03/07/2011 07:15 GMT+7

Những bức tường vui vẻ

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Giữa buổi trưa tháng 6 Sài Gòn, ở một khu vực rộng lớn đang được giải tỏa thuộc quận 2, bên những ngôi nhà bỏ hoang, hai chàng trai đến từ Pháp đang chăm chú vẽ hình một cô gái VN lên mảng tường vỡ.

8ao7ikaN.jpgPhóng to
Dem (bìa trái), Seth và người dân khu vực giải tỏa bên tác phẩm của mình Ảnh: MT.Le

Cô gái ấy có khuôn mặt bầu bĩnh hiền lành, mặc áo dài màu hồng cánh sen, nằm gối đầu lên tay ngủ một giấc trưa bình yên. Người đi đường thấy lạ đứng lại xem rồi trầm trồ khen đẹp, nhiều người lấy máy ảnh ra chụp lại làm kỷ niệm.

Cách đó không xa, những bức tường khác cũng trở nên quen mà lạ khi có sự xuất hiện của những hình vẽ đáng yêu: cô gái đội nón lá, em bé học sinh quàng khăn đỏ, cô gái che dù bên hoa sen... Đó là khung cảnh của khu vực này từ khi Seth và Dem đến.

Seth tên thật là Julien Malland, vốn là một nghệ sĩ graffiti (vẽ tranh tường) nổi tiếng của Pháp. Anh tốt nghiệp Trường Nghệ thuật quốc gia về trang trí, là tác giả của nhiều cuốn sách về nghệ thuật đường phố và đang làm việc cho kênh truyền hình Canal+ với những phóng sự về nghệ thuật graffiti ở nhiều nơi trên thế giới.

Gần 20 năm qua, graffiti đã đưa Seth trở thành một nghệ sĩ lang thang với cây cọ và những bình sơn của mình qua nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, Indonesia, Mexico, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Cuba...

Seth tự nhận mình là một kiểu “họa sĩ toàn cầu”. Ở mỗi vùng đất có dịp đặt chân đến, anh đều lưu lại dấu ấn bằng những tác phẩm graffiti có nội dung về chính vùng đất ấy theo kiểu “nhập gia tùy tục” (câu thành ngữ tiếng Việt mà Seth vừa học được và rất tâm đắc). Những bức vẽ của anh thể hiện những tác động của đời sống đô thị vào nghệ thuật.

Đó là một phụ nữ Ấn đội chiếc máy may trên đầu, một cậu bé đang ngồi ăn bỏng ngô trước tiệm tạp hóa ở Mumbai, một cô nhóc học sinh nhìn có vẻ “chán đời” ở Santiago, chiếc xe buýt sặc sỡ trên đường phố, một cặp đôi nhảy điệu valse ở Buenos Aires, những dây điện chằng chịt ở Sao Paolo, bãi biển đầy nắng Rio De Janeiro, thổ dân châu Úc, những cô gái và hình vẽ manga ở Tokyo, sự hỗn độn của văn hóa Đông Tây ở Hong Kong, những bức apphich ở Trung Quốc...

Nhưng vẽ ở đâu? Đó là điều không đơn giản khi graffiti vẫn bị xem là một nghệ thuật “tội lỗi”, một kiểu “bôi bẩn có sắp xếp” và thường bị ngăn cấm. Seth bảo: “Tôi cũng thường gặp nhiều trở ngại trong việc mình làm. Mọi người thường nghĩ graffiti toàn là những hình ảnh nổi loạn, tiêu cực hoặc vô nghĩa, chỉ là cách để người vẽ thể hiện cái tôi của mình nhưng lại làm phiền người khác”.

Cũng vì thế mà cách của Seth luôn luôn là: chỉ vẽ lên những bức tường sẽ bị đập và chỉ vẽ những hình ảnh có ý nghĩa. Tường dù gì cũng sẽ bị đập vào một ngày nào đó nên sẽ ít gây khó chịu cho những ai không đồng cảm. Còn ở góc nhìn riêng của Seth, những bức tường đang chết ấy sẽ có “một sự ra đi vui vẻ” khi bị đập bỏ để thay thế bằng những bức tường mới. Ở Pháp, Seth được trả tiền để làm việc này mỗi khi người ta cần đập bỏ và tái thiết một khu vực nào đó.

Lần này Seth đến VN cùng với người bạn thân Dem, theo lời mời của Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM, để trình diễn graffiti trong đêm hội nghệ thuật đa phong cách của cộng đồng Pháp ngữ tại đây.

Tuy nhiên, theo lời Seth thì anh không đến VN chỉ để gặp toàn người Pháp, và anh không thể trở về Pháp mà không có kỷ niệm gì ở VN. Thế là cả hai quyết định đi lòng vòng Sài Gòn để nhìn ngắm một thành phố náo nhiệt trong buổi sớm mai, hay quan sát buổi chiều ở một trường tiểu học với những khuôn mặt trẻ thơ hồn nhiên, rồi lặng người trước vẻ đẹp kỳ lạ của những tà áo dài trên phố.

Những hình ảnh ấy Seth và Dem muốn vẽ lại trên tường, như cái cách mà cả hai vẫn thường lưu lại những ký ức như thế ở nhiều nơi trên thế giới.

Và thế là khu vực giải tỏa gần như hoang tàn này ở Thủ Thiêm đã trở thành không gian sáng tạo tuyệt vời cho Seth và Dem, nơi bằng những màu sắc tươi tắn như hồng, xanh, đỏ, vàng, cả hai mong muốn không gian ấy sẽ đỡ buồn tẻ hơn một chút.

Nhà của cô Nguyễn Thị Lùn nổi bật trong khu giải tỏa này bởi hai hình vẽ sặc sỡ ở hai bức tường trước và sau. Cô bảo gia đình mình đang chờ chuyển đi nơi khác nên những hình ảnh này làm cô thấy vui vui mỗi khi ra vào. Seth và Dem cũng trở thành hai người con thân thiết gọi cô bằng “má”.

zbRkMbGc.jpgPhóng to
Cô gái chạy xe máy trên một bức tường ở Thủ Thiêm - Ảnh: T.T.D.

Dần dần hàng xóm xung quanh thấy ngộ ngộ nên cũng nhờ hai anh Tây vẽ lên tường nhà mình cho vui mắt. Những bức tường này rồi sẽ bị đập bỏ để nhường chỗ cho một khu đô thị mới sắp được xây dựng, nhưng hình vẽ những cô gái Việt mặc áo dài hồng với khuôn mặt bình yên đang mang lại một chút sinh khí cho những ngổn ngang nơi đây, trở thành một điểm... chụp hình thú vị của người đi đường và là “niềm tự hào” nho nhỏ của cư dân vùng giải tỏa.

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp