Văn hóa chỉ ra phải làm gì để con người đừng trở nên tàn bạo. Lòng trắc ẩn sẽ giúp giảm cơn cuồng loạn
(giáo sư sử học và Đông phương học Nga Mikhail Piotrovsky)
Đỉnh cao và vực sâu
Đó là phóng sự điều tra của kênh truyền hình Chosun (Hàn Quốc) về phong trào người Hàn đi "du lịch ghép tạng". Các phóng viên Chosun phát hiện, trong thời gian từ năm 2014 đến 2016, trung bình mỗi năm có 1.000 người Hàn sang Trung Quốc ghép tạng.
"Công nghiệp" ghép tạng ở Trung Quốc phát đạt đến độ ở một nơi "mỗi ngày có thể có tới 8 ca ghép tạng, chỉ mất hai giờ đã có nội tạng tươi", nếu "trả thêm tiền thì sẽ sớm được nhận tạng" (thời gian chờ một quả thận ở Hàn là khoảng 3,5 năm)...
Khi phóng viên Chosun hỏi các quan chức nhà nước nguồn nội tạng, họ được biết là tạng lấy từ những bệnh nhân chết não, nhưng với câu hỏi vì sao có quá nhiều bệnh nhân chết não, họ không được phúc đáp. "Giết người để sống" là tên phóng sự điều tra này.
Tê liệt vì cái ác trong phóng sự đó, bạn lướt facebook thật nhanh như trốn chạy. Thế rồi, thật may mắn, bạn gặp một tin nhỏ, rất nhỏ, nhưng ấm áp. Một cô bạn Thổ Nhĩ Kỳ học ở Uppsala (Thụy Điển) kể phát hiện ngày mới của mình: trên đường đến trường của cô, ngang qua công viên Engelska, có một số cây bệnh phải bị đẵn đi.
Một cái cây dường như sắp cùng chung số phận, vì các cành của nó hôm trước đã bị tỉa hết rồi. Thế nhưng hôm nay cái cây vẫn còn đó, và cô phát hiện nguyên nhân: thân cây không bị hạ vì trên cây có những tổ chim gõ kiến.
Người ta muốn thuyết phục lũ chim bỏ tổ trước đã, nên làm những cái tổ giả đặt bên lối vào của tổ thật. Cô bình: "Đây là điều đáng yêu nhất tôi thấy hôm nay".
Cũng có thể đó sẽ là hình ảnh đáng yêu nhất mà bạn muốn giữ lại cho mình năm 2018.
Đấy là thế giới bạn đang sống. Nơi ai đó cho mình quyền giết người để duy trì mạng sống bản thân, nhưng cũng có ai đó trân trọng từng sinh linh của tự nhiên.
Giữa hai thái độ hành xử đó là khoảng cách rất lớn trong giống người từng được kiêu hãnh đặt tên là Homo Sapiens - giống người khôn ngoan. Vậy mà đến nay, trong bước dài tiến hóa của mình, dường như họ chưa thôi mông muội?
Tranh của Họa sĩ Áo Gerhard Haderer (nguồn: culturehook)
Sức mạnh tiềm tàng của mỗi quốc gia không nằm trong những con số biểu trưng cho sự phát triển kinh tế, mà là ở sự phát triển của các “hoạt động toán học, văn học, văn nghệ…” của quốc gia đó
(giáo sư Fujiwara Masahiko)
Nuôi dưỡng mỹ cảm thời hỗn độn
Bạo tàn và mông muội. Sao có thể gọi khác hơn một năm mà có nhà báo bị phanh thây ngay trong lãnh sự quán của đất nước mình, còn tại cuộc thi "hoa hậu Bum-Bum" xứ nọ, những ứng viên chung kết lu loa tố nhau ngay trên sân khấu mông ả nọ to nhờ bơm silicon!
Thật rác rưởi - bạn chép miệng. Nhưng cùng ngày, bạn lại nghe một kênh truyền hình nước nhà than thở sao Việt Nam giờ đây có quá nhiều cuộc thi hoa hậu. Và bạn từng thấy không ít những chương trình truyền hình thực tế, xa lạ với văn hóa đất nước, đã được Việt hóa format và du nhập, chiếu suốt ngày trên tivi trong nhà...
Một năm mà không ít lần bạn từng tự hỏi, ta để lại cho con mình một thế giới ra sao? Bạn nhớ một thuở chưa xa, khi những lằn ranh luân lý, đạo đức nhất định nào đó còn có thể vạch ra.
Nhà văn, giáo sư Nhật Fujiwara Masahiko, sau một thời gian dài sống và làm việc ở những xứ sở lý tính Âu Mỹ, trong cuốn sách nổi tiếng Phẩm cách quốc gia đã tỏ lòng biết ơn tổ tiên vì chuyện người Nhật đứng áp chót trong cuộc thi TOFEL ở châu Á.
Ông cho rằng để giáo dục một người Nhật tử tế, cái quan trọng không phải dạy tiếng Anh ngay từ cấp một, mà là dạy cảm xúc, tạo cho họ một "hình thức tinh thần như một hệ tọa độ": đó là đạo đức, tình yêu, sự thành thật, lòng nhẫn nại, chính nghĩa…
Chính cảm xúc, chứ không phải tiếng Anh, theo Masahiko, mới tạo ra những "người quốc tế" thật sự: những người khi ra thế giới được người khác thể hiện sự kính trọng với tư cách con người.
Nhưng làm cách nào giúp thế hệ trẻ tìm ra "tọa độ tinh thần" đó trong thời hỗn độn hiện nay? Hỗn độn đúng trong nghĩa đen: những thay đổi vũ bão mà công nghệ mang đến đã tạo ra khối lượng dữ liệu đồ sộ con người phải xử lý.
Nhà giáo dục Nga Andrey Maksimov thống kê, bình quân con người nhận được 3.000 thông báo mang tính quảng cáo mỗi ngày - bắt đầu từ quảng cáo trên truyền hình và kết thúc bằng quảng cáo trên đường phố.
3.000 lần mỗi ngày, những người trẻ chúng ta được dạy phải làm gì. Họ có kịp đánh giá đúng sai, cái gì cần và cái gì không?
Nên điều gì đến đã đến. Hai đồng tác giả của "Dữ liệu lớn" - Viktor Schonberger (người Áo) và Kenneth Cukier (người Mỹ) - phát hiện: "Là con người, chúng ta được định vị để đi tìm kiếm các nguyên nhân, mặc dù tìm kiếm quan hệ nhân quả thường rất khó khăn…
Trong thế giới dữ liệu lớn, ngược lại, con người sẽ không gắn chặt vào quan hệ nhân quả, thay vào đó, chúng ta khám phá các khuôn mẫu và mối tương quan để thu được những hiểu biết mới lạ…"
Hai nhà nghiên cứu nhận thấy: việc tăng khối lượng dữ liệu đồng thời đã mở cánh cửa cho sự thiếu chính xác, rằng con người hiện đại đang chấp nhận nới lỏng về tiêu chuẩn để đạt được nhiều dữ liệu hơn.
Bạn có quyền không đồng tình với kết luận này. Nhưng một thực tế không thể chối cãi là cứ cách vài ngày bạn lại được mời cập nhật những dữ liệu mới cho một ứng dụng nào đó trên chiếc smartphone của mình, trên trang facebook cá nhân, trên hộp thư điện tử riêng.
Mà nếu bạn liên tục nói không, đến lúc nào đó bạn sẽ trở thành người ngoài cuộc trên chính "mảnh đất" của mình… Không có chọn lựa khác, bạn đành nhập cuộc.
Năm 2007, truyền thông Anh từng khoái trá với sự trớ trêu rằng có hơn 30 camera giám sát trong phạm vi 200m của căn hộ tại London, nơi George Owell viết "1984"!
Văn hóa cứu thế giới
Tại Diễn đàn Valdai (một kiểu Davos kinh tế của Nga trong không gian Âu - Á) năm 2018, lần đầu tiên sau 14 năm, sự kiện quy tụ các nguyên thủ và CEO các nước để chuyên bàn chuyện làm ăn lại có hai bàn tròn văn hóa.
Với phương châm văn hóa như nền tảng cho chính trị và bản sắc quốc gia, tại hai bàn tròn, các diễn giả đặt vấn đề phải chăng con người hiện đại đang quay lại thời… Trung cổ: đó là những gì đang xảy ra ở Trung Đông, Syria, nơi người ta áp dụng những biện pháp chiến tranh như xây dựng pháo đài, giết nhau bằng hơi độc, trả tiền cho người đánh thuê, chẳng khác thời Thập tự chinh…
Các nhà văn thì than phiền Internet đã tạo ra những văn bản nổi trôi vô chủ (khuyết danh, hay từ những tài khoản giả), những văn bản bị sao chép "không ngưng nghỉ", hay tạo ra những người "nói luôn mồm" …chẳng khác văn học thời Trung cổ.
Trong thời buổi mà "số" chiếm ưu thế, từ các phương tiện kỹ thuật số đến dữ liệu lớn, các nhà tham luận cho rằng chỉ có văn hóa mới có thể cứu thế giới.
Văn hóa không thể đo bằng số, nhưng có thể đưa ra các công thức để khắc phục những vấn đề hiện nay của thế giới. "Văn hóa chỉ ra phải làm gì để con người đừng trở nên tàn bạo. Lòng trắc ẩn sẽ giúp giảm cơn cuồng loạn", giáo sư Sử học và Đông phương học Nga Mikhail Piotrovsky kết luận.
Tương tự Piotrovsky, giáo sư Fujiwara Masahiko cũng kêu gọi kêu gọi dạy cho giới trẻ lòng"trắc ẩn thay vì bình đẳng". Bởi theo ông, lô gic và lý tính cũng có giới hạn, và "nếu chỉ có lô gic thì thế giới sẽ phá sản".
Tác giả Phẩm cách quốc gia cho rằng sức mạnh tiềm tàng của mỗi quốc gia không nằm trong những con số biểu trưng cho sự phát triển kinh tế, mà là ở sự phát triển của các "hoạt động toán học, văn học, văn nghệ…" của quốc gia đó.
Bước vào năm 2019, chúng ta đã chuẩn bị gì vào những tháng ngày thông tin được đo tới đơn vị brontobyte (1 brontobyte có 27 chữ số 0 đứng sau chữ số 1)? Ta sẽ loay hoay chạy theo những brontobyte đó để trở thành những người có lô gic nhưng đánh mất năng lực cảm xúc?
Sẽ vẫn máy móc lướt nhanh, vào vô minh, không buồn phẫn nộ vì sao người ta "giết người để sống"? Hay ta sẽ tìm thấy thông điệp gì từ những cái tổ giả cho chim gõ kiến?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận