Sinh viên tại một trường đại học Hàn Quốc - Ảnh: CNN
Tại Hội thảo trực tuyến "Sốc văn hóa: Chuyện không của riêng ai" vừa được bộ môn giáo dục khai phóng, khoa KHXH&NV, Trường đại học Hoa Sen tổ chức, bà Doãn Thị Ngọc, giảng viên bộ môn giáo dục khai phóng, chia sẻ sự thay đổi về môi trường sống, thức ăn, di chuyển từ các miền quê, tỉnh lên thành phố, thay đổi nơi làm việc, học tập... có thể tạo nên sốc văn hóa. Nó xảy ra không chỉ ở nước ngoài mà còn ở ngay tại đất nước mà một người đang sinh sống.
"Hiểu về các biểu hiện của sốc văn hóa là rất quan trọng vì vấn đề này hiện diện thường xuyên trong cuộc sống, từ phạm vi hẹp đến rộng, từ suy nghĩ hằng ngày đến hệ tư tưởng, hình thành mối quan hệ trong các thiết chế xã hội", bà Ngọc nhấn mạnh.
Nghiên cứu của nhà nhân chủng học Oberg chia sốc văn hóa ra thành 4 giai đoạn. Ông Nguyễn Văn Thuận - phó giám đốc Trung tâm Service-Learning Trường đại học Hoa Sen, một trong các diễn giả của chương trình - cho biết giai đoạn đầu tiên được gọi là "giai đoạn hứng thú".
Đây là thời điểm một người cảm nhận được sự phấn khích, thích thú với tất cả những gì mới mẻ xảy ra xung quanh khi đặt chân đến một vùng đất khác.
"Họ tận hưởng, muốn được tăng cường tương tác, gặp gỡ bạn bè mới, sử dụng tiếng Anh để kết bạn, dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu xung quanh và liên hệ những trải nghiệm mới với những gì mình đã từng trải qua ở quê nhà", ông chia sẻ.
Theo ThS Thuận, giai đoạn này có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều tháng tùy khả năng tiếp nhận, thích ứng và tiếp thu của từng cá nhân, tuy nhiên sẽ có điểm kết thúc.
Ở giai đoạn 2, sự hứng thú giảm dần, người trải nghiệm văn hóa mới bắt đầu nhận thấy những sự khác biệt, thậm chí xảy ra xung đột với những người đến từ nền văn hóa khác. Từ đó họ hình thành định kiến, thể hiện sự khó chịu hay có thái độ đối nghịch, cảm nhận sự lạc lõng, bơ vơ, mất phương hướng và cô đơn.
Một số người cảm thấy mình kém cỏi vì không hòa hợp được với nền văn hóa mới, xuất hiện suy nghĩ đây là vùng đất không dành cho mình, thấy nhớ nhà, mong muốn quay về quê hương.
Theo các diễn giả, sau khi trải qua cảm giác khủng hoảng, mệt mỏi vì nhiều thay đổi không như ý, người trong cuộc chuyển sang trạng thái dần tập quen với môi trường mới, tìm được sự cân bằng về mọi mặt, đặc biệt là về tâm trạng và cảm xúc. Đây là giai đoạn điều chỉnh - chấp nhận những sự khác biệt, nhận ra đó là sự thật hiển nhiên và học cách thích nghi, cảm thấy bình an hơn trong tâm hồn.
Sang giai đoạn cuối, một người sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu với những sự khác biệt về văn hóa. Ngay cả khi vẫn phải đối mặt với các thách thức, họ cảm thấy các mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.
Một số lời khuyên để giảm bớt rủi ro sốc văn hóa khi đặt chân đến vùng đất mới được các diễn giả gợi ý bao gồm cố gắng chủ động tạo ra mối liên hệ, các cơ hội để giao tiếp với hàng xóm, tham gia các tổ chức của sinh viên tại trường đại học với thái độ cởi mở, chân thật và biết quan tâm đến mọi người.
Ngoài ra, không nên né tránh sốc văn hóa bằng cách thu mình lại mà cần học cách vượt qua, "nhập gia tùy tục" bằng cách chấp nhận giá trị bản địa, hòa nhập vào cuộc sống, tham gia các lễ hội, hoạt động cộng đồng, không ngừng học tập, quan sát, tìm hiểu và thực hành để tiếp thu những điều mới mẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận