* Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua tỉnh Bình Thuận ngập, không trạm dừng chân. Tuyến cao tốc này có khoảng 15.000 lượt xe qua lại, riêng ngày cuối tuần hơn 20.000 lượt.
Cao tốc được thiết kế bốn làn xe và hai làn dừng khẩn cấp với tốc độ tối đa 120km/h. Tổng vốn đầu tư hơn 12.570 tỉ đồng từ nguồn ngân sách.
Tuy nhiên, tuyến cao tốc này chỉ mới đưa vào sử dụng khoảng ba tháng đã xảy ra tình trạng ngập cục bộ do cống thoát nước không kịp, ô tô chết máy, trôi dạt xuống lề, ùn tắc...
Nhiều tài xế cho biết khi chạy trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây còn có nhiều đoạn bị mất sóng điện thoại, nếu xảy ra trường hợp khẩn cấp không biết phải xử trí ra sao.
Thậm chí có những đoạn cao tốc không thiết kế dải phân cách giữa. Nhiều điểm nguy hiểm trên cao tốc chưa bố trí hệ thống chiếu sáng, cảnh báo sạt lở đất đá...
* Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài khoảng 101km, vốn đầu tư khoảng 11.000 tỉ đồng) không có trạm dừng chân, khiến nhiều người gặp cảnh bi hài vì không có nơi giải quyết "nỗi buồn".
Người dân bất đắc dĩ phải tiểu tiện giữa đường, tài xế đường dài tấp vào làn khẩn cấp ngủ... gây nguy cơ tai nạn.
Dọc theo tuyến cao tốc này là hình ảnh lạ lùng của những bảng hiệu "nhà vệ sinh 0 đồng" do người dân tự dựng tạm bợ để giúp hành khách giải quyết "nỗi buồn".
* Tình trạng cao tốc có những vị trí không có sóng điện thoại cũng xảy ra trên nhiều tuyến cao tốc miền Trung dù cho các cao tốc này đưa vào khai thác đã lâu và đến nay vẫn chưa khắc phục. Đơn cử như đoạn cao tốc La Sơn - Túy Loan.
Tuyến này dài hơn 77km, điểm đầu từ nút giao thông La Sơn (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) tới Túy Loan (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).
Đoạn cao tốc này chỉ hai làn xe, đi qua nhiều vùng rừng núi do đó có hơn 8km không có sóng cho điện thoại di động.
Việc này không chỉ gây bất tiện cho tài xế mà khó khăn cho công tác cứu hộ cứu nạn nếu xảy ra sự cố.
* Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Lào Cai - Yên Bái (khoảng 100km) là hai trong nhiều tuyến cao tốc chỉ có hai làn xe, không có dải phân cách mà chỉ có vạch kẻ phân cách màu vàng trên mặt đường.
Hai tuyến cao tốc này được khai thác khá lâu nhưng đến nay việc mở rộng thêm làn đường hay lắp dải phân cách cứng vẫn chưa được triển khai.
* Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có bốn làn xe nhưng không có làn dừng khẩn cấp. Khi xe xảy ra sự cố, tài xế đành phải đậu xe giữa đường lưu thông của các xe khác.
* Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi nhiều chỗ không có hàng rào bảo vệ; người dân đi bộ, chạy xe máy đi làm đồng vô tư qua lại trên đường.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Ân:
Phải có làn khẩn cấp
Nhìn vào một số tuyến cao tốc đang khai thác có nhiều bất cập, do vậy sắp tới cần được điều chỉnh kịp thời.
Thứ nhất, quá trình lập dự án, duyệt dự án cao tốc tới đây phải yêu cầu có làn khẩn cấp để tránh mất an toàn giao thông khi đưa vào khai thác.
Thứ hai, với các dự án đang triển khai phải yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện toàn bộ dự án, công trình phụ trợ, chỉ thông xe khi mọi việc đã hoàn tất.
Thứ ba, để đảm bảo có nguồn lực xây dựng thêm nhiều tuyến cao tốc, cần phải sớm thông qua cơ chế thu phí các dự án do Nhà nước đầu tư, thực hiện theo phương châm "lấy cao tốc nuôi cao tốc".
Cuối cùng là lập và duyệt các dự án hệ thống giao thông thông minh, ưu tiên tuyến cao tốc nối liền mạch để đảm bảo kết nối đồng bộ.
Ông Hà Ngọc Trường (phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM):
Phải sớm khắc phục bất cập cho "thấp tốc"
Thời gian qua chúng ta đã đầu tư làm nhiều tuyến cao tốc mới đáp ứng nhu cầu đi lại, góp phần phát triển kinh tế. Nhưng bên cạnh những tin vui, chúng ta cũng phải nhìn về các bất cập để điều chỉnh.
Các bất cập đó là cao tốc chỉ có hai làn xe, cao tốc không có làn khẩn cấp, không có trạm dừng... Chính vì vậy một số tuyến mới làm đã quá tải, cao tốc trở thành "thấp tốc".
Do vậy, thời gian tới khi triển khai xây dựng các tuyến mới cần phải khắc phục được các nhược điểm. Với các tuyến đã khai thác, cần phải sớm lên kế hoạch bổ sung, khắc phục các bất cập nhằm đảm bảo an toàn và tiện lợi cho người dân.
TS Phạm Viết Thuận (viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường TP.HCM):
Ba giải pháp khắc phục ngập cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết
Tôi đã đến vị trí cống trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và thấy rằng nguyên nhân chính là lúc khảo sát, tư vấn thiết kế có thể không nắm rõ địa hình, thủy văn, lưu lượng nước lưu thông, từ đó tính toán thiết kế chưa phù hợp.
Để khắc phục vấn đề này, theo tôi, có ba giải pháp: một là nâng nền hoặc làm cầu, hai là sử dụng cầu bản bêtông cốt thép.
Tuy nhiên, biện pháp hữu hiệu và tiết kiệm nhất là đặt thêm hai cống hộp bổ sung. Bởi hiện nay một cống có lưu lượng thoát nước chỉ 180m3/giây, khi có ba cống lưu lượng nước thoát tăng lên 540m3/giây sẽ đảm bảo thoát nước ở lưu vực này.
Sau đó tổ chức nắn dòng hai bên hệ thống taluy dẫn nước sang vị trí khác để đảm bảo tiêu thoát. Giải pháp này thi công nhanh, đảm bảo về mặt kỹ thuật, kinh phí, thoát nước và đặc biệt hạn chế chuyện gián đoạn lưu thông trên cao tốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận