Thí sinh và phụ huynh đến nhận giấy báo trúng tuyển tại trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Trong năm qua, câu chuyện điểm chuẩn ngành sư phạm được tranh luận, mổ xẻ nhiều nhất - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tự học ở nhà nên chăng?
Câu chuyện của hai anh em Đặng Thái Anh và Đặng Nhật Anh ở Q.Tân Bình, TP.HCM tự học ở nhà khiến nhiều phụ huynh và nhà giáo dục quan tâm, tranh luận không ngớt.
"Tôi cảm thấy quá mệt mỏi với việc học hành của con ở trường. Cả hai con trai tôi đều học tiểu học, trung học ở trường công lập. Có nhiều điều bất cập trong nhà trường mà bản thân là một nhà giáo, tôi cảm thấy rất bức xúc và bế tắc", chị Lê Thị Thanh, mẹ của hai em, chia sẻ.
Rất nhiều ý kiến đồng tình với chị: "Tôi đồng tình, tôi cũng không cho con ôn thi chuyển cấp ở trường, không cho con học thêm các thầy cô trên trường"; "Tự học ở nước ngoài phổ biến. Tôi nghĩ Việt Nam mình cũng nên khuyến khích"...
Nhưng cũng có không ít người nghĩ ngược lại: "Hay thì có hay, chỉ sợ sau này các em thiếu kỹ năng sống vì ít giao tiếp với xã hội"; "Sẽ vô cùng nguy hiểm khi hình thành thói quen hoặc tư duy một mình làm hết mọi việc, điều đó sẽ làm mất đi tính tập thể, đồng đội"...
Nhân câu chuyện này, nhiều bạn đọc đề nghị Bộ Giáo dục-đào tạo xem lại chương trình giáo dục hiện tại vì học sinh học hành quá tải, các thầy cô thì giao quá nhiều bài về nhà.
"Bộ trưởng Bộ Giáo dục và các thứ trưởng cần xem lại cách giảng dạy và chương trình giảng dạy của Việt Nam, mấy chục năm nay kinh phí chính phủ dành cho ngành giáo dục rất lớn nhưng kết quả thu không được bao nhiêu.
Chương trình học, sách giáo khoa, dụng cụ học tập, dụng cụ giảng dạy...độc quyền, bị lợi ích nhóm thao túng nên nền giáo dục tụt hậu xa so với các nước trên thế giới. Học thì nhiều, chương trình nặng nhưng không áp dụng vào thực tế được", bạn đọc Thanh Cường viết.
Đề xuất sửa 'Tiếng Việt' thành 'Tiếq Việt'
PSG-TS Bùi Hiền đề xuất bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Theo đề xuất này, từ 'Tiếng Việt' sẽ được viết thành 'Tiếq Việt', 'giáo dục' thành 'záo zụk'...
Đề xuất này khiến truyền thông và cộng đồng dậy sóng. Đa số không đồng tình với đề xuất của ông Bùi Hiền, nhưng cũng có không ít ý kiến tán thành vì dễ nhớ, gọn hơn cách viết cũ…
Các nhà ngôn ngữ học cho rằng không nên thay đổi vì chữ viết liên quan tới văn hóa, lịch sử và nhiều vấn đề khác. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định Chính phủ và Bộ GD-ĐT chưa có chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ.
Dù vậy, đề xuất sửa 'Tiếng Việt' thành 'Tiếq Việt' vẫn là đề tài bàn luận của nhiều người. Nhiều cư dân mạng còn thi nhau dùng thử cách viết của ông Bùi Hiền và tỏ ra thích thú...
Điểm chuẩn sư phạm tụt dốc và đề xuất bỏ miễn học phí sư phạm
Kỳ tuyển sinh 2017, nhiều trường cao đẳng sư phạm địa phương có chỉ 10 điểm/3 môn khiến dư luận lo lắng, đề nghị ngành giáo dục phải tìm cách chấn chỉnh.
Tuy nhiên, tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 đối với các cơ sở ĐH, trường sư phạm diễn ra ngày 11-8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng không thể nói "điểm đầu vào sư phạm tụt dốc thảm hại" vì vẫn có những ngành, trường sư phạm lấy điểm chuẩn cao.
Nhiều bạn đọc không đồng tình với nhận định của Bộ trưởng, đồng thời chỉ ra những nguyên nhân khiến điểm chuẩn sư phạm "chạm đáy": do tỉnh nào cũng có trường sư phạm, trường nào cũng cố vơ vét sinh viên dẫn đến điểm đầu vào thấp. Ngoài ra còn do lương giáo viên thấp và lãnh đạo ngành Bộ GD-ĐT chưa nhìn thẳng vào thực tế...
Tiếp đó, đề xuất bỏ miễn học phí sư phạm thu hút nhiều ý kiến tranh luận của các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục, giáo viên, phụ huynh... Nhiều ý kiến cho rằng chính sách miễn học phí đã không còn là yếu tố thu hút sinh viên vào sư phạm, việc cần làm là giải quyết đầu ra cho sinh viên sau khi ra trường.
Nhiều sinh viên, phụ huynh khẳng định học phí không quyết định việc họ chọn học ngành sư phạm...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận