Ngày 8-4, PV Tuổi Trẻ quay lại dự án xây dựng sân bay Long Thành, giữa đại công trường cả ngàn héc ta xuất hiện một vài căn nhà còn sót lại chưa di dời.
Trong đó, một số căn nhà gần như lọt thỏm dưới hố sâu, xung quanh là đất nền san lấp cao hơn nóc nhà.
Sống giữa bụi công trường
Từ trụ sở ban điều hành dự án sân bay Long Thành, xe bán tải chở chúng tôi ra tuyến đường hương lộ 10 rồi dần đi vào con đường nội bộ sâu trong công trường. Dọc hai bên đường là hàng ngàn xe máy thi công và hàng ngàn công nhân đang hối hả thi công dự án san nền.
Tại khu vực ấp Suối Trầu 1, xã Bình Sơn (khu vực thu hồi đất cho dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1) hiện còn hai hộ dân sinh sống. Ngoài ra còn một số hộ dân khác đã ra ngoài sinh sống nhưng chưa chịu di dời nhà ở, giao mặt bằng.
Sống trong căn nhà của vợ cũ, ông Lê Minh Quang - một trong hai hộ dân đang sinh sống tại đây - cho biết cuộc sống gặp nhiều khó khăn, bụi bẩn do công trình bao quanh, đường sá xuống cấp. May mắn là còn điện, nước sinh hoạt.
Hằng ngày ông đi làm thuê làm mướn để kiếm thu nhập sinh sống. Theo ông Quang, trước đây gia đình ông có hai thửa đất với 600m2 đất ở, trong đó thửa đất có nhà đứng tên vợ. Năm 2021 vợ chồng ông ly hôn, vợ con ông được bồi thường, tái định cư và xây nhà ở ổn định.
Còn ông Quang đã nhận tiền bồi thường đất nhưng do không có nhà nên ông đang ở tạm tại nhà vợ cũ, đồng thời có đơn gửi chính quyền địa phương đề nghị giải quyết thêm một suất tái định cư đối với thửa đất bị thu hồi đứng tên ông.
"Vợ chồng tôi ly hôn, tôi không có nhà nên ở lại đây chờ giải quyết xong mới đi. Tôi mong muốn chính quyền giải quyết sớm, khi có đất tôi sẽ dỡ nhà ra đó làm nhà tiền chế trong lúc chờ xây nhà ở", ông Quang nói.
Cách nhà ông Quang không xa là ba căn nhà khác vẫn chưa di dời giao mặt bằng cho địa phương. Ngoài gia đình bà Hoàng Thị Thúy còn đang ở, hai căn nhà của ông Ngô Quang Hạnh và bà Đỗ Thị Yến gần như bị bức tường đất bao quanh cao hơn nóc nhà.
Theo ghi nhận, nhà ông Hạnh mở bung cửa, khắp căn nhà phủ một lớp bụi dày. Toàn bộ tài sản, dụng cụ sinh hoạt bên trong đã được dọn đi từ lâu, điện nước bị ngắt, không có ai ở.
Trong khi đó căn nhà cấp 4 của bà Yến kẹp giữa, chung vách với hai căn nhà của em trai và con gái. Sau khi em trai và con gái được bồi thường đã ra khu tái định cư xây nhà ở, bà Yến tiếp tục ở lại căn nhà của mình, đồng thời có đơn đề nghị được giải quyết tái định cư hộ phụ.
'Thuyết phục đến ngày cuối cùng'
Giải thích lý do các hộ dân chưa di dời, ông Dương Ngọc Đức - phó chủ tịch UBND xã Bình Sơn - cho biết: "Ở góc độ địa phương, xã và huyện đã phối hợp vận động người dân nhiều lần.
Trên cơ sở đơn kiến nghị và những vướng mắc của người dân, chúng tôi đã trình bày, giải thích kỹ nhưng các hộ dân này vẫn không chấp hành quy định về phương án bồi thường, tái định cư đã được tỉnh, huyện duyệt cụ thể, thông báo giữa các ngành rất nhiều lần. Tuy nhiên, các hộ dân có những đòi hỏi không chính đáng".
Điển hình như trường hợp hộ ông Lê Văn Thành và bà Hoàng Thị Thúy, theo phương án tái định cư của dự án của tỉnh đã được duyệt, tất cả người dân đều phải bốc thăm như nhau.
Trường hợp lô nhà vườn diện tích từ 250m2 trở lên, người dân sẽ có cơ hội bốc thăm được lô góc có diện tích lớn hơn, nhưng cũng có những người bốc thăm vào vị trí 250m2. Tuy nhiên, về cơ bản phù hợp với tinh thần của Đảng và Nhà nước bằng hoặc hơn chỗ cũ.
Những căn nhà 'cố thủ' ở công trường sân bay Long Thành
Đến thời điểm này người dân đều chấp hành tốt, riêng trường hợp ông Thành và bà Thúy là hai trường hợp có đề nghị phải được bốc thăm chỉ định lô đất vườn có diện tích 300m2. Điều này không phù hợp với phương án đã được duyệt.
"Căn cứ phương án của tỉnh, các ngành chức năng đã vận động rất nhiều lần, đến nay đã gửi thông báo bốc thăm lần năm. Tuy nhiên, người dân vẫn không chấp hành đi bốc thăm. Xã đã tổng hợp báo cáo lên cơ quan cấp trên để thực hiện các bước tiếp theo giải phóng mặt bằng theo quy định, không thể để chậm trễ dự án trọng điểm quốc gia", ông Đức khẳng định.
Với trường hợp ông Lê Minh Quang đề nghị giải quyết thêm một suất tái định cư, ông Đức cho rằng vợ chồng ông Quang ly hôn tháng 5-2021, sau thời điểm thông báo thu hồi đất (ngày 28-12-2018), tài sản chung đã xem xét tái định cư.
Trường hợp này xã và huyện đã vận động, giải thích "sau khi giải quyết cho toàn bộ người dân trong sân bay mới báo cáo tỉnh xem xét giải quyết đối với các trường hợp có nguyện vọng bố trí tái định cư". Thế nhưng, ông Quang vẫn chưa đồng thuận, đề nghị phải cho bốc thăm mới chịu di dời.
Còn với đề nghị giải quyết tái định cư thêm hộ phụ của bà Đỗ Thị Yến, chính quyền địa phương đối chiếu quy định không phù hợp.
Mặt khác, xét thấy bà Yến là hộ nghèo, ở tại địa phương từ 1975 đến nay và là mẹ đơn thân nên xã, huyện thống nhất báo tỉnh xem xét, có chính sách hỗ trợ khác đối với bà Yến bằng hình thức giao cho một suất đất ở tối thiểu trong khu tái định cư. Song hộ dân phải chấp hành đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Tiếp - chủ tịch UBND huyện Long Thành - cho hay chính quyền đã rất nhiều lần vận động, thuyết phục yêu cầu người dân ra khỏi đại công trường sân bay Long Thành, huyện cố gắng hỗ trợ đầy đủ các chính sách theo quy định pháp luật.
Trong thời gian tới, các ngành chức năng tiếp tục vận động người dân, trên tinh thần thuyết phục cho đến ngày cuối cùng, nếu vẫn không được sẽ tiến hành cưỡng chế các hộ dân này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận