy nhớ".
Dunn kể rằng những ngày mới tới Hội An, ông đã rất khó khăn khi gặp phải "tảng đá lớn" là tiếng Việt.
Vào phố cổ, tìm gặp những người bán hàng rong, ông mê mẩn khi tới các cửa hàng vải và sau đó bắt gặp thêm các cửa hiệu bày bán đồ thủ công thân thiện với môi trường...
Dunn cho biết ông từng là nhân viên chăm sóc sức khỏe. Nhưng càng nhiều tuổi, chứng kiến những gì con người đang hành xử với thiên nhiên, đặc biệt là ở quê hương ông, tất cả đã khiến ông phải suy nghĩ nhiều.
Ông lân la tìm đọc kiến thức về nông nghiệp, và thật tuyệt vời khi ngay ở Hội An phong trào "không rác thải nhựa" và các nông trại hữu cơ đang nở rộ. "Tôi tập học tiếng Việt, tập lái xe máy, rồi hằng ngày tự mình tới các nông trại".
Nhiều năm nay, người đàn ông quốc tịch Úc này dường như xuất hiện ở tất cả các phiên chợ hữu cơ, các buổi trò chuyện về môi trường. Tranh thủ mọi buổi họp mặt, Dunn bày biện ra tất cả những gì mình có rồi tìm cách "tiếp thị", chào hàng.
Nhìn những món đồ xinh xắn, tiện dụng như khay đựng hoa quả, cốc trà, bàn chải đánh răng... được đan kết từ mo cau, bã mía, không ai nghĩ rằng đó là sản phẩm của ông cùng những người bạn nông dân Việt Nam.
Dunn kể lại rằng năm 2017, khi xuống làm vườn cùng một nông dân, ông nhận thấy trong đám cây cỏ được người dân chăm sóc có những tấm mo cau già rơi xuống từ thân cây và bị bỏ lại. Ông nhặt lên, cắt lá rồi đem về tự mình mày mò.
Thật kỳ lạ, thứ xác cây dường như bị bỏ lại, biến thành chất mùn ấy khi ép chặt lại biến thành một tấm đồ vừa dẻo vừa đẹp.
Dunn thức trắng đêm để cắt tỉa, và ông đã vô cùng sung sướng khi món đồ mà ông tạo ra là một khay đựng thức ăn bằng mo cau.
Câu chuyện tình cờ đó đã giúp ông chuyển hướng và lý giải được hai câu hỏi mà ông băn khoăn: làm sao có thể vừa làm nông, vừa giúp nông dân nhưng vẫn có thể tạo ra tiền được? Dunn đem câu chuyện kể với bạn bè, những nông dân mà ông lui tới. Họ đồng ý hợp tác.
Dunn tự thiết kế đồ, nông dân cùng làm với ông, họ bắt tay nhau hoàn thiện sản phẩm. Dunn gom lại vào túi rồi đưa ra chợ bán, lên mạng giới thiệu cho bạn bè. Mọi thứ đến với ông quá nhanh khi Hội An bùng nổ du lịch. Những món đồ của ông tới tay du khách và được đón nhận.
Người truyền cảm hứng sống xanh
Christopher Dunn sống một mình trong căn gác trọ ở Hội An và dành tất cả thời gian ông có để tới trò chuyện với nông dân, tham gia mạng lưới các nông trại hữu cơ và hợp tác với người dân để sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường.
Về cuộc sống của mình tại Hội An, người đàn ông Úc này nói với ông, mỗi ngày ở Hội An là một ngày đặc biệt.
"Ở Úc, bạn có thể làm ra được rất nhiều tiền nhưng mức chi tiêu cũng rất khủng khiếp. Còn ở Việt Nam, ở Hội An đây thì tôi có niềm vui và tôi có mọi thứ. Quan trọng nhất là tôi giúp đỡ được cộng đồng trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường" - Dunn nói.
______________________
Federico Barocco là tiến sĩ khảo cổ học người Ý. Câu chuyện ông tới Hội An và trở thành gia đình người nước ngoài đầu tiên mua nhà ở phố cổ này cũng bắt đầu từ một chuyện tình đầy lãng mạn trên chuyến tàu ra đảo Cù Lao Chàm...
Kỳ tới: Chuyện tình Rico
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận