22/07/2014 10:35 GMT+7

Những chiếc cầu trên sông Bến Hải

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Đã hẹn trước với Trần Văn Tương, chàng trai làm nghề chài lưới trên sông Bến Hải, một ngày tháng 7 chúng tôi thuê chiếc thuyền của Tương để làm một chuyến lên thượng nguồn con sông. Từ đó thuyền thả trôi về chân sóng cửa Tùng, theo con sông từ nguồn ra bể.

oSnLVJir.jpgPhóng to
Cầu Hiền Lương nay đã được phục chế với hai màu xanh - vàng - Ảnh: L.Đ.D.

60 năm, đấy là thời gian tròn một vòng hoa giáp của đời người. Nhưng đời sông thì mải miết đến vô cùng...

Nơi các anh nằm lại phía đầu nguồn

Từ bên kia bờ bắc thôn Hiền Lương, Tương cho chiếc thuyền nhỏ chạy máy Kohler sang chân trụ cầu ở bờ nam đón tôi lên thuyền. Con thuyền này cũng nhỏ y như những con thuyền nan 60 năm trước. Mất chưa đầy hai phút để chiếc thuyền từ bờ bắc sang bờ nam. Cũng quãng sông ấy, những năm chiến tranh nhà thơ Thanh Hải đã cảm khái: Cách nhau chỉ một mái chèo/Mà đi trăm núi vạn đèo tới đây. Không chỉ trăm núi vạn đèo, đó là cả 21 năm dài đằng đẵng (1954-1975) với bao nhiêu nước mắt, máu xương, chia ly và bi tráng.

Thuyền chạy ngược lên phía thượng nguồn, từ giữa dòng sông, nhìn về phía chiếc cầu trên quốc lộ 1 đang rộn ràng những chuyến xe trên đường thiên lý Bắc - Nam vun vút ngược xuôi. Giờ đây từ thượng nguồn sông Bến Hải ra tới cửa Tùng - nơi dòng sông gặp biển - không chỉ là một cây cầu như 60 năm trước mà có gần chục cây cầu khác, mỗi cây cầu đều chứa một câu chuyện, ấp ủ riêng một khát vọng.

Cây cầu đầu tiên ở phía thượng nguồn sông Bến Hải nằm cạnh một “địa chỉ đỏ”: nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đấy là cầu Bến Tắt. Ngày chiến tranh, phía thượng nguồn dòng sông rất hẹp, dù lịch sử chia cắt bên này bên kia nhưng chỉ vài bước chân là đã lội qua sông. Ngầm Bến Tắt là một điểm vượt sông vô cùng quan trọng ở đầu nguồn của đường dây 559, sau này là tuyến vận tải chiến lược của đường mòn Hồ Chí Minh. Sau Hiệp định Paris 1973, Quảng Trị được giải phóng, để phục vụ khẩn thiết cho chiến trường miền Nam, một cây cầu treo được công binh Binh đoàn Trường Sơn thi công khẩn cấp với chiều dài hơn 50m, rộng 6m, suốt từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1975 góp phần đưa hàng vạn tấn vũ khí, cơ động lực lượng quân đội vào chiến trường tham gia chiến dịch.

Ngay sau ngày thống nhất đất nước, Bộ tư lệnh bộ đội Trường Sơn đã đi tìm chọn một vùng đất cho những liệt sĩ của binh đoàn quần tụ về yên nghỉ. Tướng Đồng Sỹ Nguyên và những lãnh đạo của binh đoàn đã khéo chọn ngay vùng đất đầu nguồn con sông Bến Hải cạnh cầu treo Bến Tắt để lập nên nghĩa trang liệt sĩ quốc gia này. Và cầu treo Bến Tắt, chiếc cầu đầu tiên phía thượng nguồn sông Bến Hải, được nằm cạnh di tích nghĩa trang Trường Sơn. Khi đường Hồ Chí Minh được xây dựng mới, thêm một cây cầu bêtông mới, to đẹp và bề thế chạy song song cạnh cây cầu treo cũ nay đã thành di tích lịch sử. Năm 2005 trong cơn lũ lớn, cầu treo lịch sử Bến Tắt bị nước cuốn trôi, nhưng hai năm trước hồi tháng 7-2012, cây cầu treo di tích đã được phục chế.

Từ trên những ngọn đồi phía thượng nguồn sông, linh hồn hơn 1 vạn người lính trẻ trong nghĩa trang này mỗi ngày sẽ nhìn xuống con nước của dòng sông Bến Hải xuôi ra biển. Để chứng kiến cái giá hòa bình thống nhất của đất nước này đã được đổi bằng chính máu xương tuổi trẻ của họ, và bây giờ đang cụ thể hình hài trong mỗi nhịp cầu bắc qua sông, trong nhịp gõ chài lưới vang trên sông mỗi bình minh hay chiều tà của những ngư dân bình thường như Trần Văn Tương, người chèo thuyền đưa chúng tôi đi trọn một nguồn sông sáng nay.

DKWYnvWN.jpg
Một góc nghĩa trang Trường Sơn, nơi đầu nguồn sông Bến Hải - Ảnh: L.Đ.D.

Nối những bờ vui

Từ phía cầu treo Bến Tắt, xuôi theo dòng Bến Hải đổ về phía cuối nguồn sẽ gặp thêm nhiều chiếc cầu nữa. Thuyền chui qua gầm chiếc cầu đường sắt Tiên An vừa được nâng cấp nổi bật màu sơn trắng xanh dịu dàng trong nắng sớm. Ít ai biết cầu đường sắt này cũng có một số phận bi tráng như cây cầu Hiền Lương trên quốc lộ 1. Cầu cũng nối đôi bờ của xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh) và Trung Sơn (Gio Linh). Những năm kháng Pháp, cây cầu bị du kích đặt mìn giật sập tiêu thổ kháng chiến. Sau năm 1954, người dân khấp khởi mừng chỉ hai năm nữa (1956) tổng tuyển cử, cầu đường sắt sẽ được xây mới, nối liền tuyến xe lửa Bắc - Nam. Vậy mà thay vì hai năm, phải hơn 20 năm sau cây cầu đường sắt này mới nối nhịp trở lại.

Xuôi từ cầu đường sắt Tiên An chỉ hơn một cây số về phía hạ lưu, một công trường mới đang rộn ràng thi công cầu Hiền Lương 2. Hai trụ móng đầu tiên của cây cầu Hiền Lương 2 đã được đổ, nhô lõi thép lên khỏi mặt nước dòng sông. Từ đây, một tuyến đường mới chạy thẳng vào tận Dốc Miếu và nối dài ra tận phía ngoài Hồ Xá. Chiếc thuyền máy cứ mải miết đưa chúng tôi đi trên con sông lịch sử trong một buổi sáng quá đỗi bình yên nhưng những câu chuyện của ký ức đôi bờ lại vô cùng vang động. Nơi đây, ngày chiến tranh, tuy nằm ở khu vực bờ nam nhưng Trung Sơn lại được du kích trong xã nổi dậy làm chủ từ năm 1965. Quân Mỹ đã từng có một trận càn ác liệt vào ngày 19-5-1967, khiến hàng trăm người dân Trung Sơn đang chờ thuyền vượt sang bờ bắc trúng bom hi sinh.

Trong lúc chờ cây cầu Hiền Lương 2 hoàn thành với những nhịp bêtông vững chắc và một tuyến đường bề thế thì cách đó không xa, một chiếc cầu phao qua sông do chính nông dân Vĩnh Linh tự bắc từ mấy năm trước. Câu chuyện nông dân tự bắc cầu phao ở Quảng Trị đã từng được nhắc đến nhiều.

Cây cầu đầu tiên là do nông dân ở Triệu Độ tự bắc qua sông Thạch Hãn hơn 10 năm trước, rồi sau đó những chiếc cầu phao khác nối nhau ra đời. Tuy nhiên cây cầu ở thôn Huỳnh Xá Hạ, xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh ngay phía trên cầu Hiền Lương lại mang một ý nghĩa khác. Những năm chiến tranh, ngay bến sông này có bà mẹ Duyến chèo đò. Chính hình ảnh của bà mẹ Vĩnh Linh suốt bao nhiêu năm thầm lặng với con thuyền nhỏ bí mật đưa cán bộ chiến sĩ qua qua về về giữa hai bờ để hoạt động đã khiến nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, sau này, trong những trang bút ký tài hoa của ông luôn có một hình tượng đầy ám ảnh về những bà mẹ nghèo nước Việt đã “đưa đất nước qua sông trên những chiếc thuyền nan”.

Bến đò nối từ xã Vĩnh Sơn bờ bắc qua xã Trung Sơn bờ nam của con “sông tuyến” nay đã được chiếc cầu phao làm thay nhiệm vụ. Bốn nông dân thứ thiệt Trần Duy Bôn, Trần Công Chức, Trần Văn Trường ở ngay tại Vĩnh Sơn và anh Phan Dũng ở Triệu Thuận cùng hùn vốn 1,4 tỉ đồng làm nên chiếc cầu phao này và thu phí như mức phí người dân mỗi lần qua đò. Ngày khánh thành, hàng đoàn xe máy của bà con các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy, Vĩnh Sơn băng qua “cây cầu nông dân” để ra quốc lộ 1 thay vì trước đây phải vòng về tận Hồ Xá, mất thêm mười mấy cây số cả đi lẫn về mỗi lần có công chuyện cần vào Gio Linh, Đông Hà. Cũng những nông dân Vĩnh Linh này, trong một lần vào vùng ngã ba Bãng Lãng, thượng nguồn sông Hương (Thừa Thiên - Huế), thấy dân nơi đây vẫn lụy đò mỗi bận qua sông đã quyết định đầu tư xây dựng một chiếc cầu phao ngay trên nhánh Tả Trạch, thượng nguồn sông Hương và vừa khánh thành năm ngoái.

Sáng nay, trên chiếc thuyền nhỏ, tôi nhìn thấy mớ cá Tương vừa lưới được đêm qua trên sông vẫn còn “trộng” dưới đáy thuyền. Hình ảnh đời thường giản dị ấy, hơn nửa thế kỷ trước, với những ngư dân hai bên bờ sông này có khi phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình nếu chỉ nhích qua một chút trên đường phân thủy của dòng sông giới tuyến. Còn sáng nay tôi cứ mải miết trên con thuyền nhỏ để ngắm dòng sông từ nguồn ra bể.

Cầu Cửa Tùng - cửa sông Bến Hải đã hiện ra trước mắt, ở đó có những ngôi làng đẹp như tranh vẽ, đẹp như chưa hề có cuộc chiến tranh khốc liệt đã ngang qua đây.

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5: Kỳ 6:

__________

Kỳ tới: Giấc mơ nơi cửa bể dòng sông...

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp