Sau đó họ mau chóng trở thành những cây đại thụ trong nghề, làm rạng danh nền học thuật nước ta và đào tạo được nhiều học trò thành đạt. Đó là những giáo sư: Lê Trí Viễn, Đinh Gia Khánh, Trần Đình Hượu, Bùi Văn Nguyên, Lê Đình Kỵ, Hoàng Như Mai... Chúng ta có thể kể ra đây một danh sách dài hơn nữa, đấy là chưa kể đến những “cây đại thụ” của Viện đại học Sài Gòn, Viện đại học Huế trước năm 1975.
Các giáo sư ấy đã lần lượt ra đi. Sự ra đi của các thầy để lại một khoảng trống lớn khó lấp đầy được. Nghề dạy văn ở các thầy sao mà mênh mông, sâu thẳm, sao mà thú vị và sang trọng thế! Trong khi đó chúng ta đang đối diện với những vấn nạn: học sinh sợ văn, học sinh chán văn. Tại sao đến nông nỗi ấy? Phải chăng cách đào tạo, cách học, cách thi cử của chúng ta quá khác các thầy?
Môn văn của các thầy là niềm say mê, còn chúng ta là gánh nặng và phương tiện? Môn văn của các thầy là khám phá những tri thức mới mẻ, còn chúng ta thì nhai lại và học thuộc lòng văn mẫu? Môn văn của các thầy là học làm người và truyền cảm hứng cho người khác, còn chúng ta thì học để thi? Các thầy chấm thi là để tìm tài năng, tìm tấm lòng, còn chúng ta thì đếm ý theo một đáp án khuôn mẫu cốt lấy điểm cao mà không cần sáng tạo? Thế thì làm sao học trò chẳng chán môn văn và quay lưng lại với chúng ta?
Nhưng chẳng lẽ tôi đang tâm quy kết trách nhiệm đối với hàng chục, hàng trăm ngàn giáo viên hằng ngày vừa phải khản cổ dạy học trò, vừa mệt nhoài vì bệnh thành tích mà phải nhận đồng lương không đủ sống sao? Tất nhiên là không! Thế thì trách nhiệm ở đâu? Tôi cho rằng trách nhiệm ở nền giáo dục của chúng ta. Nền giáo dục của chúng ta đang vận hành với nhiều căn bệnh trầm kha: bệnh thành tích, bệnh giả dối, bệnh phản khoa học, bệnh lười thay đổi...Chúng ta đang trả giá cho một chính sách ngợi ca ngành giáo dục về ngôn từ còn bạc đãi về chính sách (giáo viên là “kỹ sư tâm hồn” nhưng thực chất thì “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”). Chúng ta đang phát triển một nền giáo dục đại học giá rẻ mà không có chính sách ưu đãi thỏa đáng, khiến cho các trường phải chạy đôn chạy đáo “quảng canh” hạ thấp chất lượng. Về môn văn thì nó đã được vận hành, càng ngày càng xa mục đích của bản thân nó. Những thầy cô nào làm cho học trò yêu thích môn văn có khi lại bị tẩy chay vì dạy không theo văn mẫu!
Nghĩ đến các thầy, chúng ta càng băn khoăn: Nền giáo dục nào đã tạo ra các thầy? Không gian văn hóa nào đã truyền cảm hứng cho các thầy tận tâm với nghề và với học trò như thế?
Thế hệ các thầy là thế hệ vàng của trí thức Việt Nam. Sao thời của các thầy sinh ra nhiều người tài thế? Sao thời của các thầy nhiều người tài được trọng dụng thế? Sao thời của các thầy nhân tài trẻ như thế? Văn Cao (1923-1995) viết Tiến quân ca năm 22 tuổi, Lưu Hữu Phước (1921-1989) viết Tiếng gọi thanh niên năm 21 tuổi, Nguyễn Đình Thi (1924-2003) làm tổng thư ký Hội Văn nghệ cứu quốc năm 23 tuổi, Nguyễn Văn Huyên (1908-1975) làm bộ trưởng giáo dục lúc 38 tuổi, Cù Huy Cận làm bộ trưởng canh nông lúc 26 tuổi, Võ Nguyên Giáp làm thứ trưởng Bộ Quốc phòng lúc 34 tuổi... Thế mà làm đâu ra đó, đem lại niềm tự hào cho quốc dân và giúp cho đất nước vẻ vang khắp thế giới năm châu! Chúng ta không bi quan, vì nước ta “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có” như Nguyễn Trãi đã đúc kết, nhưng làm thế nào để cho một thế hệ vàng mới của trí thức Việt Nam như thời của thầy Mai lại xuất hiện để chấn hưng nền giáo dục nước ta, làm vẻ vang đất nước ta?
Đó là những câu hỏi gây nhức nhối, đã bật ra khi chứng kiến từng người thầy của thế hệ trí thức vàng Việt Nam lần lượt ra đi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận