10/09/2011 15:24 GMT+7

Những chương trình Trung thu đặc biệt

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Trên sân khấu nhỏ, MC Chú Cuội ra sức pha trò, nhảy múa, tung hứng và cố gắng hết sức để giữ cho không khí đêm hội Trăng Rằm được náo nhiệt nhưng thi thoảng tiếng la hét, khóc lóc của con trẻ vẫn vang lên… khiến Chú Cuội cũng phải lúng túng.

Không ai tỏ ra khó chịu, bực dọc mà trái lại, nụ cười luôn thường trực trên mỗi khuôn mặt tại đây, bởi đơn giản đây là đêm trung thu dành riêng cho những trẻ tự kỷ hoặc phát triển không bình thường.

Có lẽ vì sự đặc biệt của những “vị khách” này mà đêm hội phá cỗ Trung thu với tên gọi Ngôi sao cho em được tổ chức vào tối 9-9 được Ban tổ chức chủ trương làm từ rất sớm. Mới hơn 4g chiều mà cả hội trường hơn ngàn chỗ của khu du lịch Tân Cảng đã được phủ kín đèn lồng lấp lánh, các gian hàng làm bánh dẻo, tô tượng, vẽ tranh đã rất sẵn sàng.

f8RyeEHk.jpgPhóng to
Nghệ sĩ hài Anh Vũ vui chung với các em trong chương trình Ngôi sao cho em - Ảnh: Minh Trang

Đó là một chương trình thật đặc biệt. Đặc biệt không chỉ vì thành phần tham gia mà cả cách tổ chức cũng khác lạ. Mỗi lần Chú Cuội - MC của chương trình la lớn “Các em ơi, các em có muốn chơi nữa không? Nếu muốn thì trả lời thật to nào!” thì đáp lại chỉ toàn tiếng…phụ huynh “Dạ có!”. Đơn giản vì tại đây, trong hội trường này, không chỉ có những trẻ tự kỷ, mà còn có cả những trẻ chậm phát triển, mắc hội chứng dow, và quá nửa trong số đó không thể nghe nói một cách bình thường.

Nói như lời cô Kim Tâm - đại diện hội cha mẹ trẻ tự kỷ, chia sẻ trong tiếng nói nghẹn ngào với hơn 300 em nhỏ có mặt tại đêm hội thì “Bố mẹ nào cũng mong con mình sẽ cao hơn, thông minh hơn…nhưng nếu con không thể cao hơn, thông minh hơn thì cũng chẳng sao cả. Chỉ cần con được khỏe mạnh, bình thường đã là mơ ước lớn lao nhất của bố mẹ rồi. Vậy nên các con cứ chơi thật vui và phá cổ đêm rằm thật nhộn các con nhé!”.

Tất tả đi lại giữa các gian hàng, chị Phạm Thị Kim Tâm, đại diện Hội cha mẹ trẻ tự kỷ bỏ nhỏ: “Mình phải làm sớm vì tinh thần và sức khỏe không cho phép các em có thể chơi được lâu”.

Lẽ thường, trẻ con đến những nơi đông vui, nhộn nhịp, lại có bạn bè đồng trang lứa, cùng bao nhiêu đồ chơi, bánh trái như thế sẽ phải nghịch phá, chạy nhảy, hò hét vui vẻ lắm, nhưng với những đứa trẻ có mặt trong buổi tiệc hôm ấy, để các em có thể mỉm cười, có thể tự tay nặn bánh, gấp đèn lồng và thôi sợ hãi, bật khóc mỗi khi có người lạ đi ngang qua đã là cả nỗ lực lớn lao của các bậc cha mẹ và tất cả các giáo viên, tình nguyện viên ở các trường chuyên biệt tham gia trong chương trình.

Đang cười rất tươi và hớn hở ăn bánh cùng các bạn, một cậu bé chừng 5 tuổi bỗng tái dần nét mặt và không thôi lấy tay tự tát vào mặt mình…Người mẹ ngồi bên cạnh chỉ biết ôm em vào lòng và dỗ dành: “Nào con, bao nhiêu bạn đang nhìn con kìa, con làm bánh cho các bạn ăn đi”…hay khi đội múa lân rồng rắn kéo lên sân khấu, rất nhiều em trong số đó cuống quít bám chặt lấy chân bố mẹ, tiếng khóc lóc sợ hãi bắt đầu vang lên, những đôi vai nhỏ tìm kiếm một vòng ôm thật chặt…

Nỗ lực ấy không chỉ thể hiện trong ánh mắt, nụ cười và sự quan tâm đặc biệt của những bậc phụ huynh, không quản cơn mưa mịt mùng đưa con đến với đêm hội mà còn ở chính những vị khách mời rất “chịu khó” đến tham gia.

Vẫn khuôn mặt…nhí nhảnh hết sức, nghệ sĩ hài Anh Vũ vui vẻ ngồi nặn bánh cùng các em, anh bảo “Lâu rồi mới tham gia một chương trình ý nghĩa và vui như vậy”. Ca sĩ trẻ Trung Quân của Vietnam Idol, Phương Anh…ai cũng đều hết mực chiều chuộng, chơi đùa và chia sẻ với thế giới đặc biệt ấy. Và họ đều đến bằng cả tấm lòng, không hề nhận bất cứ khoản thù lao nào…

Một đêm tiệc trung thu…lạ lùng như thế đã diễn ra thật ấm cúng và giàu tình cảm. Có đến và nhìn thấy những gương mặt trẻ thơ đáng yêu ấy, nhìn thấy những tình cảm không bao giờ vơi trong đôi mắt của những bậc làm cha mẹ ấy mới hiểu: tình thương cho con là không bao giờ đong đếm được…

Chương trình kết thúc và những người làm chương trình lại hẹn nhau vào một ngày thật gần, một đêm trung thu khác, hứa hẹn vẫn sẽ nồng ấm và trọn vẹn như đêm này…

Vui trung thu - yêu hơn biển đảo quê hương

WzSFuUEA.jpgPhóng to
Các bạn cùng nhau tô màu bức tranh về các loại cá, sò và tàu biển - Ảnh: Võ Hoàng Tuấn

Đây là ngày hội trung thu lớn của các bạn nhỏ Hà Nội khi được khám phá những nét độc đáo, thú vị về biển cả của Tổ quốc. Thông qua các làn điệu hò thân thương, cũng như các trò chơi mang đậm nét đặc sắc của vùng biển như lắc sò, hắt sò, đoán sò, bịt mắt tìm sò, các bạn nhỏ đã hiểu thêm, yêu hơn biển đảo quê hương.

Chỉ bằng những thứ vật dụng dân dã của vùng biển, các bạn còn tự tay tạo nên rất nhiều món đồ chơi xinh xinh dành cho chính mình và người thân. Với hình thức vừa học vừa chơi, các bạn nhỏ đã cùng tô vẽ tranh, làm các con vật bằng vỏ sò, vỏ ốc; tìm hiểu nhật trình đi biển qua các bài vè; xác định vị trí địa lí của các đảo…

l7pOtcZz.jpgPhóng to
Hai bạn nhỏ khoe chiếc tàu đáng yêu do tự tay mình làm từ vỏ sò - Ảnh: Võ Hoàng Tuấn.

Bạn Nguyễn Tấn Sang (lớp 4, tiểu học Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho biết: “Em thấy hôm nay thật bổ ích. Tớ vừa được đi chơi Trung thu lại được tìm hiểu về biển cả của Việt Nam. Em đã được các cô chú giới thiệu nhiều điều thú vị về biển đảo. Chẳng hạn như tên gọi quần đảo Hoàng Sa có nghĩa là Cát Vàng”.

Bạn Trần Bích Ngọc (lớp 5, tiểu học Cát Linh, Hà Nội) nói: “Đây là lần đầu tiên em được nghe trực tiếp các điệu hát và chơi các trò chơi của vùng biển. Em còn được một bác ngư dân ở Nam Định hướng dẫn cách đan lưới. Em thấy chương trình này thật bổ ích!”.

MuDNG0w3.jpgPhóng to

Các bạn nhỏ xem nghệ nhân vùng biển Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh hướng dẫn uốn lưỡi câu - Ảnh: Võ Hoàng Tuấn

Chương trình “Sắc màu biển cả” do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với kênh truyền hình thiếu nhi VTC11 tổ chức, từ ngày 10-9 đến ngày 12-9. Trong chương trình, 300 suất quà trung thu đã được trao cho các bạn ở các làng trẻ, trung tâm dạy nghề từ thiện và bệnh nhi ung bướu của Bệnh viện Nhi trung ương.

FVn8eyYM.jpgPhóng to
Các bạn nhỏ nghe các nghệ nhân hát điệu bả trảo và bài chòi của vùng biển Bình Thuận – Quảng Ngãi - Ảnh: Võ Hoàng Tuấn.
SdeTKPrh.jpgPhóng to
Các bạn nhỏ thích thú xem múa sư tử trên cà kheo của vùng biển Hải Triều - Nạm Định - Ảnh: Võ Hoàng Tuấn

Những chiếc đèn lồng, đèn ông sao, ông tiến sĩ giấy, tàu thủy… đã và đang được trưng bày tại các địa điểm di sản văn hóa khu phố cổ như nhà cổ 87 Mã Mây, Trung tâm thông tin phố cổ 28 Hàng Buồm, đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào, đình Kim Ngân 42-44 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đây là một trong những hoạt động của thành phố Hà Nội nhằm tái hiện nét sinh hoạt độc đáo trong ngày Tết trung thu cổ truyền. Tại mỗi địa điểm, người xem, đặc biệt là các em nhỏ, sẽ được chiêm ngưỡng và làm trực tiếp cùng các nghệ nhân về nghệ thuật nặn tò he, làm tàu thủy bằng sắt tây, làm đèn ông sao, tiến sĩ giấy hay nặn mặt nạ đất… đồng thời xem những bức tranh bằng các chất liệu khác nhau về chủ đề Trung thu.

c0gHdARH.jpgPhóng to

Các cháu nhỏ Trường mầm non Tháng Tám xúng xính trong trang phục truyền thống vui đùa với tò he

Trong khuôn khổ của lễ hội Trung thu phố cổ 2011 từ ngày 7 tới 12-9 còn có nhiều hoạt động văn hóa giới thiệu với nhân dân thủ đô, khách du lịch trong và ngoài nước về những phong tục và nét sinh hoạt bình dị của người dân phố cổ.

Nổi bật là hội chợ Trung thu phố cổ kéo dài từ phố Hàng Mã sang khu vực chợ Đồng Xuân, kết hợp với tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân - Hàng Giấy. Hội chợ sẽ tổ chức các gian hàng, quầy hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm đồ chơi phục vụ cho thiếu nhi.

Đặc biệt 20g ngày 11-9, trước cổng chính chợ Đồng Xuân sẽ diễn ra lễ hội đêm rằm trung thu phố cổ, qua đó thiếu nhi thủ đô sẽ thi bày mâm cỗ, thi rước đèn, biểu diễn trống hội, múa lân, rồng, sư tử và nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ thiếu nhi, vui phá cỗ trông trăng.

hZvq35AH.jpgPhóng to

Cô giáo và các cháu nhỏ Trường mầm non Bà Triệu tham quan không gian Tết trung thu truyền thống tại đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - Ảnh: Tiến Thành

WC4eh44C.jpgPhóng to

Các cháu nhỏ chăm chú xem nghệ nhân đến từ Xuân La, ngoại thành Hà Nội nặn tò he

QUaXqFI0.jpgPhóng to

Anh Nguyễn Mạnh Hùng sống tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, giới thiệu với các cháu nhỏ về chiếc tàu thủy chạy trên nước do anh làm

oJ50BZGN.jpgPhóng to

Chị Nguyễn Thị Tuyến, quê Vân Canh, huyện Hoài Đức, hướng dẫn các cháu nhỏ làm đồ chơi bằng giấy gồm đèn ông sao và ông tiến sĩ giấy

WU9kFfri.jpgPhóng to

Mua đèn ông sao tại hội chợ trung thu phố Hàng Mã

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp