Người ăn cơm vợ nấu mang theo, kẻ ăn cơm hộp - Ảnh: MẠNH DŨNG
Gần đó, nhiều thợ công trình cũng vội vã ăn qua quýt bữa cơm trưa ít tiền...
Nghe chúng tôi hỏi "ăn thế này sao đủ sức đạp xe cả ngày?", ông Tâm phì cười: "Tui đạp từ sáng sớm tới nửa khuya cũng khỏe re như con bò kéo xe, mần riết quen rồi".
Bữa trưa mang theo để dè sẻn tiền
Ông Nguyễn Văn Tâm năm nay 56 tuổi, người nhỏ bé, đen đủi, gầy gò nhưng luôn nở nụ cười thân thiện. Khi nghe chúng tôi hỏi tiếp: "Làm vầy có ngán không?", ông lại cười rổn rảng: "Mần kiếm được tiền thì có gì đâu mà ngán.
Ở quê, tui đi mần ruộng mướn còn cực hơn đó". Quê ông Tâm ở huyện Phú Tân, An Giang, nhà nghèo không có ruộng.
Cách đây hơn 10 năm, ông dẫn vợ và con trai lên TP.HCM, thuê trọ gần Nhà máy Pouyuen (quận Bình Tân) để bán hàng rong mưu sinh. Vợ ông bán một xe trái cây, ông bán một xe trái cây và nuôi được người con trai trưởng thành, đến tuổi lập gia đình.
Nhóm công nhân vệ sinh ăn trưa và mắc võng ngủ ngay dưới gốc cây - Ảnh: MẠNH DŨNG
Bây giờ vợ chồng con trai đã đi làm công nhân nhưng ông Tâm và vợ vẫn tiếp tục hai chiếc xe bán trái cây dạo đến tối.
"Hôm nào bán khá thì được 700.000 - 800.000 đồng, trừ tiền mua trái cây mình cũng lời khoảng 300.000 - 400.000 đồng. Hôm nào ế lắm thì cũng kiếm lời được phân nửa đó. Còn sức đạp xe ba gác là còn kiếm sống được", ông Tâm trò chuyện.
Thấy tôi nhìn lon cơm chỉ có mấy miếng cá khô và dưa leo, ông kể đó là cơm vợ dậy nấu từ 5h sáng. Nấu xong, gia đình 4 người ăn sáng luôn cho đỡ tốn tiền, rồi bà dỡ cơm vợ chồng mang đi ăn trưa để bớt tiền ăn ngoài.
"Hai đứa nhỏ đi làm ăn cơm suất công ty, vợ chồng tui thì ăn cơm dỡ theo. Vầy chớ dành dụm được khá tiền đó", ông Tâm kể thêm cơm trưa nay chỉ có cá khô vì đó là món ăn khoái khẩu từ hồi còn ở quê nhà miền Tây, mà món mặn này để nắng gió cũng lâu thiu. Ông bà tính ráng bán vài năm nữa sẽ về quê mua mấy công ruộng để dưỡng già...
Những người thợ xây dựng chỉ có một giờ để ăn bữa trưa và ngả lưng - Ảnh: MẠNH DŨNG
Cơm "bụi" tiện lợi, bao no
Cũng trên vỉa hè ông Tâm dừng bước ăn cơm trưa, tốp thợ xây nhà đang vội vã ăn bữa trưa bằng những hộp cơm mua gần đó với giá 35.000 đồng. Họ chỉ được nghỉ một tiếng buổi trưa nên tranh thủ ăn vội, để ngả lưng chút ngay trên vỉa hè có bóng mát cây xanh.
Anh Trần Công Hải, 27 tuổi, quê tận Hải Dương, tâm sự: "Mang cơm nhà theo ăn chủ yếu là những người đã có gia đình, còn đám trẻ chưa vợ con thì hầu hết đều ăn cơm hộp cho tiện. Mình thích cơm thịt, cơm cá gì thì mua nấy, giá bình dân khoảng 35.000 đồng một phần ăn cũng đủ no".
Người bạn kế bên anh nói vui thêm: "Chưa có vợ, ăn cơm bụi cũng có cái hay là khỏi phải mất công sáng dỡ lỉnh kỉnh theo, chiều về lại phải rửa ráy. Chứ trai trẻ chưa có vợ thì ai rửa cho".
Ông Nguyễn Văn Tâm ăn cơm vợ nấu mang theo để dành dụm tiền - Ảnh: MẠNH DŨNG
Hơn 12h, dưới gốc cây công viên khu đô thị mới ở quận Bình Tân, các công nhân công ty vệ sinh môi trường cũng đang túm tụm ăn cơm trưa. Người mang cơm nhà theo, người mua cơm hộp bình dân, chuyện trò nói cười vui vẻ.
Một anh công nhân "bao" thêm mỗi người một ly nước mía 6.000 đồng, thức uống giải khát tuyệt vời ngày nắng nóng. Ăn nhanh cho xong bữa, họ mắc võng nằm dưới các gốc cây. Một cô công nhân cười nói: "Ngủ bụi vầy chớ sướng hơn nằm phòng máy lạnh à nghen...".
Ăn vội để chợp mắt một chút ngay trên hè đường - Ảnh: MẠNH DŨNG
Trong lúc các cô công nhân mắc võng, một anh bán đồ nhựa dạo cũng ghé ăn vội khúc bánh mì, rồi cắm cái quạt nhỏ mang theo vào chính bình điện chiếc xe ba gác của anh để thêm gió mát buổi trưa. Anh kể mình chỉ ăn bữa trưa đơn giản, thèm gì ghé mua ăn nấy, miễn sao ít tiền là được.
Sài Gòn hiện nay có rất nhiều lựa chọn cho bữa cơm trưa của người đi làm. Ngoài mang cơm nhà nấu, có thể chọn nhiều thực đơn tùy túi tiền.
Cơm văn phòng 50.000 - 100.000 đồng. Cơm "bụi" cho người đổ mồ hôi để mưu sinh có giá khoảng 35.000 - 45.000 đồng một đĩa, thậm chí có nơi vẫn bán đĩa cơm 25.000 đồng có thịt "bao no". Dè sẻn hơn nữa, người ta có thể mua xôi gói lớn 10.000 - 15.000 đồng cũng no bụng...
Mang cả quạt theo để thêm chút gió mát - Ảnh: MẠNH DŨNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận