13/02/2013 11:25 GMT+7

Những bộ sưu tập bản đồ từ lòng dân

TRẦN ĐỨC ANH SƠN
TRẦN ĐỨC ANH SƠN

TT Xuân - Câu chuyện những tấm bản đồ cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục được phát hiện, công bố trong và ngoài nước suốt năm qua là những minh chứng sống động về lòng yêu nước của nhân dân ta.

LBSRh838.jpgPhóng to
PSZS8wgN.jpg
Bản đồ Carte de l’Asia do Homann Heirs thực hiện năm 1744, có vẽ quần đảo Hoàng Sa (bao gồm cả Trường Sa) và ghi chú là “I. Ciampa” (Đảo của Champa, tức Đàng Trong lúc bấy giờ)

Không phải đến bây giờ người Việt mới quan tâm sưu tầm những tấm bản đồ cổ để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bởi các nhà nghiên cứu Việt Nam ở trong và ngoài nước đã làm điều này từ hàng chục năm trước và đã tập hợp được cả trăm tấm bản đồ về chủ đề này để phục vụ công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trước sự xâm phạm trắng trợn và những yêu sách phi pháp của Trung Quốc.

Tuy nhiên, có đôi lúc dường như người dân Việt Nam vẫn coi đó là công việc chính của Nhà nước hay của các nhà nghiên cứu. Thế rồi, khi TS Mai Hồng công bố tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do nhà Thanh (Trung Hoa) ấn hành năm 1904, có điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam, được coi là chứng cứ để chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc về Trung Quốc, thì cũng là lúc đồng bào Việt Nam ở khắp nơi bắt đầu hướng sự quan tâm của mình về vấn đề này.

Một trong những người đã biến sự quan tâm ấy trở thành những hành động thiết thực chính là Trần Thắng - một Việt kiều đang sinh sống tại Hoa Kỳ. Anh đã âm thầm sưu tầm những tấm bản đồ xuất bản ở các nước phương Tây từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20, trên đó có những chứng cứ xác nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này.

Với sự tư vấn và khuyến khích của các nhà nghiên cứu có uy tín trong lĩnh vực này, sưu tập bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa của Trần Thắng ngày một nhiều hơn, giá trị hơn. Sau cùng, anh đã quyết định trao tặng bộ sưu tập bản đồ ấy, với hơn 100 bản đồ và hai tập Atlas, cho thành phố Đà Nẵng, vì “tôi tin họ sẽ có cách để phát huy giá trị của bộ sưu tập bản đồ này”.

Điều đáng quý ở đây là Trần Thắng đã không đơn độc trong cuộc tìm kiếm những tấm bản đồ này. Ngoài tiền túi của mình, Trần Thắng còn nhận được sự ủng hộ tài chính của gần 20 người Việt ở trong và ngoài nước để có đủ tiền mua lại những tấm bản đồ giá trị này. Ngoài ra, còn có nhiều người khác, tuy không ủng hộ tài chính nhưng đã tư vấn cho Trần Thắng và cho thành phố Đà Nẵng những ý kiến tâm huyết giúp việc bảo quản, công bố và phát huy giá trị của bộ sưu tập bản đồ này.

“Sự kiện Trần Thắng” đã trở thành hiệu ứng lan truyền. Nhiều người Việt Nam ở hải ngoại tiếp tục quan tâm tìm kiếm những nguồn thông tin, những tư liệu và bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để cung cấp cho các nhà nghiên cứu trong nước.

Hộp thư điện tử của tôi thường xuyên nhận được những email “lạ”, chỉ dẫn những đường link dẫn đến các kho lưu trữ, các thư viện ở nước ngoài, nơi đang lưu trữ những tư liệu và bản đồ góp phần khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Mới đây, tôi nhận được một bức thư của ông Nguyễn Đức gửi từ Hà Lan. Bên trong bức thư là hai tờ bản đồ cổ và một mẫu giấy nhỏ ghi xuất xứ của bản đồ, lời chúc sức khỏe và địa chỉ email của người gửi.

Đây là hai bản đồ được xuất bản ở Leipzig (Đức), gồm bản đồ Franzoesischi Indochina (xuất bản năm 1896) và bản đồ Kanton und Kantonstrom (xuất bản năm 1912). Hai bản đồ này cung cấp thêm những thông tin để chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Tôi không biết ông Nguyễn Đức là ai, ông cũng không muốn giới thiệu thân thế của mình, nhưng hai tấm bản đồ mà ông tặng tôi đã nói lên tất cả: Ông là đồng bào của tôi, là người đã bày tỏ lòng yêu nước theo một cách riêng, giống như Trần Thắng đã làm. Đó chính là lý do để tôi và tất cả người Việt Nam thấy vững tin hơn trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia đầy gay go và phức tạp.

TRẦN ĐỨC ANH SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp