Nguyễn Thiện Chí (11 - Đồng Tháp) trong trận gặp XM Fico Tây Ninh ở giải hạng nhất quốc gia 2019 - Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Gia đình của các Đồng Tháp phần lớn đều nghèo. Vì thế, những đồng tiền từ bóng đá mà con trai kiếm được quả thật đã giúp đỡ cho họ nhiều. Đó cũng là điều mà chúng tôi có thể thấy được khi tìm đến nhà một số cầu thủ Đồng Tháp trong hai ngày cuối tuần qua.
Niềm tự hào của người cha
Hôm chúng tôi đến, ông Nguyễn Chí Thiện (48 tuổi) khá bận rộn khi vừa nói chuyện vừa ra khám cho một cậu bé bị rạn xương bàn tay do va chạm trong lúc tập võ. Khám và bóp thuốc chữa trật tay chân chỉ là một trong những nghề mà ông trải qua sau một loạt công việc như làm ruộng, chạy xe ôm, giao men nấu rượu.
Nhưng nghề gì nghề, bóng đá vẫn là niềm đam mê số một. Như khi còn làm ruộng, ông vừa xịt thuốc sâu trên ruộng vừa nghe radio tường thuật các trận đấu của đội Đồng Tháp năm 1995, năm mà Chí ra đời.
Và hành trình của cậu con trai Nguyễn Thiện Chí - một trong những trụ cột của CLB Đồng Tháp hiện tại - vẫn được ông dõi theo bằng tất cả sự tự hào. Trong đó có cả cuốn sổ tay Đời cầu thủ Nguyễn Thiện Chí mà ông cẩn thận ghi lại cụ thể ngày cậu con trai chập chững với trái bóng (tháng 2-2002), đá những trận nào và ghi bao nhiêu bàn thắng cho đến tận năm 15 tuổi.
Cùng với đó là vài trang báo cũ viết về Thiện Chí được ông cắt ra và dán vào sổ.
Tốn công sức và tiền bạc không ít để theo niềm đam mê của con từ khi còn nhỏ, nhưng ông Thiện cho rằng nó hoàn toàn xứng đáng. Ông chia sẻ: "Tôi nhận lại gấp trăm lần những tốn kém mà tôi bỏ ra. Đi đâu, tôi cũng được người ta chỉ trỏ ba của Thiện Chí kìa, khen cháu đá hay, khiến tôi hãnh diện thật sự. Còn tu bổ nhà cửa, mua sắm vật dụng trong nhà thì đều một tay Chí lo liệu.
Nó là đứa biết nghĩ đến gia đình ngay từ khi còn nhỏ. Như chuyến thi đấu giải U13 các tỉnh miền Trung, tiền bạc không có bao nhiêu, nó cũng mua trà cung đình Huế, rượu Bàu Đá Bình Định về tặng ông nội khiến ông ứa nước mắt".
Mẹ Chí thức khuya dậy sớm làm bánh hỏi, bánh ướt, bánh tầm bì để bán ở chợ gần nhà. Thu nhập cũng không nhiều. Em gái thì đang học năm hai đại học. Vì thế, căn nhà gia đình Chí ở tại phường 6, thành phố Cao Lãnh cũng khá bình thường nhưng khang trang hơn từ khi có sự giúp đỡ của cậu con trai trong gần hai năm qua.
Cứ từng chút một, Chí bỏ ra tổng cộng hơn trăm triệu đồng làm bờ kè sau nhà cho không còn bị sạt lở, lót lại gạch men khoảnh sân trước nhà, mua sắm tivi, máy giặt, xe tay ga cho gia đình, chưa kể hằng tháng anh trích một khoản tiền gửi cho mẹ. Lãnh đạo CLB vừa tạm ứng cho Thiện Chí khoản tiền kha khá để anh tổ chức lễ thành hôn vào ngày 22-7 tới.
Ông Nguyễn Chí Thiện - ba của Thiện Chí - thăm hỏi chấn thương của một bệnh nhân bị rạn xương bàn tay tại nhà - Ảnh: N.K.
Trụ cột kinh tế của cả gia đình
Hậu vệ phải Nguyễn Đồng Tháp (24 tuổi) là con út trong gia đình vốn đã có hai chị gái. Vì thế, ngày Đồng Tháp chào đời, ông Nguyễn Văn Đồng (60 tuổi) mừng khôn tả. Vốn mê bóng đá và đội bóng tỉnh nhà, ông đặt tên con luôn là Đồng Tháp - điều khiến ông phải chờ đến một tuần sau mới được cấp giấy khai sinh cho con, vì tên trùng với địa danh phải chờ phường hỏi ý kiến.
Nhà của Đồng Tháp ở kênh Ông Kho, phường 11, thành phố Cao Lãnh, cách trung tâm khoảng 11km. Căn nhà mới xây xong chưa tròn năm tốn khoảng 300 triệu đồng từ tiền dành dụm đá bóng của Đồng Tháp. Trước đó, ít ai biết nó là căn nhà vách đất lợp tôn mà mỗi lần mưa to gió lớn là ướt trên dột dưới không ít.
Ba mẹ Đồng Tháp nghèo đúng nghĩa. Ba thì nuôi bò, bốc vác. Lớn tuổi, không còn sức khỏe, ông ở nhà một thời gian trước khi vào làm công nhân chăm sóc cây xanh cho một công ty, lương tháng chỉ hơn 3 triệu.
Mẹ - bà Nguyễn Thị Kim Hường (56 tuổi) bán hàng bông, quét chợ, bó chổi mướn, thậm chí đi lượm củi và chai nhựa để bán. Nhưng bà bệnh nhiều, hết bệnh hở van tim, thiếu máu não thì chuyển sang thoái hóa cột sống, phải đi viện chạy điện liên tục.
Công việc quét chợ chỉ diễn ra khoảng hai tiếng khi chợ tan vào buổi chiều, tiền công chỉ được 20.000 đồng/giờ. Nhưng căn bệnh thoái hóa cột sống khiến bà không thể tiếp tục công việc này và chuyển sang bó chổi mướn. Ngày nào không bị đau nhức thì bà bó được 3-4 cây, tiền công 15.000 đồng/cây.
Thu nhập đó từ hai vợ chồng già chỉ đủ để trang trải chuyện ăn uống, chi tiêu hằng ngày, nên những chi tiêu lớn trong gia đình đều trông chờ vào cậu con trai duy nhất. Bà kể: "Đồng Tháp ngoan lắm, nó không biết xài tiền. Cứ cắc ca cắc củm để dành, đến tháng là gửi tiền cho tôi chứ chẳng cần phải nhắc".
Mái ấm của Bạch Đăng Khoa
Đăng Khoa (phải) là một trong những trụ cột của đội Đồng Tháp - Ảnh: NG.KHÔI
Nhà ba mẹ tiền vệ Bạch Đăng Khoa (26 tuổi) khá nghèo. Khoa lấy vợ năm 2016 và hiện đã có một cô con gái 2 tuổi. Tiền dành dụm được, vợ chồng Khoa mở tiệm trang điểm và cho thuê áo cưới nhỏ tại nhà. Thu nhập không cao vì ít khách, nên nguồn thu chính cũng vẫn chờ từ tiền đá bóng của Khoa.
Sẽ giải quyết dứt điểm trước ngày 30-7
Giải thích về việc các cầu thủ Đồng Tháp "đình công" vài buổi tập hôm đầu tuần trước vì bị nợ tiền thưởng 5 trận thắng ở Giải hạng nhất 2019 và tiền lót tay quá lâu, phó giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá Đồng Tháp - ông Tống Văn Lâm - chia sẻ: "Chúng tôi chỉ nợ tiền thưởng hai trận thắng do chờ đợi giấy tờ liên quan, thủ tục để giải ngân và đã được chuyển cho đội hôm 6-7. Còn tiền lót tay còn nợ khoảng 6-7 cầu thủ, chúng tôi đã hứa sẽ chuyển trả hết trước 30-7".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận