22/11/2024 09:19 GMT+7

Những bị can bị lãng quên - Kỳ 3: 15 năm làm bị can, 2 lần đình chỉ

Bị khởi tố về tội lừa đảo, trốn thuế từ năm 2004, sau 8 năm, ông Hồ Thanh Hải (71 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) bất ngờ được đình chỉ bị can do "hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự" và "hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội".

Những bị can bị lãng quên - Kỳ 3: 15 năm làm bị can, 2 lần đình chỉ - Ảnh 1.

Ông Hồ Thanh Hải - Ảnh: ĐAN THUẦN

Tuy nhiên, năm 2017 Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khôi phục điều tra, ông Hải lại tiếp tục trở thành bị can, và mới đây ông lại được đình chỉ bị can vì "hết thời hiệu truy cứu".

Vụ án kéo dài 20 năm, đình chỉ rồi phục hồi, khiến ông Hải và gia đình nhiều phen "xấc bấc xang bang".

Nếu đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì phải ra quyết định đình chỉ điều tra. Đình chỉ vụ án hình sự cũng phải rất cẩn trọng, tránh oan sai cũng như bỏ lọt tội phạm.

Ông Hồ Thanh Hải Ảnh: ĐAN THUẦN

Mất gia đình, mất cả cơ ngơi

Ông Hải cho biết ông từng là quân nhân. Năm 1990 ông bắt đầu thành lập DNTN Bình Hưng và Công ty TNHH Hải Bình chuyên kinh doanh lĩnh vực thủy hải sản.

Công việc đang ngày một phất lên thì bất ngờ ngày 29-7-2004 ông Hải bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam. Sau đó, vụ án được chuyển cho Công an TP.HCM thụ lý. Sau 2 năm bị tạm giam, ông Hải được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú.

Vụ án trải qua quá trình tố tụng kéo dài. Theo hồ sơ, từ tháng 12-1999 tới tháng 8-2001, ông Hải tổ chức thu mua hải sản các loại của các thương lái mua gom từ ngư dân ở Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Vũng Tàu, Phan Thiết... đưa về kho của hai doanh nghiệp trên để chế biến thành phẩm xuất khẩu và bán trong nước.

Khi mua hải sản của các thương lái, do không có tư cách pháp nhân, không có hóa đơn chứng từ nên ông Hải chỉ đạo nhân viên ký hợp đồng mua hải sản với hình thức giao hàng tay ba với các đơn vị khác nhằm hợp thức hóa đầu vào cho số hải sản đã mua.

Theo cơ quan điều tra, từ các chứng từ khống, hai doanh nghiệp của ông Hải đã lập hồ sơ xin hoàn thuế và kê khai khấu trừ thuế tại Cục Thuế TP.HCM, chiếm đoạt tổng cộng 6,8 tỉ đồng tiền hoàn thuế và kê khai khấu trừ tổng cộng 18,6 tỉ đồng.

Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã rất nhiều lần trưng cầu giám định cơ quan thuế. Trong nhiều kết luận giám định về thuế của Bộ Tài chính có cùng kết luận chưa đủ cơ sở để xác định được việc DNTN Bình Hưng mua hàng của các đơn vị là mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT), Nhà nước chưa bị thất thu về thuế GTGT, vì các đơn vị đã thực hiện việc kê khai thuế cho các hóa đơn mua vào, bán ra và nộp tiền thuế GTGT, trả tiền thuế GTGT ở các khâu mua và bán.

Vụ án của ông Hải đã rất nhiều lần được trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Năm 2012, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho rằng hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong việc kê khai hoàn thuế GTGT của ông Hải không còn nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy ông Hải được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự tội lừa đảo.

Đối với hành vi trốn thuế, hành vi của ông Hải xảy ra từ năm 1999 - 2001. Tuy nhiên trong quá trình xử lý vụ án có vướng mắc về giám định tư pháp về thuế nên vụ án bị kéo dài hơn 10 năm, đến nay đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Hải chia sẻ: "Từ một doanh nghiệp đang phát đạt, vụ án đột ngột xảy ra và kéo dài 20 năm đã làm tôi mất quá nhiều, gia đình tôi tan vỡ".

"Nếu có tội, tôi sẵn sàng đi tù"

Không đồng ý với quyết định đình chỉ nêu trên, ông Hải khiếu nại. Bất ngờ đến năm 2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ra quyết định phục hồi điều tra vụ án. Ông Hải một lần nữa trở thành bị can.

Tuy nhiên, ngày 3-5-2024 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ vụ án.

Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM thể hiện sau khi tiến hành điều tra thấy ông Hồ Thanh Hải là giám đốc DNTN Bình Hưng mua hàng hóa hải sản của ngư dân trên nhiều địa phương nhưng không có hóa đơn, chứng từ.

Sau đó ông Hải đã ký hợp đồng "khống" mua bán hải sản với hình thức mua bán tay ba để các doanh nghiệp này xuất hóa đơn GTGT cho DNTN Bình Hưng, nhằm mục đích hợp thức hóa đầu vào để chiếm đoạt tiền hoàn thuế với số tiền 6,8 tỉ đồng, phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Tuy nhiên đến nay đã hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 23 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Ngay khi được giao quyết định, ông Hải viết vào biên bản giao nhận rằng không đồng ý với nội dung nêu trong quyết định. Sau đó ông liên tục có đơn khiếu nại gửi Công an và Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM bởi lẽ ông cho rằng căn cứ mà cơ quan điều tra áp dụng để đình chỉ vụ án là không đúng.

"Tôi không thuộc các trường hợp để đình chỉ điều tra như căn cứ tại quyết định đình chỉ ngày 3-5 của cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra phải làm rõ tôi có phạm tội không. Nếu phạm tội thì tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm" - ông Hải nói.

Vụ án được đình chỉ điều tra đúng pháp luật

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM cho rằng căn cứ vào kết quả điều tra và các kết luận giám định về thuế, các cơ quan tố tụng TP.HCM đánh giá hành vi của ông Hồ Thanh Hải là mua hải sản của thương lái, không có tư cách pháp nhân, không có hóa đơn chứng từ để xuất bán đi nước ngoài; sau đó ký hợp đồng khống để được xuất hóa đơn khống không kèm theo hàng hóa, với tổng trị giá hàng hóa trên 302 tỉ đồng, thuế GTGT trên 21 tỉ đồng, để làm thủ tục hoàn thuế và được hoàn thuế số tiền 6,8 tỉ đồng.

Việc mua hải sản là có thật, nếu ông Hải mua hải sản không có hóa đơn chứng từ, sau đó xuất bán và nộp thuế GTGT đầu ra theo quy định thì không có sự việc phạm tội do Nhà nước không bị thiệt hại.

Nhưng sau đó ông Hải có hành vi gian dối mua hóa đơn khống và dùng hóa đơn khống để làm thủ tục và được nhận tiền hoàn thuế của Nhà nước 6,8 tỉ đồng.

Nhà nước đã bị thiệt hại số tiền hoàn thuế do phải xuất ngân sách ra chi trả cho ông Hải, không thể bù đắp từ các nguồn khác. Do đó hành vi của ông Hải đã phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, vụ án đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vì vậy cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM thống nhất áp dụng khoản 5 điều 157, điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự để đình chỉ điều tra vụ án hình sự.

Trong khi đó luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: Vụ án kéo dài quá lâu, trải qua nhiều quy trình tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử, đình chỉ điều tra rồi phục hồi điều tra, sau đó lại đình chỉ khiến người trong cuộc mệt mỏi.

Ban đầu cơ quan tố tụng đã đình chỉ do hết thời hiệu truy cứu, sau đó lại phục hồi và tiếp tục đình chỉ về cùng lý do trên, vô hình trung khiến các đương sự cảm thấy không phục. Hơn nữa, việc trở thành bị can, rồi được đình chỉ, rồi lại thành bị can... cũng khiến cuộc sống của họ bị xáo trộn liên tục.

Những bị can bị lãng quên - Kỳ 3: 15 năm làm bị can, 2 lần đình chỉ - Ảnh 2.Những bị can bị lãng quên - Kỳ 1: 43 năm mang thân phận bị can

Nhiều người phải sống với thân phận bị can hàng chục năm, chịu sự khinh rẻ của hàng xóm láng giềng. Dường như thân phận pháp lý của họ đã đi vào quên lãng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp