Chương trình Vinh quang thầm lặng diễn ra tối 7-9 tại Hà Nội.
Tại họp báo hôm 29-8, thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, phó trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ, cho hay do tính chất đặc thù của ngành cơ yếu nên tới nay mới có một chương trình nghệ thuật về ngành được tổ chức rộng rãi.
Vì lẽ đó không nhiều cơ hội để nghe những người trong cuộc, "những chiến sĩ vô danh" (theo lời đại tướng Nguyễn Chí Thanh) kể chuyện.
Bức điện lịch sử
Thời kháng chiến đã có hàng triệu bức điện, chỉ thị, mệnh lệnh mang nội dung chỉ đạo của lãnh đạo Nhà nước và lực lượng vũ trang được các chiến sĩ cơ yếu mã hóa, dịch mã và truyền đưa một cách bí mật, kịp thời, góp phần mang đến những thắng lợi giòn giã khắp chiến trường.
Ông Nguyễn Văn Khôi - nguyên cán bộ Cục Cơ yếu, Bộ Tổng tham mưu - còn nhớ bức điện mật đặc biệt quan trọng, đã đi vào lịch sử dân tộc.
Đó là bức điện khẩn ký tên "Văn" (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) ngày 7-4-1975:
"Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ".
Theo ông Khôi, nội dung bức điện cho thấy quyết tâm sắt đá của Đảng và Nhà nước, phải đánh nhanh, thắng nhanh để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bà Vũ Thị Trọng - một trong hai đồng nghiệp dịch bức điện cùng ông Khôi khi đó - cho rằng bức điện vừa là mệnh lệnh vừa là lời hịch cổ vũ tinh thần toàn quân vào thời điểm vô cùng quan trọng.
Ba người giải mã bức điện trong 7 phút rồi truyền đạt đến các đơn vị chiến đấu, trở thành khoảnh khắc lịch sử, không thể nào quên với họ. Nói với Tuổi Trẻ, bà Trọng không giấu nổi tự hào và vinh dự về công việc khi đó.
Cuộc đời cơ yếu "mắt toét mà… sang"!
Bà Đặng Thị Muôn, nguyên cán bộ Cục Cơ yếu, từng tham gia giải mã nhiều bức điện trong các năm 1971 (chiến dịch Đường 9 Nam Lào), 1972 (chiến dịch giải phóng Quảng Trị), 1975 (chiến dịch Hồ Chí Minh).
Những bức điện đến - đi, trở thành "nhịp điệu bình thường". Nhưng cũng có những ngày không bình thường nổi.
Ấy là khi vận mệnh dân tộc trong tình thế cam go, những người làm cơ yếu phải "vắt chân lên cổ" mà chạy.
Bà Muôn kể năm 1974, chuẩn bị tổng tiến công mùa xuân năm 1975, bà và đồng nghiệp được phân công mã hóa một bức điện 80 trang đánh máy của Bộ Chính trị gửi cho Trung ương Cục và Quân ủy miền Nam: "Chúng tôi đã làm việc liên tục 12 tiếng/ngày, trong một tuần mới mã hóa xong và có người của Cục Tác chiến "xách tay" mang vào chiến trường".
Bức điện sau đó được vận dụng, thực tiễn hóa trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1975. Dù gần nửa thế kỷ trôi qua, cô chiến sĩ Đặng Thị Muôn vẫn nhớ không quên. Nhất là những đoạn lặp đi lặp lại: "Tấn công và nổi dậy. Nổi dậy và tấn công. Giành đất, giành dân, giành quyền làm chủ. Ba vùng, ba mũi…".
Trong câu chuyện năm xưa, cảnh làm việc trong ánh sáng đèn dầu tù mù, tài liệu nhỏ xíu ùa về. Để sáng ra, nữ thì toét cả mắt, nam thì râu mọc tua tủa. Thế mà vẫn đùa nhau cười như được mùa: "Em chẳng lấy chồng cơ yếu đâu/ Lấy chồng cơ yếu chóng mọc râu".
Cả nhớ chuyện cũ, bà bồi hồi như chuyện mới đây. Lúc bấy giờ, cô gái Đặng Thị Muôn mới hai mấy tuổi, bước chân vào cuộc kháng chiến với lòng tin rạo rực như những cánh én mùa xuân.
Buổi sáng đặc biệt nhất
Sáng 30-4-1975, bà Trọng đến Quân ủy Trung ương để làm việc sớm hơn mọi ngày. Vào nhà Đại tướng, thấy màn của bác vẫn còn buông. Nghe Đại tướng kể, đêm qua tin tức từ chiến trường gửi về tới tấp, "bác vui lắm, không ngủ được".
Hôm ấy ba anh em giải mã bức điện cũng nhảy tưng tưng hoan hô miền Nam đã giải phóng. Trưa, xe của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng ùn ùn kéo về Quân ủy Trung ương. "Các bác quây quần ôm nhau, quay tròn vì vui sướng", bà Trọng kể.
Sau đó bác Giáp lên hỏi "tổ cơ yếu đâu rồi" để khao bia và bánh kẹo. Mấy bác cháu ngồi kể chuyện. Bác Giáp tràn đầy hạnh phúc. Bà Trọng bảo những kỷ niệm đó theo chân những chiến sĩ cơ yếu tới tận giờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận