Ngọc Huyền lớn lên trong sự cưu mang của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thọ - Ảnh: MINH PHƯỢNG
"Ba mẹ con bỏ con đi rồi. Bây giờ con sống với ông bà" - Nguyễn Ngọc Huyền, học sinh lớp 3/8 buồn tủi.
Lớn lên bằng lòng tốt của người dưng
Người đàn ông nhỏ xíu, khắc khổ Nguyễn Văn Thọ (66 tuổi) là ông của Huyền. Khi người viết hỏi là ông ngoại hay ông nội, ông Thọ cho biết: "Tui không phải ông nội, cũng không phải ông ngoại. Tui chỉ là người giám hộ thôi!".
Mỗi ngày đi học về con học bài, tự học. Con quyết tâm học giỏi để làm ông bà vui, để mai mốt con bớt khổ cực"
Nguyễn Ngọc Huyền
"Hồi xưa tui nhận coi trẻ. Ba nó gửi nó cho tui trông. Sáng chở đến, tối rước và mỗi tháng trả cho tui 1 triệu. Giờ ba nó ở tù rồi, hổng có gửi tiền nữa nhưng tui vẫn nuôi chứ biết sao bây giờ!" - ông Thọ kể về hoàn cảnh éo le của Huyền.
Vợ chồng ông Thọ nuôi Huyền đến nay đã 5 năm. Huyền lớn lên trong vòng tay cưu mang của những người không máu mủ ruột rà như vậy. Huyền gọi ông Thọ lúc là bằng ba Tư, lúc là ông.
Mẹ bỏ đi lúc Huyền mới 4 tháng tuổi. Người cha làm nghề lái xe đơn độc gà trống nuôi con. Một lần lái xe, người ta phơi lúa nằm nghỉ ngay mé đường, anh tưởng là đụn rơm nên cán chết người và phải lãnh án 7 năm tù. Tan tác một gia đình nhỏ, người cha đi tù khi đứa con gái chưa tròn 3 tuổi.
"Đâu biết ai là ai, chính tui cũng không biết ba mẹ nó ngày sinh tháng đẻ sao, chỉ biết tên vậy thôi. Hồi đó giữ trẻ thì sáng ba nó chở vô, tối rước về. Đùng cái ba nó đi luôn. Nó ở đây quen rồi nên cũng chỉ biết ông bà thôi" - ông Thọ nhớ lại.
Huyền bảo em chẳng nhớ được mặt ba mẹ. Có nghe nói về ba nhưng từ đó đến nay cũng chưa được gặp, "nghe đâu ba bị giam ở Hàm Tân nhưng đâu có tiền mà đi thăm".
Ông Thọ cho biết Huyền còn bà nội nhưng bà nội đã già lắm nên chẳng nuôi nổi, ngoài ra không có họ hàng gì. Vợ chồng ông Thọ đều lớn tuổi. Hằng ngày, vợ ông nhận xỏ túi nilon, cứ 40 cái bao thì được 1.000 đồng.
Sáng Huyền đi học, chiều về em cùng bà xỏ bao để kiếm tiền, mỗi buổi kiếm được 4.000 - 5.000 đồng. Ông Thọ bị bệnh, sức khỏe yếu nhưng ai kêu gì làm nấy. Hai vợ chồng ông Thọ còn có người con gái 35 tuổi chưa lập gia đình.
Là hộ gia đình khó khăn ở địa phương nên cuộc sống vô cùng chật vật. Tiền trường đầu năm học của Huyền gần 1 triệu đồng nhưng đến giờ ông mới đóng được 400 nghìn. "Tui phải xin con gái lấy tiền phụ cho bé chứ hai vợ chồng già làm đâu có nổi", ông Thọ cho biết.
Lay lắt như vậy, Huyền đã được cưu mang bởi một người lạ đã 5 năm nay. Nhìn Huyền, ông Thọ xót xa: "Mong rằng tết năm nay hoặc 30-4 năm sau ba nó sẽ về nếu được ân xá, không thì phải đến 2-9. Nhưng giờ về cũng còn gì đâu, ba nó bán nhà để lo tiền đền bù cho người ta hết 200 triệu và phải đền cả chiếc xe nữa vì cán vô người ta rồi hết hồn, lách vô đụng vô một chiếc xe nữa".
Ông nội là chỗ dựa cuộc đời
Bích Tuyền ở với ông nội từ lúc 4 tuổi - Ảnh: MINH PHƯỢNG
Cũng không biết được niềm hạnh phúc khi có cha mẹ bên cạnh là trường hợp của Đặng Thụy Bích Tuyền. Dù đã học lớp 5 nhưng Tuyền chỉ được 20 kg. Cô học trò nhỏ cho biết em lên 3 tuổi thì cha mẹ thôi nhau.
Con nhớ ba con nhiều lắm. Hồi đó nhưng con nhỏ xíu nhưng vẫn nhớ. Thấy bạn bè có ba mẹ con buồn lắm nhưng đâu biết làm sao. Con giờ chỉ mong ông nội khỏe để sống với con."
Đặng Thụy Bích Tuyền
Sau đó mẹ lấy chồng khác, em ở với cha. Nhưng rồi tình thương của cha cũng không còn khi một năm sau đó cha Tuyền đột quỵ qua đời. Từ đó, Tuyền ở với ông nội và ông cố. "Tui nuôi nó từ hồi 4 tuổi đến giờ. Tui cũng ly dị vợ lâu rồi - ông Đặng Văn Hóa (60 tuổi) rưng rưng - Hằng ngày tui đi phụ hồ về nuôi nó".
Ông Hóa hiện là lao động chính trong nhà. Công việc phụ hồ bấp bênh, ngày mưa gió không ai kêu lại thất nghiệp. Ông trầm ngâm: "Tuần rồi kiếm được hơn 1 triệu, định để dành đóng tiền trường mà lại đến hẹn đóng tiền nhà nên chưa có đóng cho nó".
Tuyền thì hiểu ông cực khổ nên cũng không dám nhắc: "Thầy giáo có đọc tên con lên và nhắc con về nói ông nội đóng tiền. Con có nói với thầy là ông nội con đi làm hồ chưa có tiền". Hỏi bị nhắc có ngại không, cô bé bẽn lẽn: "Dạ có chứ, nhưng mới bị nhắc có một lần à".
Tuyền bảo em thích đi học lắm. Hồi nhỏ thì ông nội nhờ xe ôm chở đi học. Nhưng từ năm lớp 4, em đã tự đi xe đạp đến trường. Nắng nôi, đường xe đông đúc, cô học trò bé xíu xiu cứ cần mẫn cùng từng vòng quay của bánh xe để đến trường.
Không nhỏ xíu xiu mới lạ khi cô bé thật thà kể: "Ở nhà con ăn cơm với nước canh. Lúc nào có tiền thì ông nội mua thịt cho con ăn".
Từ ngày 24-7 đến 20-10, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng "", trị giá 3 triệu đồng/suất.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận