Hai cuốn sách của tác giả Phan Thúy Hà - Ảnh: P.VŨ
Phan Thúy Hà bắt đầu tập sách của cô bằng những lời mộc mạc: “Một năm qua, tôi dành nhiều thời gian đi vào miền Nam, gặp những người chú, người bác đã từng là người lính. Tôi ghi chép những gì được nghe kể lại, những gì tôi đã thấy. Câu chuyện ở đây là thật. Tên thật, địa chỉ thật…”.
Hà đặt tít cho các bài viết của mình cũng theo phong cách ghi chép rất thật như vậy. Những chuyến đi: Ba ngày ngồi sau xe máy của chú Giang, Đến Huế, Đêm ở Thượng Xá, Buổi sáng ở thành phố Cao Lãnh.
Những con người: Người lái xe ôm trên phố Sài Gòn, Ông già ngồi xe lăn bán vé số, Ông Ba hột vịt, Người mẹ Cam Lộ, Ngón tay cái của bác Chinh... Những ấn tượng: Tiếng chuông chùa Hội Tôn, May mà chiến tranh không kéo dài đến bây giờ, Hết chiến tranh rồi mà sao tía buồn hiu...
Đúng kiểu có sao ghi vậy, và cũng đúng là những câu chuyện quen thuộc như Hà giãi bày: "Những câu chuyện có thể bạn biết cả rồi, bạn đã chứng kiến, bạn đã sống với nó, nhưng với tôi, tôi mới được biết. Xin tha thứ cho tôi vì sự muộn màng".
Tôi tin rằng những người viết, những nhà báo, nhà văn sẽ phải giật mình. Vâng, đúng là như vậy. Đúng chính xác đây chính là những câu chuyện chúng ta đã biết, đã chứng kiến, đã sống cùng, nhưng chúng ta đã không viết, không kể.
Những người lái xe ôm, bán vé số, hột vịt, làm ruộng, làm thuê, viết sách mà Hà đã chọn gặp, lắng nghe và ghi lại câu chuyện của họ có một điểm chung: từng có một thời là lính hoặc sĩ quan địa phương quân, thủy quân lục chiến, phi công, y tá trong quân đội Sài Gòn.
Chiến tranh, người lính nào cũng mơ đến hòa bình. Hòa bình rồi ăn mắm ăn muối cũng được. Thế nhưng, hòa bình rồi lại bắt đầu một cuộc chiến khác, mà với những người lính rã ngũ, có khi còn khốc liệt hơn bom đạn.
Không chỉ là cuộc mưu sinh vất vả nhọc nhằn với tất cả mọi người trong những ngày tháng đói nghèo vây bủa ấy, mà còn những năm tháng đi học tập cải tạo, có người không được cấp giấy chứng minh quyền công dân trong suốt mấy mươi năm, có người mang vết thương biến thành thương tật vì chưa kịp chữa trị xong thì bác sĩ đã phải bỏ đi, có người bị cả thân nhân đuổi đánh trong ngày giỗ chạp…
Họ - có người cam chịu, xoay trở với nghề xe ôm, vé số; có người an phận mỉm cười với mảnh vườn luống rau, có người vật vã xuống tàu bỏ đi, cũng có người thành danh với những tập sách huấn luyện kỹ năng sinh tồn - những bài học học được trong đời chiến binh.
Và tất cả họ đều thật cô đơn. Những câu chuyện của họ chìm đi trong góc khuất, trong e ngại, mặc cảm, trong phân biệt, miệt thị, trong những hờn oán chưa cởi bỏ. Những nỗi sợ hãi, thiệt thòi đến từ nhiều phía, kéo xuyên sang vợ, sang con.
Phan Thúy Hà đã đến Huế, đến Bình Dương, Bình Phước, đến Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ để chứng kiến nỗi cô đơn đó. Cô ghi lại nét mặt bối rối của người lính già "chuyện này đi chỗ khác nói", những gương mặt buồn bã kể chuyện cuộc đời "nghịch cảnh không thể tưởng tượng được", và nụ cười hiếm hoi: "Bây giờ như thế này là được rồi, sướng hơn thời chiến tranh nhiều lắm".
Và sâu thẳm nhất lại là khát khao được giãi bày, được lắng nghe: "Cô Hà, trong miền Nam cô sẽ thấy chuyện của tôi không phải là cá biệt... Không phải không cá biệt mà không viết, phải không cô...". Nghe như có nước mắt.
Và người đọc cũng sẽ thấy lòng mình mặn nước mắt.
Phan Thúy Hà sinh năm 1979, nguyên là biên tập viên NXB Phụ Nữ. Từ vài năm nay, cô lựa chọn làm một người viết sách, và chọn câu chuyện của những người lính.
Trước cuốn Tôi là con gái của cha tôi, cô có cuốn Đừng kể tên tôi cũng là câu chuyện thô mộc của những người lính trong thời chiến tranh, thời hậu chiến được kể và được ghi chép lại thật chân thật.
Những câu chuyện nhỏ mà không nhỏ của những người lính đã trở về với cuộc đời âm thầm. Phan Thúy Hà chọn cách viết - ghi chép giản dị, trần trụi để cho cuộc đời con người hiện lên thật nhất, gợi trong lòng người đọc sự thông cảm và lòng trắc ẩn chân thành nhất có thể. Và từ ở đó mà nước mắt chảy ra...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận