10/05/2020 11:16 GMT+7

Những 'cây đũa thần' trong bóng đá

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - "Xe tăng Đức" xù xì biến thành xe đua rực rỡ hay lò La Masia với một kỷ nguyên huyền thoại được xây dựng như thế nào? Những giai thoại đó không được viết nên bởi các HLV mà bởi các giám đốc kỹ thuật lừng danh.

Những cây đũa thần trong bóng đá - Ảnh 1.

Sammer được xem là hình mẫu chuẩn mực của GĐKT ở LĐBĐ quốc gia - Ảnh: Sportbuzzer

Một HLV có thể mang đến thành công cho đội bóng sau vài tuần, nhưng một giám đốc kỹ thuật (GĐKT) với công việc liên quan đến đào tạo trẻ và chuyển nhượng (dành cho các CLB) thường cần ít nhất 1-2 năm để thể hiện sự hiệu quả của mình.

Sammer - người định nghĩa chức danh GĐKT

Từ tuyển Đức trong kỷ nguyên rực rỡ 2006-2014, cho đến Bayern Munich giai đoạn 2013-2016 đều gắn liền với một cái tên: Matthias Sammer. 

Là mẫu cầu thủ tiêu biểu của bóng đá Đức ở thập niên 1980-1990 (anh từng giành Quả bóng vàng, vinh dự hiếm khi các tiền vệ phòng ngự đạt được), nhưng dường như sự nghiệp hậu cầu thủ của Sammer càng nổi bật hơn.

Tháng 4-2006, Sammer được LĐBĐ Đức (DFB) bổ nhiệm vào vị trí GĐKT. Đó cũng là lần đầu tiên DFB đặt ra vị trí này và người khai sinh được cho là HLV Jurgen Klinsmann. 

Trước đó, tuyển Đức chìm trong quãng thời gian u tối kéo dài từ năm 1996 đến 2004 (thất bại ở mọi giải đấu, trừ World Cup 2002 bất ngờ vào chung kết).

HLV Klinsmann và những quan chức DFB khi ấy tin rằng bóng đá Đức cần một người có tầm nhìn chiến lược, xây dựng nền móng bóng đá trẻ cũng như cập nhật những công nghệ đào tạo mới. Đó là một dạng công việc "lai tạp giữa HLV và chủ tịch, kết nối giữa kinh nghiệm trên sân bóng và khả năng điều hành ở thượng tầng".

Sammer là người hội tụ những yếu tố đó, bởi ông vừa có uy tín trong mắt các cầu thủ trẻ, lại vừa có học thức. Dù World Cup 2006 là một giải đấu thành công với tuyển Đức nhưng khi đó tầm ảnh hưởng của Sammer chưa rõ ràng.

Thật vậy, tại World Cup 2006, tuyển Đức thành công với lứa ngôi sao "đời đầu 8x". Còn Sammer chịu trách nhiệm cho lứa "cuối 8x" và "đầu 9x" với những Mesut Ozil, Thomas Muller, Toni Kroos, Jerome Boateng, Mario Gotze... 

Với tài năng kiến trúc của Sammer cùng dàn ngôi sao nói trên, từ năm 2008 cho đến 2016 tuyển Đức chưa một lần bị loại trước bán kết World Cup và Euro, đỉnh cao là chức vô địch World Cup 2014. Đó là một tuyển Đức với lối chơi tấn công rực lửa, khác hẳn hình ảnh phòng ngự nhàm chán trong quá khứ.

Năm 2012, Sammer chuyển sang Bayern Munich (B.M) để khởi đầu cho một sứ mệnh tương tự. Cũng chẳng khác nhau là bao bởi hơn một nửa số trụ cột tuyển Đức thuộc biên chế "hùm xám". Sammer mang tiếp về một số cái tên như Javi Martinez, Mario Mandzukic và giúp B.M có một giai đoạn thành công rực rỡ kéo dài khoảng 3 năm.

Những cây đũa thần trong bóng đá - Ảnh 2.

Những thương vụ thành công của GĐKT Michael Zorc - Đồ họa: M.TÁNH

Luôn là những cựu danh thủ

Tương tự Đức, LĐBĐ Tây Ban Nha năm 2007 cũng trao chức vụ GĐKT vào tay cựu danh thủ Fernando Hierro. Không thể phủ nhận, cựu trung vệ huyền thoại của Real Madrid đóng một vai trò quan trọng trong kỷ nguyên thống trị 2008-2012 của bóng đá Tây Ban Nha. 

Không quá nổi bật với công việc đào tạo trẻ như Sammer, nhưng Hierro là người có tiếng nói quan trọng giúp kết nối hai nhóm cầu thủ Real Madrid - Barca vốn thường căm ghét nhau trong đội tuyển.

Ở các CLB, xu hướng lựa chọn những cựu danh thủ cho vị trí GĐKT cũng tương tự. Khi nói về lò đào tạo La Masia trứ danh, người ta thường nhắc đến Pep Guardiola. 

Sự thật, Pep chỉ là người sử dụng những "sản phẩm" của La Masia (trước đó ông có huấn luyện đội trẻ Barca, nhưng chỉ trong một năm), còn người góp vai trò quan trọng tạo ra những Messi, Sergio Busquets, Pedro... lại là Txiki Begiristain.

Từng là một tiền vệ chạy cánh rất được yêu mến trong 7 năm thi đấu ở sân Nou Camp, Begiristain được mời về vị trí GĐKT của Barca vào năm 2003. Begiristain góp tiếng nói quan trọng trong xu hướng sử dụng các cầu thủ từ lò La Masia của Pep Guardiola sau này. 

Sau khi chủ tịch Joan Laporte rời đội bóng vào năm 2010, ông Begiristain cũng ra đi và đến làm việc cho Manchester City với chức danh tương tự. HLV Guardiola từng nói ông đến Manchester City vì Begiristain. Điều này cho thấy tầm quan trọng của GĐKT Begiristain.

Còn La Masia? Có thể thấy sau khi Begiristain ra đi, suốt 10 năm qua, lò đào tạo này không còn trình làng những cầu thủ trẻ tài năng như lứa của Messi.

Những cây đũa thần trong bóng đá - Ảnh 3.

Begiristain (trái) - người góp công gầy dựng thương hiệu cho La Masia - Ảnh: REUTERS

Những cây đũa thần trong bóng đá - Ảnh 4.

Monchi, cựu GĐKT CLB Sevilla

Những nhà kinh doanh đáng nể

Các GĐKT thường khởi nghiệp với CLB mà họ thành công nhất khi còn thi đấu. Monchi (CLB Sevilla) và Michael Zorc (CLB Dortmund) là hai trường hợp điển hình. Dù sự nghiệp của cả hai chỉ đủ để các CĐV nhớ đến tên tuổi nhưng trong vai trò GĐKT, họ chính là những "ông chủ".

Trong 16 năm đảm nhiệm vị trí GĐKT cho Sevilla, Monchi xây dựng nên một hệ thống tuyển trạch viên với khoảng 700 người. Đội ngũ này đã mang về cho CLB vô số cầu thủ trẻ tiềm năng và sau đó chuyển nhượng họ với giá cực cao. Ước tính Monchi đã tạo ra khoản lợi nhuận hơn 200 triệu euro cho Sevilla.

Tương tự, Zorc là người mang về cho Dortmund những Mats Hummels, Ilkay Gündogan, Aubameyang, Ousmane Dembele từ khi họ còn trẻ.

Top 10 HLV có thu nhập cao nhất thế giới Top 10 HLV có thu nhập cao nhất thế giới

TTO - Theo công bố mới nhất của tạp chí France Football, HLV Diego Simeone (Atletico Madrid) vẫn là người nhận thù lao hậu hĩnh nhất trong năm 2020.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp