Cước tay chân. Ảnh minh họa. Nguồn: diseaeseshow.com
Những bệnh này sẽ thực sự trở nên nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời. Những cách đơn giản và dễ thực hiện dưới đây có thể giúp bạn tránh xa và nhanh chóng thoát khỏi những phiền toái của các bệnh này gây ra.
Cước tay chân
Thời tiết rét đậm kéo dài của mùa đông kéo theo những khí độc xâm nhập vào cơ thể là nguyên nhân chính khiến chân, tay bị ngứa, sưng tấy dẫn đến cước. Cước là một dạng tổn thương da do lạnh, thường xuất hiện ở ngón tay, ngón chân, với biểu hiện tay, chân sưng tấy, ngứa ngáy, da rộp hoặc nứt, đau buốt gây khó chịu cho người mắc phải. Ngoài ra, cước còn có thể xuất hiện ở mặt, mũi, vành tai, cổ tay.
Để đối phó với chứng chân, tay lạnh trong những ngày mùa đông, cần chú ý giữ ấm cho chân, tay tránh nhiễm lạnh bằng cách đi giầy kín, mang tất, mang găng tay. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp chân, tay với nước lạnh và các hóa chất tẩy rửa. Nếu phải tiếp xúc cần dùng nước ấm hoặc đi găng tay.
Khi phát cước, chân tay thường rất ngứa nhưng thay vì gãi mạnh chỉ nên xoa nhẹ nhàng tránh lở loét, phồng rộp bề mặt da dẫn đến nhiễm trùng. Không nên tự ý bôi thuốc, cần đến bác sĩ chuyên khoa để điều trị đúng cách nếu tay chân bị nứt do gãi vì cước.
Hàng ngày trước khi đi ngủ nên dành khoảng 30 phút ngâm chân, tay vào nước muối ấm có đập vài lát gừng hoặc nhỏ vài giọt dầu nóng sẽ giúp cơ thể ấm áp, tránh được nhiều bệnh về da do lạnh gây nên. Khi ngâm, hai chân cọ xát xoa vào nhau thì hiệu quả càng tốt hơn. Sau đó, cần lau khô và đi tất để giữ chân luôn ấm cả khi ngủ.
Với những người làm việc văn phòng, thường xuyên phải ngồi một chỗ, ít hoạt động thì tập thể dục giữa giờ làm bằng một số động tác tay chân và lưng là cần thiết để tăng cường tuần hoàn máu, giảm giá lạnh cho tay chân.
Người mắc chứng chân tay lạnh nên ăn những thực phẩm chứa nhiều calo và chất béo để giúp cơ thể sản sinh nhiệt lượng nhiều hơn. Hạn chế ăn hoa quả mang tính lạnh như mã thầy, lê… Tốt nhất là ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm. Ngoài ra, bổ sung thêm các loại vitamin nhóm B, vitamin C, E và các axít amin. Các loại vitamin và khoáng chất này giúp tăng lượng hồng cầu trong máu và tăng cường sức đề kháng. Hạn chế các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá
Nổi mề đay do lạnh
Nguyên nhân gây ra mề đay do lạnh rất phức tạp: một số người có cơ địa dị ứng với nhiệt độ lạnh; do di truyền (bố, mẹ mắc bệnh mề đay thì con cái dễ mắc bệnh); do nhiễm vi rút và một số bệnh lý khác. Trong đó, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do yếu tố cơ địa, tức là cơ thể dễ nhạy cảm với các yếu tố kích thích như lạnh ấm đột ngột.
Cơ thể người bình thường khi gặp lạnh thì co mạch máu ở ngoại vi lại để bớt tỏa nhiệt. Nhưng có nhiều người do bị mẫn cảm, lại phản ứng một cách dị thường bằng hiện tượng giãn mạch, do đó chất huyết tương của máu tràn qua thành mạch xâm nhập vào các mô làm ngứa ngáy và sưng nề.
Triệu chứng của nổi mề đay là những mảng phù màu hồng hoặc đỏ nổi cao trên mặt da, kích thước từ vài mm đến những mảng lớn lan rộng. Mề đay có thể nổi ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Phần da bị nổi mề đay còn bị ngứa dữ dội, càng gãi càng ngứa, thậm chí còn dẫn tới chảy máu.
Đối với nổi mề đay do lạnh, luôn chú ý mặc ấm, hạn chế tối đa tiếp xúc với môi trường lạnh. Khi phải ra ngoài vào mùa đông, những người thường bị nổi mề đay do lạnh cần mặc đủ ấm, bảo vệ vùng cổ, ngực; đeo khẩu trang; tăng cường ăn rau và trái cây để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Nên hạn chế ăn các món ăn dễ gây dị ứng như hải sản, lạc, dứa… khi trời lạnh. Không nên uống rượu, bia nhiều bởi điều này cũng khiến cho các yếu tố gây nổi mề đay phát triển mạnh.
Mỗi khi bị nổi mề đay, ngứa, phải nhanh chóng vào chỗ kín gió, sưởi ấm hoặc trùm chăn, uống nước nóng, dùng khăn hơ nóng lau nhẹ lên phần da bị dị ứng. Khi bị nổi mề đay, tuyệt đối không nên gãi bởi điều này có thể gây ra tình trạng xây xát, chảy máu, dẫn đến bội nhiễm da, mưng mủ và gây biến chứng nặng.
Ngạt mũi
Ngạt mũi là triệu chứng thường gặp ở nhiều lứa tuổi khi trời trở lạnh. Nguyên nhân ngạt mũi là do các mô tế bào mũi và các mạch máu mũi bị sưng viêm hoặc do có một lượng lớn chất lỏng trong mũi.
Mũi không chỉ là đường lưu thông không khí mà còn có thể lọc sạch, làm ấm và làm ẩm không khí. Không khí khô, lạnh, không sạch sau khi lưu thông qua hốc mũi sẽ trở nên sạch sẽ, ấm áp và ẩm ướt, phù hợp với đường hô hấp trên và phổi. Do đó, nếu hốc mũi bị tắc do viêm nhiễm, bệnh nhân phải thở bằng miệng, thì không khí hít vào sẽ không được lọc sạch, không được làm ấm và ẩm nên rất dễ gây viêm họng, viêm thanh quản, viêm khí phế quản và phổi. Hơn nữa, mũi không thông sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ, nghỉ ngơi cũng như làm giảm hiệu suất làm việc.
Để hạn chế ngạt mũi, cần giữ ấm cơ thể, ăn uống nóng, tránh thực phẩm nhiều đường. Tốt nhất hãy ăn nhiều rau, ngũ cốc nguyên chất và các loại cá. Sử dụng dung dịch nước muối loãng để nhỏ vừa có tác dụng chống khuẩn vừa làm loãng nước mũi đặc. Có thể xông mũi bằng các loại lá cây có chứa tinh dầu và hương thơm như khuynh diệp, sả, bạc hà, chanh, tía tô, kinh giới.
Khi thấy nghẹt mũi nhiều, khó chịu, nên tắm vòi sen bằng nước ấm và đứng thư giãn một lúc trong phòng tắm có đầy hơi nước ấm. Hoặc thấm ướt khăn tắm với nước nóng, đưa lên mặt, áp lên mũi và thở. Trước khi đi ngủ hãy lấy khăn thấm nước nóng đặt lên hai tai trong vòng 10 phút, mũi sẽ thông và thở bình thường ngay bởi ở tai có mạng lưới thần kinh rất nhỏ có tác dụng điều tiết tuần hoàn máu ở mũi. Khi đi ngủ nên gối đầu cao, nếu bị nghẹt mũi trái hãy nằm nghiêng về phía bên phải và ngược lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận