19/12/2019 14:15 GMT+7

Những chàng 'cao bồi' trên đỉnh núi

NGUYỄN HƯỜNG - ÁNH DƯƠNG
NGUYỄN HƯỜNG - ÁNH DƯƠNG

TTO - Đỉnh núi cao 2.979m Tà Chì Nhù (huyện Trạm Tấu, Yên Bái) với thảo nguyên bát ngát giữa lưng trời, đã trở thành miền đất hứa cho những người Mông có khát vọng đổi đời...

Những chàng cao bồi  trên đỉnh núi - Ảnh 1.

Đàn ngựa tuyệt đẹp của ông Tủa trên đỉnh Tà Chì Nhù - Ảnh: ÁNH DƯƠNG

Trải bao thử thách, đến hôm nay những câu chuyện cổ tích về xóa nghèo đói, làm giàu đã được họ viết lên đầy tự hào trong cộng đồng người Mông.

Gian nan đưa gia súc lên núi cao

Các bản Mông thuộc xã Xà Hồ, Trạm Tấu nằm nép mình dưới chân núi Tà Chì Nhù hùng vĩ. Một chiều giao mùa loang nắng vàng, anh Mùa A Hồ, phó chủ tịch xã Xà Hồ, tâm sự với chúng tôi rằng trước đây hầu hết bà con Mông đều nghèo và... rất nghèo với hạ tầng cực kỳ lạc hậu.

Theo chân anh tới bản Suối Giao, chúng tôi gặp vợ chồng ông Thào A Tủa (sinh năm 1969) và bà Hờ Thị Nu (1971). Lấy nhau thời gian ngắn, họ đã có đến 5 mặt con với gia cảnh vô cùng khó quẫn. 

"Lấy vợ, mình được bố mẹ cho ra riêng. Nhà không ruộng, quanh năm chỉ đi rừng kiếm củi, săn con thú nên khó khăn lắm. Các con lần lượt ra đời, nhà thêm miệng ăn. Nhiều năm, nhà thiếu ăn đến 4-5 tháng, phải ngô, cháo lay lắt qua ngày!". 

Thậm chí, con gái cả Thào Thị Phay của ông Tủa vì khó khăn nên không được học hành, phải đi rừng theo bố mẹ từ lúc 7 tuổi.

Ở bản Suối Giao, ông Tủa có 5 con vẫn còn ít. Như trường hợp anh Thào A Giao tảo hôn với chị Mùa Thị Chu khi mới 15 tuổi. Năm 23 tuổi, Giao đã là bố của 7 đứa con. 

Chuyện sinh 7-8 con ở các hộ Mông, theo phó chủ tịch xã Mùa A Hồ, là rất phổ biến. Đông con lại ít đất canh tác, không có nghề phụ... đã dẫn đến thực cảnh thiếu ăn kéo dài, trẻ không được học hành ở các bản Mông dưới chân Tà Chì Nhù.

Trong cơn nghèo túng, thiếu đất canh tác, Thào A Tủa chợt nghĩ đến những đồng cỏ chạc, cỏ chay, măng sặt bạt ngàn trên đỉnh Tà Chì Nhù, thích hợp chăn nuôi. Nhưng làm sao có gia súc và đưa được lên núi để chăn là "bài toán" đã bao đời khó giải...

Năm 1998, cơ duyên tới với Tủa. Cán bộ Phòng nông nghiệp Trạm Tấu và Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho vay vốn để người Mông mua con giống chăn nuôi. Khi có trong tay 4 con dê và cặp trâu, bò giống, A Tủa cùng vợ vượt núi, đưa chúng lên đỉnh Tà Chì Nhù.

Nhưng niềm vui chưa đến, họ đã gặp ngay cú sốc khởi nghiệp. Chỉ vài ngày rét, đàn gia súc chết sạch. 

"Mình không lường được thời tiết giá lạnh trên núi, khi mùa đông nhiệt độ thường xuống dưới 0oC. Không có cách phòng tránh rét và làm chuồng trại, đợt nuôi đầu tiên chết sạch. Vợ mình ngồi khóc mấy ngày liền...", Tủa trải lòng.

Cố kìm nỗi buồn, ông xuống huyện hỏi kỹ lại cách chống rét cho gia súc, rồi vay thêm 15 triệu từ ngân hàng để mua 10 con dê cùng cặp trâu, bò lập đàn mới. Rút kinh nghiệm, những ngày rét, ông nhốt gia súc trong lán, rồi cắt cỏ về cho ăn. 

Ông còn cho thêm ít muối trắng lẫn vào cỏ để trâu, dê tăng cường sức đề kháng, chống chọi cái rét. 

Những hôm nắng ấm, Tủa kể: "Cứ 8h-9h sáng nắng lên, mình thả gia súc ra xung quanh khu vực lán để chúng thích nghi dần với thời tiết, rồi đến chiều lạnh lại lùa về".

Cuối cùng, niềm vui cũng về trên đỉnh núi. Đàn gia súc của họ đã đạt tỉ lệ sống sót 100%. Chỉ sau hơn 2 năm, Tủa có gia súc để bán lấy tiền nhân đàn, mở rộng chăn nuôi. 

Thấy Tủa làm hay, từ năm 2003 một số chàng trai Mông khác như Thào A Chinh, Thào A Giao, Thào A Gư... cũng lần lượt vay vốn mua gia súc. Họ vượt núi, chăn thả trên đỉnh cao và dần dần đều trở thành các "cao bồi" có bầy đàn lớn.

Những chàng cao bồi  trên đỉnh núi - Ảnh 2.

Nhiều thanh niên Mông giờ đã thành “cao bồi” nuôi gia súc giỏi ở Suối Giao - Ảnh: ÁNH DƯƠNG

Những tỉ phú "cao bồi"

Sau hơn 20 năm leo núi cao, chăn nuôi, đến nay trong tay Thào A Tủa đã có đàn gia súc khoảng 400 con dê, 52 con bò, 6 con trâu, 9 con ngựa. Chỉ cần nhẩm tính cũng biết ngay đàn gia súc ấy của ông Tủa đã tầm vài tỉ. 

Những người bản Suối Giao gặp chúng tôi đều ngưỡng mộ Tủa và cho biết ông đã trở thành tỉ phú nuôi gia súc từ hơn 10 năm trước.

Bây giờ, quen địa hình và thời tiết trên đỉnh Tà Chì Nhù, đàn thú nuôi đã được thả hoang đi kiếm ăn khắp dải núi. Đến chiều tối, chúng lại tự biết tìm đường về lán. 

Du khách leo Tà Chì Nhù ngắm hoa chi pâu, thường bắt gặp những đàn thú nuôi nhởn nhơ đi kiếm thức ăn mà chẳng bao giờ thấy người chăn đâu. 

Nhiều bạn trẻ thích thú chụp được ảnh hoa chi pâu đẹp rực rỡ bên đàn ngựa của ông Thào A Tủa ở độ cao gần 3.000m.

Theo UBND xã Xà Hồ, đàn gia súc của ông Tủa có số lượng và giá trị lớn nhất ở các bản Mông quanh vùng núi Tà Chì Nhù. Hiện nay, gia đình Tủa đã trở thành hộ giàu tiêu biểu ở Suối Giao. Vợ chồng xây dựng được nhà cửa khang trang, to đẹp. 

Cả 5 người con của họ đều được học hành, có công việc ổn định và cuộc sống tốt đẹp. Đặc biệt, hai cậu con trai lớn hiện đang công tác ở UBND xã Xà Hồ và huyện Trạm Tấu, con trai út mới học xong trường trung cấp ở huyện.

Những ngày bình yên trên núi cao, chúng tôi tiếp tục ghé thăm lán nuôi trâu bò của anh Thào A Giao (sinh năm 1974). 

Người đàn ông này tâm sự sau khi biết mô hình nuôi gia súc trên núi của A Tủa phát triển tốt, anh đã quyết định vay tiền ngân hàng để mua hai con trâu cái. 

Miệt mài chăn nuôi trên núi từ năm 2003 đến nay, đàn gia súc của anh Giao cũng đã có 120 con dê, 17 con trâu, 8 con bò và 6 con ngựa, giá trị lên tới cả tỉ đồng.

Hiện nay, nếu ông Tủa có 5 lán nuôi gia súc thì anh Giao cũng có 2 khu lán. Những ngày lang thang trên núi, chúng tôi còn tiếp tục bắt gặp các đàn gia súc béo tròn, xinh đẹp của nhiều chủ khác. 

Đặc biệt, không chỉ chăn nuôi bầy đàn lớn, giá trị cao, nhiều đồng bào Mông còn biết kết hợp làm các nghề dịch vụ du lịch như cung cấp đồ ăn, đưa khách lên núi. Nhiều hộ đã xây được nhà tầng, nhà sàn to đẹp dưới bản.

Tất cả như câu chuyện cổ tích tốt đẹp nơi rẻo cao từng một thời tưởng chừng không thể vượt qua "lời nguyền" nghèo khó...

cao boi dinh nui 2

Nhiều người Mông như ông Tủa đã đổi đời nhờ chăn nuôi trên núi cao - Ảnh: ÁNH DƯƠNG

Anh Mùa A Hồ cho biết toàn xã có 578 hộ với khoảng 3.300 nhân khẩu, trong đó đồng bào Mông chiếm gần 80%. Sau nhiều năm tích cực đẩy mạnh chăn nuôi, đến nay tổng đàn gia súc toàn xã đạt gần 4.000 con mà chủ yếu là ngựa, dê, trâu, bò có giá trị kinh tế cao…

'Cao bồi' nhí trên thảo nguyên "Cao bồi" nhí trên thảo nguyên

TT - Tuổi chỉ mới lên chín, lên mười nhưng những “cao bồi” nhí đã trở thành những trụ cột “ra riêng” để chăn đàn gia súc cả trăm con giúp cha mẹ. Và cũng có những “cao bồi tồ” quyết đi tìm cái chữ ở tuổi đôi mươi.

NGUYỄN HƯỜNG - ÁNH DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp