15/08/2012 10:32 GMT+7

Những câu chuyện về đêm

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - Người khiếm thị đang gặp những khó khăn gì trong cuộc sống, họ cần được giúp những gì thiết thực nhất? Cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên tư vấn tâm lý cho người khiếm thị của mái ấm Nhật Hồng (Q,Bình Thạnh, TP.HCM) gợi lên nhiều điều đáng suy nghĩ.

0LAqqU9w.jpgPhóng to
Anh Nguyễn Mạnh Hùng (trái) hướng dẫn chơi cờ vua tại một mái ấm dành cho người khiếm thị - Ảnh tư liệu

Học để mở tầm nhìn

“Bằng mắt, bạn chỉ có thể thấy trong phạm vi không gian nhất định. Bằng tư duy, bạn thấy những điều sâu rộng hơn” - chuyên viên tư vấn tâm lý cho người khiếm thị Nguyễn Mạnh Hùng vừa nói vừa tự tin ngồi vào bàn khởi động máy tính. Anh thoăn thoắt lướt tay trên bàn phím, mở từng file ảnh đám cưới cho tôi xem. Nhờ chương trình hỗ trợ đọc màn hình máy tính, Hùng có thể nhận biết mã số từng bức ảnh hiện diện trên màn hình, từ đó “đọc” luôn nội dung bức ảnh.

“Bà xã tôi đó, cũng là người đồng cảnh ngộ như tôi. Cô ấy đang học thêm văn bằng 2 khoa tiếng Anh, sau khi tốt nghiệp ngữ văn tại ĐH Sư phạm TP.HCM” - Hùng chỉ vào bức ảnh (mang số thứ tự 0050) nói. Rồi anh vào mạng mở một bài viết có tiêu đề: Kỳ thủ Nguyễn Mạnh Hùng lên đường tham dự Para Games, kể thêm: “Không phải khoe thành tích đâu nhé, vì ở giải này tôi thua thảm hại, thiếu điều muốn bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng bù lại chuyến du đấu đã cho tôi một bài học lớn về tinh thần vượt khó, giúp tôi “thấy” thêm một điều hay”.

Đó là vào khoảng đầu năm 2008, lần đầu tiên anh được khoác áo đội tuyển cờ vua quốc gia tham dự Para Games (Hội thao khuyết tật Đông Nam Á) tại Thái Lan. Bước vào đấu trường quốc tế, anh mang theo một niềm tin và khí thế hừng hực của tuổi trẻ, nhưng do thiếu kinh nghiệm thi đấu đã thua trắng hai ván liền. Hi vọng chạm tay vào chiếc huy chương đồng dường như cũng quá xa vời.

“Khi ấy, nỗi thất vọng tràn trề đã nhấn chìm tinh thần và ý chí bản thân. Tôi định hôm sau sẽ buông xuôi và bỏ cuộc vì nghĩ rằng có cố gắng mấy cũng chẳng thay đổi được gì. Đúng lúc đó, thầy Nguyễn Phước Trung, lãnh đạo đoàn, đã xuất hiện. Thầy rủ tôi đi dạo cả buổi tối, vừa đi thầy vừa khích lệ, động viên, truyền cho tôi tinh thần, trách nhiệm đối với màu cờ sắc áo. Thầy đã giúp tôi nhận ra được thế nào là bản lĩnh của một con người thông qua các ván đấu. Chuyến đi đặc biệt này và những lời động viên của thầy đã cho tôi một bài học, giúp mở rộng tâm hồn, loại bỏ dần những tự ti, mặc cảm trong tôi”- Hùng tâm sự.

Bị khiếm thị từ năm 11 tuổi khi đang học lớp 5, Hùng (sinh năm1983) phải bỏ dở việc học tại ngôi trường cạnh nhà (P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) để quay lại từ đầu với chương trình dành riêng cho người khiếm thị. Học xong tiểu học tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, anh tiếp tục trở lại học hòa nhập bậc trung học với người sáng mắt.

Sau khi tốt nghiệp THPT (2003), Hùng đã trở thành một trong những sinh viên khiếm thị đầu tiên của khoa xã hội học ĐH Văn Hiến (TP.HCM). Sau bốn năm miệt mài học tập như một sinh viên sáng mắt, được cầm trên tay tấm bằng đại học, Nguyễn Mạnh Hùng lại tiếp tục lao vào ôn luyện tiếng Anh để dự thi hệ cao học ngành tâm lý học ĐH Sư phạm TP.HCM, với ước mơ sau này mở một trung tâm nghiên cứu và trợ giúp tâm lý cho người khiếm thị.

Những câu chuyện về đêm

Hai năm qua, vừa theo đuổi chương trình cao học, Nguyễn Mạnh Hùng vừa nhận lời phụ trách “đường dây nóng” của mái ấm Nhật Hồng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), chuyên tư vấn tâm lý cho người khiếm thị. Đi đâu, làm gì anh cũng mang bên mình hai chiếc điện thoại, một để liên lạc với bạn bè, người thân, chiếc còn lại để tư vấn cho khách khi họ gọi tới.

Do đặc thù công việc, điện thoại hay đổ chuông vào ban đêm, có khi khách dùng điện thoại khuyến mãi tâm sự hàng giờ, hết người này tới người khác khiến anh không còn thời gian dành riêng cho gia đình. Bù lại, qua trò chuyện với khách hàng đã giúp anh hiểu thêm về người khiếm thị, nhất là những nhu cầu về học tập và việc làm.

“Tại TP.HCM đã có một số trường, cơ sở dạy nghề cho người khiếm thị nhưng vẫn còn thiếu, chưa đa dạng và mức độ xã hội hóa chưa cao. Nhiều phụ huynh tâm sự với tôi họ có con em khiếm thị nhưng không biết cho đi học ở đâu để sau này lớn lên có thể tự lo cho bản thân. Không có nhiều cơ hội để học tập thì người khiếm thị rất khó tìm được việc làm. Trong khi đó, ngay cả bộ phận sinh viên học sinh khiếm thị đã tốt nghiệp THPT, thậm chí đã học xong hệ cao đẳng, đại học các chuyên ngành giáo dục đặc biệt, xã hội học, công nghệ thông tin... ở ngay địa bàn TP cũng rất vất vả tìm việc vì không lọt qua được khâu phỏng vấn trực tiếp khi xin việc. Người khiếm thị trình độ văn hóa, chuyên môn thấp khó tìm việc làm đã đành, nhưng với những trường hợp được đào tạo bài bản thì các cơ quan, tổ chức cũng nên có cái nhìn công bằng, nhân văn trong tuyển dụng. Nếu xã hội quan tâm, dành những ưu tiên nhất định cho người khiếm thị thì tốt, còn không xin hãy đối xử với họ như người sáng mắt. Hãy tạo cơ hội cho họ được thể hiện, nếu thấy có khả năng, làm được việc thì nhận, không thì thôi”- Hùng cho biết đó cũng là ước muốn của nhiều người khiếm thị đã gọi tới “đường dây nóng” tâm sự với anh.

Ngoài mối quan tâm đó, Nguyễn Mạnh Hùng cho hay anh còn nhận được nhiều cuộc gọi nhờ tư vấn chuyện tình cảm. Hùng kể gần đây có một khách hàng nữ than phiền có người chồng khiếm thị luôn quanh quẩn trong nhà, không chịu giao du với người ngoài, không đi tìm việc làm phù hợp để đỡ đần gánh nặng cho gia đình. Trong khi đó chị là người sáng mắt, trước đây cũng đã có người ngấp nghé nhưng chị đã kiên quyết chọn anh, dù bị gia đình và bạn bè ngăn cản quyết liệt. Chị tâm sự trước khi đưa ra quyết định ly hôn, muốn nhờ chuyên gia tư vấn thử tiếp xúc, xem có “cải tạo” chồng giúp chị được không...

Trong khi đó, ở phía ngược lại - Hùng cho biết - cũng có không ít cuộc gọi của chị em khiếm thị nhờ cho lời khuyên có nên chấp nhận tình yêu của chàng trai sáng mắt. “Những câu chuyện tưởng chừng mang tính cá nhân này lại xuất phát từ điểm chung đáng được quan tâm là người khiếm thị chưa vượt qua được bức tường mặc cảm, tự ti với khiếm khuyết của bản thân. Muốn khắc phục chuyện này cần phải có thời gian và đòi hỏi sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình, bạn bè”- Hùng nói.

Nguyễn Mạnh Hùng cho biết anh đang hoàn chỉnh đề án mở trung tâm hỗ trợ người khiếm thị để kêu gọi các nguồn lực xã hội góp sức. “Đây sẽ là sân chơi miễn phí của người mù TP.HCM, với các loại hình vui chơi giải trí như: cờ vua, cờ tướng, bóng đá, bóng bàn, các loại hình âm nhạc...

Đặc biệt sẽ có công trình độc đáo tạm gọi là “phòng chứa bí mật”. Với thiết kế đặc biệt (xin giữ bí mật tới giờ phút cuối-Hùng nói), đây sẽ là nơi để người khiếm thị và người sáng mắt trút bỏ những tự ti, mặc cảm, những bức xúc, phiền toái trong cuộc sống hằng ngày để tự tin hòa nhập vào đời sống xã hội” - Hùng cho biết.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:

-------------------------------------------------

Đều đặn 2 lần/tuần với thời lượng 30 phút, chương trình phát thanh “Niềm tin ánh sáng” dành cho những người khiếm thị được phát trên kênh VOV Đài Tiếng nói VN.

Kỳ tới: “Niềm tin ánh sáng”

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp