Thật vậy, sau khi Chính phủ Nhật mua lại ba hòn đảo Minami-kojima, Kita-kojima và Uotsuri thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp từ gia đình Kurihara, kể từ ngày 11-9 năm ngoái, thì những tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản, trước kia mới chỉ bằng ngôn từ và âm ỉ, bỗng dưng biến thành hành động, nhất là biểu dương lực lượng trên biển, trên không.
Thật ra, phía Nhật hành xử trong cương vị chủ sở hữu hợp pháp Senkaku khi tiếp quản lại từ tay Mỹ năm 1972. Trung Quốc thì bắt đầu xác lập “chủ quyền lịch sử” ở đây giống hệt như ở khu vực biển Đông. Mỗi lần tàu bè Trung Quốc tạt vào vùng biển này, tàu chiến Nhật lại đeo bám cho tới khi rút đi.
Sau này, máy bay Trung Quốc gia nhập cuộc chơi. Máy bay chiến đấu Nhật, mỗi khi được báo động có máy bay xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) sẵn có của Nhật, đều được tung lên giám sát cho đến khi chúng rời đi. Nay Trung Quốc vạch ra ADIZ của mình mà ranh giới qua khỏi cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, thậm chí gần tới đảo Okinawa, với lý do “trước giờ hơn 20 nước, trong đó có cả Nhật và Mỹ, đã có các ADIZ này... Nay Trung Quốc cũng chỉ đang tiến hành một biện pháp đúng đắn và chính đáng mà thôi”, kèm theo quy định: máy bay nào muốn bay vào khu vực đó phải khai báo với nhà đương cục Trung Quốc, bằng không sẽ bị nghiêm trị như các “vật thể bay không khai báo”!
Trước kia, một mình Nhật “xét căn cước”, nay đến phiên Trung Quốc cũng “xét căn cước” cùng trong một khu vực chồng lấn. Nguy hiểm ở chỗ phi công Trung Quốc nay nhận lệnh xuất kích cũng vào khu vực trước kia vẫn bay, sẽ nghĩ rằng khác, rằng đây là chính sách, là nhiệm vụ mới, và cứ thế mà ra trận trong một tâm thế anh hùng bảo vệ tổ quốc. Nếu như cho đến trước thứ bảy tuần rồi, các phi công Trung Quốc (thường là máy bay chong chóng thám thính) còn phải “lò dò” bay vào khu vực Senkaku/Điếu Ngư rồi rút ra khi thấy có máy bay Nhật đeo bám, thì nay cưỡi chiến đấu cơ J-11 Shenyang với tâm thế sẵn sàng “làm luật”. Nếu cả hai bên đều khăng khăng “xét căn cước” nhau, điều gì sẽ xảy ra?
Cách đây 12 năm, một vụ “xét căn cước” như thế từng xảy ra khi một máy bay “nghe ngóng” EP-3E của Mỹ bay cách đảo Hải Nam khoảng 110km như vẫn từng bay, bị hai chiếc chiến đấu cơ J-8 của Trung Quốc ngăn chặn, ép trên không. Chiếc EP-3E to xác ủi vào một chiếc J-8 khiến chiếc này rơi, phi công chết, còn chiếc EP-3E thì “bị thương” phải đáp khẩn cấp xuống đảo Hải Nam.
Đó là chuyện 12 năm trước. Năm đó Trung Quốc mới chỉ sử dụng chiến đấu cơ J-8, nay đã là J-11, sức mạnh quân sự đã lớn mạnh hơn nhiều đồng thời với sức mạnh kinh tế cùng tham vọng cùng khắp, từ biển Hoa Đông xuống biển Đông và lăm le vượt qua Ấn Độ Dương...
Việc Trung Quốc lập ra ECSADIZ diễn ra chỉ bốn tuần sau khi có tin một quan chức Trung Quốc bí mật sang Nhật gặp một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật. Phải chăng những cố gắng làm dịu tình hình đã thất bại và nay là thời điểm của những cái đầu nóng?
Những hứa hẹn sẽ thiết lập các ADIZ khác một khi chuẩn bị xong càng cho thấy nay là thời điểm gì. Tuy nhiên, cũng có thể thấy “khu vực ưu tiên” là ở đâu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận