Người dân xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang vẫn chưa hết bàng hoàng khi biết tin nghi can hạ độc vào sữa làm cha và bà nội chết lại chính là người con, người cháu trong gia đình chỉ mới 14 tuổi tên Phạm Minh Q.
Cụ bà Phạm Thị Phấn (83 tuổi, bà nội của Q.) và ông Phạm Văn Yên (45 tuổi, cha của Q.) đã chết sau khi uống sữa trộn với bả chó do Q. bỏ vào. May mắn là ông Phạm Minh Tân (55 tuổi, con cụ Phấn, anh ruột của cha Q.) đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần sau khi uống sữa.
Hạ độc vì cha hay uống rượu
Tại cơ quan công an, Q. cho biết từ khi lên 6 tuổi do cha mẹ ly thân nên Q. và hai em về ở với mẹ bên ông bà ngoại tại xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè. Năm 2021, Q. bỏ học và cùng mẹ làm ở vựa trái cây của dì ruột tại tỉnh Tiền Giang.
Khoảng 2 - 3 năm gần đây buổi tối Q. về ngủ tại nhà của bà nội và cha ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè. Ông Yên thường xuyên uống rượu, nhiều lần Q. kêu cha bỏ rượu thì bị ông la mắng nên Q. nảy sinh ý định giết ông Yên.
Khoảng tháng 8-2023, Q. quen ông N.P.Đ. (39 tuổi, ngụ xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) và người này có thuốc bả chó.
Ngày 13-10, Q. cùng em ruột gặp ông Đ. để xin thuốc về "thuốc" chó hoang. Sau đó khoảng 23h cùng ngày, Q. lấy thuốc bỏ vào hộp sữa (mà cụ Phấn và ông Yên hay uống).
Đến sáng hôm sau, Q. đi làm như thường lệ thì nghe tin ông Yên chết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chị Phạm Phi Yến (24 tuổi, con ruột ông Tân) cho biết hiện sức khỏe của ông Tân đã ổn định và được các bác sĩ cho xuất viện về nhà.
Cả hai vợ chồng ông Tân đều làm nông, vì hoàn cảnh khó khăn nên hai người con gái đã phải nghỉ học sớm để làm thuê và làm công nhân.
Hiện tại chị Yến đã nghỉ học sớm để phụ bán tạp hóa cho một người quen gần nhà mỗi tháng được khoảng 5 triệu đồng.
Người con gái lớn hiện đang làm công nhân cho một công ty tại TP Thủ Đức, TP.HCM.
"Khi nghe tin cái chết của chú và nội tôi có liên quan đến Q. tôi cũng rất bất ngờ. Gia đình chú Yên có ba người con, Q. là con trai lớn trong nhà, còn hai đứa em một trai và một gái. Sau khi chú tôi ly thân thì Q. về sống với mẹ ruột ở xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè. Do gia đình khó khăn nên Q. đã bỏ học được khoảng hai năm nay để cùng mẹ làm ở vựa trái cây của dì ruột tại huyện Cái Bè", chị Yến chia sẻ.
Cũng theo chị Yến, ông Yên sống với bà nội, hằng ngày chăm sóc mấy công vườn trồng mít ở phía sau nhà. "Chú tôi rất hiền lành, chỉ có mỗi tội là nhậu nhẹt hơi nhiều và hay thường xuyên la mắng con cái mỗi khi nhậu say", chị Yến nói.
Tan nhà nát cửa vì rượu bia
Vài năm gần đây, ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long, nhiều vụ án đau lòng cha giết con hoặc con giết cha, mẹ đều từ rượu bia.
Mới đây, TAND tỉnh An Giang đã tuyên phạt tử hình bị cáo Trần Văn Nam (40 tuổi, ngụ phường Châu Phú A, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) vì phóng hỏa đốt nhà khiến hai mẹ con tử vong lúc rạng sáng.
Theo hồ sơ vụ việc, đầu tháng 11-2022, Nam uống hết 1,5 lít rượu và nhớ lại việc bị chị Ch. (39 tuổi) bỏ nên nổi máu ghen tuông. Nam nghĩ rằng chị Ch. đang chung sống với người khác nên nảy sinh ý định đốt nhà trả thù.
Lúc này, Nam lấy xe lôi đạp đến cặp bên hông nhà ông Lâm Tuyền Dân (cậu ruột chị Ch.) để quan sát rồi châm lửa đốt khiến chị Ch. và con gái là Tr. (khi đó mới 7 tuổi) tử vong.
Ông Dân được lực lượng cứu hộ, người dân đập tường cứu ra ngoài. Nhưng ngôi nhà ông Dân đã bị ngọn lửa thiêu rụi hoàn toàn. Sau đó, Nam ra đầu thú và khai nhận tội lỗi.
Cũng tại tỉnh An Giang, đầu năm 2023 đã xảy ra vụ án chấn động khi cha giết con trai. Trung tá Dương Tư Thường, đội trưởng đội số 2, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh An Giang, cho biết bà Thái Thị Vốn (59 tuổi, ngụ huyện Châu Phú, An Giang) đến cơ quan công an trình báo sự việc phát hiện con trai bà là Nguyễn Văn Cường (33 tuổi) bị đâm chết, nằm trên đám cỏ cách nhà khoảng 40m.
Sau khi xem xét các dấu vết để lại tại hiện trường, nghi vấn lời khai của bà Vốn và ông Nguyễn Văn Lượm (58 tuổi, chồng bà Vốn) có nhiều điều ngờ vực nên lực lượng cảnh sát đã trực tiếp đấu tranh với vợ chồng bà Vốn, ông Lượm. Qua đấu tranh về khung thời gian, ông Lượm thừa nhận chính là hung thủ đã sát hại con trai.
Nguyên nhân khiến ông Lượm giết chết Cường là do ông Lượm nghiện rượu, sau mỗi lần uống rượu, ông Lượm thường xuyên chửi mắng và hăm dọa đánh bà Vốn. Mỗi lần như vậy, Cường tỏ ra bực tức, bênh vực mẹ và cự cãi với ông Lượm. Đến chiều tối 16-1-2023, sau khi nhậu xong, ông Lượm tiếp tục chửi và hăm dọa đánh bà Vốn.
Lúc này, Cường cũng mới đi nhậu về thấy, vào khuyên can thì hai cha con xảy ra cự cãi, dẫn đến đánh nhau. Trong lúc xô xát, Cường dùng tay đánh ông Lượm ngã xuống sàn nhà. Tức giận việc bị con trai đánh, ông Lượm liền vào bếp lấy một con dao chạy ra đâm nhiều nhát vào vùng ngực Cường.
Cường bỏ chạy thì bị ông Lượm tiếp tục đuổi theo đâm thêm một nhát vào vai rồi quay về nhà nằm ngủ. Đến khoảng 6h sáng hôm sau, bà Vốn đi chợ phát hiện Cường nằm chết ở đám cỏ gần nhà... TAND tỉnh An Giang đã tuyên phạt Nguyễn Văn Lượm 17 năm tù.
"Nhiều vụ án đau lòng liên quan đến gia đình, anh chị em đâm chém nhau đều xuất phát từ rượu bia. Việc này có thể do tập quán văn hóa vùng miền nên người miền Tây uống rượu nhiều hơn và mâu thuẫn cũng bắt nguồn từ đây.
Nếu như uống rượu vừa phải sẽ không xảy ra những câu chuyện đáng thương cha giết con hay vợ giết chồng", một cán bộ trực tiếp điều tra vụ án cha giết con ở huyện Châu Phú nói.
Chính quyền giúp đỡ gia đình
Ông Hai Sơn (66 tuổi), hàng xóm với bà Phấn, chia sẻ bà con láng giềng rất đau xót trước tình cảnh một đám tang hai cỗ quan tài. "Tôi và bà con hàng xóm rất bàng hoàng và không ngờ người gây ra lại chính là con cháu trong gia đình", ông Sơn nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Thảo, phó chủ tịch UBND xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, cho biết gia đình của ông Yên thuộc diện khó khăn. "Ông Yên có nhậu nhẹt nhưng không đến nỗi quậy phá, gia đình cũng tốt. Có thể còn có lý do gì đó đứa con mới hành động như vậy, hiện vụ việc đang được cơ quan công an điều tra", ông Thảo cho biết.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, ông Lê Văn Ý, phó chủ tịch UBND huyện Cái Bè, cùng đoàn cán bộ huyện đã đến thăm hỏi, chia buồn và tặng quà cho người thân trong gia đình của bà Phấn.
Ông Ý đã trao số tiền 10 triệu đồng hỗ trợ khó khăn cho gia đình nạn nhân.
Phạm pháp khi gặp tổn thương gia đình
Thạc sĩ Trần Thị Huyền, phó trưởng bộ môn tâm lý giáo dục khoa sư phạm thuộc ĐH An Giang (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết có năm yếu tố ảnh hưởng đến hành vi phạm pháp của thanh thiếu niên hiện nay gồm: yếu tố liên quan đến đặc điểm tâm lý lứa tuổi; yếu tố gia đình, cha mẹ ít quan tâm đến con cái, bầu không khí tâm lý gia đình không lành mạnh, phương pháp giáo dục của cha mẹ chưa phù hợp.
Đặc biệt hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến có một số em rơi vào các rối loạn tâm lý. Đối với các em ở lứa tuổi này hoạt động giao lưu với bạn bè rất quan trọng, vì vậy các em dễ bị bạn bè lôi kéo vào những hành vi phạm pháp.
Ngoài ra một số em gặp phải những tổn thương từ gia đình; hoặc thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực có thể trong gia đình hoặc ngoài xã hội. Các trang mạng xã hội không lành mạnh cũng dễ tác động và ảnh hưởng đến các em, trong độ tuổi tìm tòi và ưa khám phá, đặc biệt là luôn muốn thể hiện cái tôi cá nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận