14/07/2024 10:37 GMT+7

Những cái ôm hóa giải ưu phiền

Thỉnh thoảng nhìn con, ba biết "có chuyện", thế là bổn cũ soạn lại mang ra xài: ôm con và nghe con nói.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

* Viết cho con gái trước khi con bước vào hành trình mới trên con đường học vấn

Ba còn nhớ như in buổi chiều hôm đó đến đón năm con gái học lớp 6. Khi con bước đến gần, ba nhận ra nỗi buồn in đậm trong mắt con. Chợt nhớ ra hôm đó có kết quả xếp loại học kỳ, ba đoán có lẽ kết quả không tốt. Ba ôm con thật chặt và nói "không sao đâu con", thế là nước mắt con tuôn ra.

Con gái kêu "ba" rồi khóc nức nở, ấm ức kể những chuyện phải gánh chịu dẫn đến kết quả học không tốt. Ba ôm chặt con, lắng nghe, thỉnh thoảng xoa đầu con và để yên cho con khóc. Khi con đã nguôi ngoai, hai cha con cùng ngồi bệt trên bậc thềm công viên, ba tiếp tục lắng nghe con tâm sự.

Một cái ôm đáng nhớ khác là ngày mẹ con sinh em năm con lên hai tuổi rưỡi. Ngay thời điểm em về đến nhà, con dựa lưng vào tường với vẻ mặt ngơ ngác, hoang mang nhìn vào phòng, nơi mọi người xúm xít lo cho em. Có lẽ trong con lúc đó tràn ngập cảm giác bị bỏ rơi. 

May là ba phát hiện ra và đến ôm con rồi dẫn con đi chơi, nếu lúc đó ba cũng bỏ quên con chắc con sẽ hụt hẫng lắm.

Suốt 12 năm học phổ thông, do học hệ song ngữ tiếng Pháp và lại không mạnh các môn tự nhiên toán, lý, hóa, sinh nên quá trình học của con khá "quằn" - nói theo cách của con, tức là vất vả. Năm lớp 6 khi thấy con quá cực nhọc với chương trình tiếng Pháp, ba mẹ đã định chuyển con ra lớp thường nhưng con từ chối, quyết tâm học tiếp không bỏ cuộc.

Trong suốt quá trình học đó, cứ thỉnh thoảng nhìn mặt con, nhìn mắt con là ba biết "có chuyện". Thế là bổn cũ soạn lại mang ra xài: ôm con và nghe con nói hay có khi chỉ để con khóc rồi sau đó tìm cách giải quyết. Cứ từng bước từng bước như vậy rồi con cũng vượt qua chặng phổ thông, lấy được bằng tú tài Pháp (BAC).

Nhưng chặng tiếp theo mới sóng gió hơn khi con vất vả trải qua các kỳ thi tiếng Pháp nâng cao. Dù có bằng BAC nhưng để đạt được chứng chỉ cần thiết để được nhận vào học ở đại học công lập Pháp thì con phải "luyện công" dữ dội và không phải một lần là đạt được. Cứ mỗi lần buồn vì kết quả chưa tốt là con lại ôm ba, ba lại xoa đầu con động viên.

Trước mỗi lần chuẩn bị ra khỏi nhà để đưa con đi thi chứng chỉ, ba lại ôm con động viên "sẽ đạt". Cuối cùng thì công sức của con đã có kết quả tốt, được nhận vào đại học công lập Côte D'Azur. Cái ôm đáng nhớ đầy tiếng cười là khi con cầm hộ chiếu bước ra với visa được cấp để sang Pháp du học.

Nhìn vẻ mặt con "đơ như cây cơ" khi bước ra ba hơi hoảng, nhưng khi bước đến chỗ ba con reo khẽ "đậu visa rồi ba ơi", hai cha con ôm nhau cười vui như tết. Đây là cái ôm mà cha con đều thấy vui và nhẹ nhõm khi đi xong một chặng đường.

Chưa đầy hai tháng nữa con gái lên đường nhập học, bắt đầu một hành trình mới và chắc chắn vất vả hơn khi ở quê nhà. Cố lên con nhé, vì sau cái ôm chia tay ở phi trường Tân Sơn Nhất, ba sẽ không thể ôm con như 19 năm qua. Nhưng ba mẹ tin rằng, con sẽ vượt qua được như từng vượt qua những sự "quằn" trong hành trình mới này.

Sau bài viết Hãy ôm nhau đi (Tuổi Trẻ ngày 7-7), trang Tổ ấm đã nhận được những chia sẻ từ bạn đọc về những cái ôm cần đến thế nào để neo giữ những niềm lạc quan, vỗ về những tổn thương, để tiếp thêm sức mạnh trong mỗi người. Kỳ này chúng tôi xin chia sẻ đến bạn đọc những cái ôm của một người cha viết gửi tặng con gái mình.

Hãy ôm nhau điHãy ôm nhau đi

Tôi không nhớ hồi nhỏ mình đã được ôm như thế nào. Chỉ nhớ năm đó, khi tôi đi học xa về nhà đón Tết, ba đã chờ tôi nguyên đêm mưa gió, gặp tôi, hai cha con ôm chầm lấy nhau...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp