20/05/2017 17:45 GMT+7

Những cảm hứng tai hại của cán bộ

ĐỒ BÌ
ĐỒ BÌ

TTO - Nhiều cán bộ của chúng ta có rất nhiều cảm hứng, có thể để lại những tác phẩm văn học nghệ thuật danh tiếng. Tiếc thay, họ tập trung cảm hứng đó vào kinh tế nên 'tác phẩm' của họ tạo ra các ép-phê ngược.

Tôi rất lấy làm tiếc khi nhiều cán bộ các bộ ngành, địa phương của chúng ta ít đi vào lãnh vực sáng tác âm nhạc, hội họa, thi ca. Họ có rất nhiều cảm hứng đột xuất, có thể sáng tạo và để lại cho đời sau những tác phẩm văn học nghệ thuật danh tiếng.

Tiếc thay, họ tập trung các cảm hứng đó vào lãnh vực kinh tế nên “tác phẩm” của họ tạo ra các ép-phê ngược. Triết học đời mới gọi đó là những cảm hứng tai hại.

Thông tin trung tuần tháng tư vừa qua cho biết trong hơn 10 năm qua, TP Đà Nẵng đã có cảm hứng bán rẻ những khu đất vàng cho tư nhân và đơn vị đầu tư nhà đất, gây ra thất thoát sơ sơ chỉ trên 4.000 tỉ đồng.

Với nguồn cảm hứng thích thì bán, những ngành chức năng quản lý nhà cửa, đất đai, công sản trình ủy ban kế hoạch bán rẻ; ngay đến đất trụ sở tòa án, trung tâm văn hóa cũng bán luôn.

Họ lại thơm thảo quy định nếu bên mua trả tiền một lần thì “bớt” cho 10% giá bán để kỷ niệm ngày chúng ta quen nhau. Đài VTV8 cho biết có một lô đất vàng bán giá 62 tỉ đồng; bên mua được bớt 6,2 tỉ đồng dù... trả tiền nhiều đợt. Xem vậy, ta mới thấy tinh thần nhơn đạo của các vị ở Đà Nẵng.

Nền văn hóa ấm chén vốn là sản phẩm giao tế thời bao cấp. Đi đến làm việc với vị lãnh đạo nào của cơ quan, ban ngành, đoàn thể, việc đầu tiên là chủ phải lấy bộ ấm chén ra... pha trà mời khách uống ba tuần. Màn uống trà đó mất cả tiếng đồng hồ, sau đó hai bên mới làm việc với nhau khoảng mươi phút.

Kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, tỉnh Vĩnh Phúc cương quyết phục hồi... văn hóa ấm chén. Niềm cảm hứng dạt dào đã giúp tỉnh mạnh tay chi 65 tỉ đồng mua ấm chén tặng các vị đại biểu và nhân dân toàn tỉnh.

Có thể nói dù Vĩnh Phúc chưa phát triển hơn nhiều tỉnh bạn nhưng văn hóa ấm chén của Vĩnh Phúc đã được nâng lên tầm mức đại trà; 62 tỉnh, thành phố còn lại đành chào thua.

Thích thì làm, không thích thì không làm là nguồn cảm hứng đột xuất tai hại của các vị lãnh đạo. Vụ cá nam của bà con ngư dân miền Trung bắt đầu từ 1-4 năm nay rất phấn khởi; thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ 10 hải lý cũng có thể kiếm được vài trăm triệu đồng mỗi đêm.

Trong khi đó, những thuyền công suất lớn được đóng mới hay sửa chữa từ vốn vay của nhà nước muốn ra khơi nhưng không dám đi, vẫn phải nằm bờ chịu trận. Tại sao vậy? Ngân hàng không chịu cho họ đóng bảo hiểm. Mà ngư dân thì không dám ra khơi khi thuyền bè không được bảo hiểm.

Nhà tâm phân học Sigmund Freud định nghĩa: “Quên là hành động ngấm ngầm phản đối”. Các vị lãnh đạo địa phương của chúng ta dù không bao giờ dám nghĩ đến hai chữ phản đối nhưng hội chứng quên của họ hình như khá nặng nề.

Từ ngày 1-3 năm nay, Chính phủ đã có chỉ thị các cơ quan nhà nước phải trả lại các xe sang mà doanh nghiệp gởi tặng. Ấy vậy nhưng tỉnh Đắk Lắk vẫn... nghiên cứu hết một tháng rưỡi mới nhớ ra họ được Ngân hàng Agribank tặng xe sang.

Trả lại xe tặng thật là một điều mất cảm hứng! Bây giờ, không chừng Đắk Lắk thích thì trả, không thích thì không trả (?).

Bạn để ý xem, cái cảm hứng tai hại thích thì làm không chỉ có trong tư duy của người lãnh đạo mà có trong cả những công chức, cán bộ cấp thừa hành nữa.

Buổi chiều thứ sáu, ông phó chủ tịch ủy ban xã đã ký hết mọi giấy tờ cho công dân nhưng cô thư ký lại bỏ con dấu trong hộc bàn, đi vắng. Biết làm sao được, chiều ấy lúc 4 giờ cô phải đi làm tóc; 5 giờ phải trang điểm chút đỉnh; 5 giờ 30 phải dự tiệc sinh nhật. Kế hoạch đã định; ai huỡn đâu ngồi đóng dấu giấy tờ cho mấy người? Tất cả phải chờ sang thứ hai; có khai tử, khai sinh hay kết hôn cũng phải chờ sang thứ hai.

Người ta đang cảm hứng mà làm mất hứng là không được!

ĐỒ BÌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục

    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp