Tập sách thứ hai của Minh Phúc - cây bút tản văn quen thuộc trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần và Phụ Nữ TP.HCM - Ảnh: KHẢ LINH
Người phụ nữ thích trồng cây từ thời tấm bé này cứ khiến tôi nghĩ chữ của cô là lá. Chữ nào cũng đẹp, tươi xanh, chữ trước hắt ánh sáng cho chữ sau. Lôi kéo, quyến dụ mình phải đọc cho hết bài, cho hết sách. Để rồi, một vùng ký ức hiện ra, một cơn mơ xưa cũ tái hiện chập chờn.
Đầu tiên là đồng cảm, ủi an, sau đó là thổn thức cùng, rồi đôi chỗ lại thấy chữ của Phúc "sẽ là thứ bám dính và tạo thành một miền nhung nhớ rất đậm và rất chặt, đầy riêng tư và có thể khiến mình bật khóc".
Những ám ảnh khôn nguôi, ám ảnh mà tươi rói, sinh động như thể chuyện này vừa mới xảy ra hôm qua nhất định sẽ khiến lòng người đọc xốn xang như thể bàn tay mình vừa tứa máu một chiếc gai bưởi cào.
Chữ của Phúc cứ dịu dàng phác ra hình ảnh một cánh đồng mênh mông mùa lũ, một cây phượng già đang đứng ở đầu đình, và góc bếp với má. Nhà của Phúc có má, một người phụ nữ Nam Bộ biết bao mạnh mẽ can trường và ấm áp.
Nhà của Phúc và má tuy hai mà gắn kết thống nhất lạ lùng. "Bữa nọ, má đứng trơ bất động ôm cứng cây cột cái của căn nhà đổ sập, chiếc bàn ăn vẫn y nguyên rổ ốc luộc bốc khói nghi ngút, và những chiếc ghế ngã lăn quay…
Lũ chúng tôi thì mưa gió lép nhép lạnh run rẩy, đứa nhỏ thì khóc gọi má, đứa lớn thì lóp ngóp bò qua đống đổ sập để ráng ngó vô coi má ở đâu...". Đọc đến đây, mọi cảm xúc vỡ ra, long lanh lóng lánh nước mắt.
May sao, tác giả cũng luôn luôn ý thức vực dậy, làm tươi cảm xúc của mình, "Một ngày nào đó, nhìn cây trút bỏ lá cũ để thay lá mới, tôi nghiệm ra mình cũng cần phải trút bỏ những tái tê không đáng có để sắm lại cho mình cõi lòng thiệt hân hoan".
Hân hoan được không? Dạ được, bằng cách học từ những đứa trẻ, học từ cỏ cây, "chỉ cần có được một nửa nguồn nghị lực mà bất cứ một cái cây nhỏ bé nào đang sở hữu, thì hẳn số phận ta khác hẳn rất nhiều. Mật mã của tự nhiên là thứ mà nếu nắm bắt được, hẳn là ta đã phải sống chan hòa hơn, yêu thương hơn. Đời sống lúc nào cũng có thể chỉ là bắt đầu".
Đã có một giai đoạn khó khăn trong đời thực xảy ra khi tác giả gom nhặt chữ cho cuốn sách này, nhưng hẳn là Phúc đã thầm cảm ơn những khó khăn cạnh bên và giờ đã lùi xa một quãng. Bởi chính khi cơn gió bão đi qua, hàng cây trầm mặc lại lóng lánh những chiếc lá sạch bong.
Cảm ơn vì đã cạnh bên đã có một sự già dặn sâu lắng đáng kể so với tập tản văn trước đó của cô - Cảm ơn vì đã được thương. Dĩ nhiên, những gì thuộc về riêng Phúc thì cũng còn nguyên đó: tinh tế, nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ và đắm say.
Yêu cỏ cây thiên nhiên, ký ức cô tràn ngập những luống rau, những hàng cây bụi cỏ. Cuộc sống hiện tại cũng "quanh quẩn mãi về một cái cây, một cái hoa". Và thật may là chính những câu chuyện mà cô tưởng là vô vị này đã khiến ta có một khoảng lùi ra phía sau.
Để thấy bầu trời thênh thang hơn, rộng mở hơn, căng tràn hơn. Những bài viết của cô, cũng "như bông hồng kia vẫn đẹp ở bancông nhỏ, chúng không cần cố gắng vẫn đẹp"...
Sách gấp lại rồi, vẫn cứ thấy hình dáng một cô gái đi lượm một bụi cây nhỏ bé bị người vứt bỏ vì tội nghiệp, rồi đem về tưới tẩm nâng niu, bởi vì theo cô, "một thìa năng lượng mạnh mẽ từ những đẹp đẽ mình đã hạnh ngộ mỗi ngày, nhỏ nhoi thôi, nhưng như nụ cây non, sẽ lớn dần lên".
Không có một cốt truyện để gây tò mò, tản văn của Minh Phúc bám vào một ký ức, một lát cắt cảm xúc hoặc một tình huống nào đó rồi mọc ra những chiếc lá chữ.
Ngay ở tay gấp sách, tác giả đã có "tuyên ngôn" cho riêng mình: "Viết, như một cách để tôi chấm một dấu Nhớ, phết một dấu Thương, cột chắc Nhà trong lòng mình".
Dù tác giả cố gắng khẳng định chủ đề chính của sách là Nhớ, Thương, Nhà; nhưng thật thú vị khi nghĩ đến nó, tôi lại cứ thấy một khu vườn.
Cảm thức thiên nhiên ngập tràn và thậm chí, đó mới chính là bầu khí quyển của tập sách này. Những câu chữ về cây cối, kỳ diệu thay, đã cất lên được thông điệp thẳm sâu của toàn tập sách…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận