01/08/2016 09:21 GMT+7

Những chuyện như đùa cứ dựa vô dân mà xử lý!

NGUYỄN VĂN HÙNG (TP.HCM)
NGUYỄN VĂN HÙNG (TP.HCM)

TTO - Cùng với sức nóng từ sự cố môi trường Formosa ven biển miền Trung, dư luận còn chịu sức nóng từ những vụ việc tiêu cực, phản cảm cứ liên tiếp xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực khắp cả nước.

Minh họa DAD
Minh họa DAD

Hai câu chuyện gây bức xúc trong ngành y tế là vụ bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) mổ nhầm chân trái sang chân phải và vụ bác sĩ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM chẩn đoán sai dẫn tới phải cắt oan chân bệnh nhân!

Cả hai bệnh viện không phải cơ sở y tế vùng khó khăn, đây là hai bệnh viện chuyên khoa đầu ngành.

Tai tiếng của ngành giao thông vận tải cũng “động trời”: các quan thanh tra ở TP Cần Thơ “ăn bẩn” tiền bảo kê tới gần 3,5 tỉ đồng! Rồi cũng nhân viên thanh tra giao thông ở tỉnh Hà Nam lợi dụng nỗi đau con mất tích của một người mẹ, gạ gẫm “hối lộ tình dục”!

Lại còn chuyện một sếp thanh tra giao thông khác thay vì cần đình chỉ hoặc tại vị để làm rõ tố cáo đúng - sai lại được bổ nhiệm chức vụ quan trọng hơn. Âu cũng là “thách thức dư luận”.

Ngành nông - lâm - thủy sản cũng chẳng chịu thua về hành vi tiêu cực.

Mới đây có hai vụ “bán mình”: một đơn vị có chức năng cấp chứng chỉ VietGAP lại bán giấy chứng nhận VietGAP; một trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản lại làm giả hơn 800 giấy lưu hành sản phẩm để đánh lừa người nuôi trồng thủy sản và tiêu dùng.

Lâm tặc hoành hành phá rừng ở vùng biên giới Quảng Nam và tại khu vực Nhà máy thủy điện Đồng Nai (Lâm Đồng) nhưng các lực lượng chức năng vẫn “không nghe, không thấy, không biết”! Chưa kể, lĩnh vực ngân hàng tiếp tục là địa chỉ nóng của nhiều vụ án tham nhũng.

Hay chuyện các quan xã Đồng Thái, huyện Ba Vì (Hà Nội) bị treo nợ tới 3,5 tỉ đồng tiền “ăn nợ, hát chịu” bằng tiền thuế của dân...

Người biết chuyện chua chát gọi những vụ việc tiêu cực nói trên là những chuyện như đùa, bởi có vẻ rất vô lý trong thế kỷ 21, thời đại khoa học công nghệ, thông tin, luật pháp, dân trí đã phát triển cao.

Mặt khác, tiêu cực, tham nhũng, hoang phí vẫn tồn tại chưa thấy điểm dừng ở một quốc gia pháp quyền, có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gần 3 triệu người với bằng cấp chuyên môn, chính trị... “đầy mình”. Đáng lo hơn, những chuyện như đùa ấy không cá biệt, ngược lại dư luận cho rằng khá phổ biến trong xã hội hiện nay, chỉ là đã bị lộ hay chưa.

Một trong những nguyên nhân tồn tại và liên tiếp xảy ra nhiều tiêu cực trong thực thi công vụ phải chăng do việc phát hiện và chế tài, xử lý của cơ quan chức năng chưa kịp thời, nhiều bất cập?

Thực tế những kiểu xử lý hành vi tiêu cực bằng “phê bình, rút kinh nghiệm”, “giơ cao đánh khẽ”, “nặng với bên dưới, nhẹ với bên trên”, “nể nang người giàu, tránh né người quyền lực”... hoặc thay vì xử lý hình sự lại chỉ cho ra khỏi ngành, dùng tiền bồi thường xoa dịu... không đủ sức phòng ngừa, răn đe tham nhũng. Thậm chí chế tài kiểu ấy còn dẫn đến tác dụng ngược.

Nhân dân đang hi vọng việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo làm rõ vụ việc liên quan nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh và nguyên lãnh đạo Bộ Công thương sẽ là phát súng mở màn cho chiến dịch truy tìm “một bộ phận không nhỏ” cán bộ tiêu cực, tham nhũng trong Đảng và Nhà nước.

Trong cuộc chiến “tìm sâu”, làm trong sạch bộ máy tổ chức, cán bộ hiện nay, để thành công, xin hãy thật sự tin tưởng vào lòng dân và lắng nghe dư luận!

NGUYỄN VĂN HÙNG (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp