Đây là dự thảo nghị định lần thứ 4 được đưa ra và gồm 5 chương, 25 điều.
Những cán bộ nào sẽ được khuyến khích bảo vệ?
Dự thảo quy định đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, viên chức quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập, người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự thảo nêu rõ các nguyên tắc, điều kiện khuyến khích, bảo vệ cán bộ là cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Trong đó khuyến khích, bảo vệ cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện trong phạm vi thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không trái quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan nhà nước cấp trên và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ phải được thực hiện kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, trình tự, thủ tục theo quy định tại nghị định này và pháp luật có liên quan.
Cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định tại dự thảo...
Dự thảo cũng dành một chương để quy định trình tự, thủ tục và phê duyệt đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ.
Khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm như thế nào?
Về chính sách khuyến khích cán bộ, dự thảo nêu rõ sẽ được tuyên dương, biểu dương trước tập thể cơ quan, đơn vị, được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng đối với những đề xuất được đánh giá là hoàn thành.
Được lấy làm căn cứ để đánh giá trước khi xếp loại, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động, luân chuyển theo hướng ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả cao.
Được đánh giá là có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ để xét nâng ngạch công chức; được xét nâng bậc lương trước thời hạn 12 tháng theo quy định của pháp luật đối với những đề xuất đổi mới, sáng tạo được đánh giá là hoàn thành.
Được động viên, khuyến khích bằng các hình thức khác phù hợp với quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Cán bộ, cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất, tùy trường hợp cụ thể được cơ quan sử dụng cán bộ bố trí kịp thời trang thiết bị, phương tiện làm việc, con người, kinh phí bảo đảm thực hiện đề xuất được phê duyệt.
Về biện pháp bảo vệ, theo dự thảo, cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo thuộc một số trường hợp sẽ không bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan.
Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra nhưng được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, đánh giá đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung sẽ được loại trừ trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan.
Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra và gây ra thiệt hại nhưng được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, đánh giá đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan.
Cơ quan và người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ quyết định cho phép thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo phải kịp thời xem xét, đánh giá kết quả thực hiện, xác định rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện đối với các trường hợp.
Dự thảo quy định biện pháp bảo vệ cơ quan, tổ chức, cá nhân, cùng với đó quy định về xử lý vi phạm.
Dự thảo cũng có riêng một chương quy định trách nhiệm của cán bộ, cơ quan trong đề xuất và thực hiện đề xuất. Cùng với đó là một chương về tổ chức thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận