13/04/2012 09:46 GMT+7

Những bi kịch nối dài

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Bị cáo đứng trước vành móng ngựa trong phiên tòa phúc thẩm (Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM) sáng 27-3 từng là người chồng, người cha tốt, nhưng giờ đây đã trở thành đầu mối của mọi khổ đau. Tất cả chỉ vì sự ghen tuông.

TUgGVr6A.jpgPhóng to

Nhiều người có mặt trong buổi xét xử phúc thẩm mới nghe qua nội dung bản án đã lắc đầu ngán ngẩm: bị cáo đâm liên tiếp 22 nhát dao làm vợ chết tại chỗ. Bản giám định pháp y cho biết nạn nhân T.T.K.H. chết do choáng mất máu cấp, thủng động mạch chủ ngực, thủng gần như tất cả cơ quan nội tạng.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thịnh Khanh được mở lưu động tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh ngày 18-11-2011. Tòa xử bị cáo tù chung thân vì tội giết người. Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, trong lúc Viện Kiểm sát nhân dân TP. HCM kháng nghị nâng mức án bị cáo lên tử hình.

Hạnh phúc chẳng tày gang

Có lúc con ghét ba, có lúc con thương ba. Khi ở nhà thấy mẹ trên bàn thờ thì con không nhớ ba, con thấy ghét ba. Nhưng khi ra đường nhìn bạn con có ba đưa đón đi học, con lại thấy nhớ và thương ba

Bị cáo với làn da sạm đen, gương mặt khắc khổ đứng cúi đầu trước vành móng ngựa. Không có ai là người nhà của bị cáo và nạn nhân tới dự tòa. Bị cáo nói ít, thừa nhận tất cả hành vi giết vợ của mình. Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi khi bị cáo trả lời hội đồng xét xử.

Năm 2001, anh thợ hồ Nguyễn Thịnh Khanh và cô thợ may T.T.K.H. nên duyên vợ chồng. Nghèo đói mà hạnh phúc, họ có với nhau hai người con. Tại tòa phúc thẩm, bị cáo khai đầu năm 2011, khi bị cáo vừa xa nhà đi Hà Nội làm thợ hồ thì có người liên tục gọi điện và nhắn tin bảo “vợ mày gian díu với phụ nữ”. Khanh bỏ việc về nhà thì phát hiện vợ có quan hệ tình cảm với chị A. là giáo viên. Nhiều lần theo dõi, Khanh biết vợ ngủ với chị A. tại một khách sạn ở Q.Tân Bình. Khanh khai đã tìm gặp chị A. nói chuyện để giữ hạnh phúc gia đình.

Bi kịch xảy ra đêm 15-5-2011 khi chị H. đi chơi về khuya, Khanh gọi điện thấy tắt máy. Chị H. về nhà, ngủ với mẹ và hai con ở nhà dưới. Ba lần Khanh khều chân vợ chỉ tay lên nhà trên với hàm ý bảo vợ lên nhà nói chuyện để giữ giấc ngủ cho các con, nhưng vợ Khanh bảo: “Tôi không muốn nói chuyện với anh” rồi đi ngủ. Quá tức giận và quẫn trí, Khanh rút dao đâm liên tiếp hàng chục nhát vào người vợ. Cho đến khi mẹ vợ tỉnh giấc, đứa con lớn hoảng hốt kêu: “Ba ơi sao ba đánh mẹ dữ vậy” thì Khanh mới choàng tỉnh quăng dao bỏ chạy.

“Bị cáo đã tìm mọi cách kéo vợ về với gia đình nhưng vợ không nghe, lại có thái độ bỏ mặc, coi thường bị cáo. Khi cầm dao giết vợ, bị cáo không còn biết gì nữa...” - bị cáo phân trần tại tòa. Đại diện viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm tăng mức hình phạt bị cáo từ chung thân lên tử hình, hành vi giết vợ của bị cáo có động cơ đê hèn và tính chất côn đồ. Theo đại diện viện kiểm sát, lẽ ra bị cáo nên bình tĩnh khuyên nhủ vợ để giữ hạnh phúc gia đình và nên quan tâm hỏi han xem vợ có vấn đề gì bất ổn hay không.

“Bị cáo chỉ mới học tới lớp 3, làm nghề thợ hồ. Lời khai của mẹ nạn nhân cũng là mẹ vợ bị cáo thể hiện trong các bút lục cho biết trong 10 năm chung sống, bị cáo làm lụng để nuôi mẹ vợ mà không một lời than vãn. Trong 10 năm ấy, bị cáo chưa bao giờ uống rượu say xỉn mà nặng nhẹ với vợ con. Tại tòa sơ thẩm, mẹ vợ đã xin giảm án cho bị cáo. Hội đồng xét xử đã cân nhắc kỹ càng trước mức án tử hình mà viện kiểm sát đề nghị, cuối cùng tuyên một mức án thấp hơn là tù chung thân. Đó là mức án thấu tình đạt lý...” - luật sư bào chữa cho bị cáo phát biểu. Tòa phúc thẩm chấp nhận lời bào chữa của luật sư, tuyên y án sơ thẩm.

Mất mát

Chị A., người mà bị cáo nghi ngờ là tình nhân của chị H., bảo mối quan hệ giữa chị và chị H., chỉ đơn thuần là tình cảm giáo viên - phụ huynh, Khanh khai như vậy là để biện minh cho sự ghen tuông và tội ác của mình. Vài người hàng xóm của chị H. nói chị không có dấu hiệu nào của người đồng tính. Hàng xóm bảo Khanh ít nhậu nhẹt nhưng hay ghen tuông bóng gió. Hễ thấy vợ nói chuyện với phụ nữ nào Khanh đều tỏ thái độ không vui. Hai vợ chồng đã nộp đơn xin ly hôn ba lần nhưng dùng dằng mãi không dứt nhau được. Mỗi người đều có lý lẽ của riêng mình, nhưng tấn bi kịch lại đổ lên đầu mẹ già và hai con thơ.

Ngôi nhà của vợ chồng Khanh nằm sâu trong con đường đất bụi mờ mịt ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Mọi gánh nặng gia đình giờ dồn cả lên vai bà H. - mẹ của nạn nhân. Hàng xóm thương tình hay mang cơm nguội sang cho, bà dành dụm phơi khô bán mỗi ký được 3.000 đồng cho cháu tiền ăn sáng. “Căn nhà này rồi phải bán để trả số nợ vợ chồng nó để lại, bà cháu tôi mua nhà khác nhỏ hơn hoặc dựng lều đâu đó ở, nhưng rao hoài mà không ai mua, chắc người ta sợ, cô ạ!” - bà xót xa bảo. Bà không khóc nhiều, những giọt nước mắt chầm chậm rơi từ khóe mắt khô khốc. Nhìn bà rúm ró, héo khô trước bàn thờ con gái, người ta có thể thấu cảm hết chừng ấy nỗi đau mà người mẹ ở tuổi 73 phải gánh chịu. Người phụ nữ gầy ốm, chỉ còn nặng 29kg, đôi bàn chân đi không còn vững này lại là trụ cột về cả vật chất và tinh thần của hai đứa cháu.

Với bé N.T.K., những tiếng “hự, hự” đầy đau đớn là tiếng kêu cuối cùng K. nghe được từ mẹ. Khi ngoảnh sang bên cạnh, K. thấy ba ném dao bỏ chạy, thấy mẹ nằm yên trên vũng máu với những vết dao đâm rách nát. K. được bà ngoại dẫn đi nghe xử tội ba mình với hàng trăm câu chửi lao xao của phiên tòa lưu động. K. được bác ruột chở vào trại giam Chí Hòa nhìn ba qua song sắt với những giọt nước mắt muộn màng. Tất cả hình ảnh ấy quá sức chịu đựng của một đứa trẻ 5 tuổi như K. Hai tháng đầu từ khi mẹ mất, K. đi học về ngang nhà là vứt vội cặp sách xuống nền rồi đi lang thang khắp xóm. K. sợ ngôi nhà đầy những ám ảnh. K. kể với bác Oanh hàng xóm là thấy mẹ về khóc, mẹ hỏi ngoại có cho tiền ăn sáng không nhưng K. chưa bao giờ kể với ngoại vì biết ngoại buồn. Từ ngày mẹ mất, đêm nào K. cũng trùm mền kín mít, bắt ngoại ôm thật chặt để ngủ dù trời nóng bức và cũng không cho ngoại buông tay.

Thương ghét lẫn lộn

Chị của K., bé N.T.T.H. mở tủ lấy những bức hình tươi tắn nhất của mẹ ra khoe. Mới 10 tuổi, H. đã phải “đảm đang”, biết phụ ngoại nấu cơm, chở em đi học, tắm rửa cho em. Khi K. bảo được nghỉ học, H. biết gọi điện cho cô giáo của K. xem em có được nghỉ học thật không. Ngày 8-3, khi cô giáo bảo các bạn mua hoa về tặng mẹ, H. đã lặng lẽ viết một bức thư đặt trên bàn thờ mẹ: “Mẹ đã đi mãi không về, con nhớ mẹ lắm. Con thích ăn cơm sườn nhưng ngoại nghèo không đủ tiền mua cho chị em con...”. H. giữ một cuốn sổ tay của mẹ để lại, ở trang đầu tiên H. ghi nắn nót bằng nét chữ học trò: “Ngày sinh của mẹ 3-4-1973, ngày chết của mẹ 15-5-2011. Chết vào lúc 0 giờ 0 phút”.

“Có lúc con ghét ba, có lúc con thương ba. Khi ở nhà thấy mẹ trên bàn thờ thì con không nhớ ba, con thấy ghét ba. Nhưng khi ra đường nhìn bạn con có ba đưa đón đi học, con lại thấy nhớ và thương ba” - bé H. bảo. Người hàng xóm ngồi cạnh nghe H. bảo vậy liền gắt lên: “Thương gì mà thương cái thứ ấy, nó giết mẹ mày tàn nhẫn như vậy thì mạng phải đền mạng mới xứng đáng, tù chung thân còn may”.

H. nghe thế liền cúi đầu lặng thinh. Trên con đường trước nhà, bé K. vẫn đi lại không chịu vô nhà dù chiều đã tàn. Không biết hai đứa trẻ sẽ lớn lên như thế nào với những mất mát và hận thù mà người lớn đã vô tình gieo rắc trong tim?

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp