Các bạn trẻ Myanmar thích thú đạp xe khám phá nông nghiệp và du lịch sinh thái ở các tỉnh miền Tây Việt Nam - Ảnh: LÝ QUỐC ĐẲNG
Họ là những người yêu thiên nhiên, thích làm vườn và thực hành lối sống đơn giản.
"Tôi lớn lên ở vùng nông thôn, mẹ là giáo viên và cũng là nông dân. Khi lên thành phố làm việc, tôi mất kết nối với nguồn gốc của mình. Công việc khiến tôi luôn căng thẳng. Vì vậy, tôi nói với mẹ mình sẽ về quê" - chị Netting Jaruwan Supolrai tâm sự.
Hiện nay, Netting là thành viên trong một mạng lưới những nhà làm vườn hữu cơ, đa số trong độ tuổi 20-30 ở Thái Lan. Cô có đời sống bình yên hơn, nhiều điều kiện chăm sóc mẹ và thực hiện các dự án của riêng mình như phối hợp với trường học địa phương hướng dẫn học sinh kỹ năng sống qua nông nghiệp.
Anh Bunmi Charikhruea, chủ trang trại hữu cơ chuyên sản xuất hạt giống, người tham gia cùng Netting, kể: "Chúng tôi hướng dẫn các em làm luống, bỏ hạt, tưới nước, bón phân chuồng cho cây. Mỗi em nhận "bảo vệ" một cây. Qua đó các em hiểu việc chăm sóc cho cây cũng giống như người, cần "ăn uống" đúng để khỏe mạnh.
Rồi chúng tôi thảo luận về tầm quan trọng của thực phẩm tốt cho sức khỏe. Có sức khỏe mới có thể làm được nhiều việc, khám phá thế giới. Làm vườn đồng thời giúp các em sử dụng thời gian hiệu quả, tránh xa điện thoại, tivi".
Nhiều bạn trẻ không được cha mẹ ủng hộ khi quyết định về quê "sống chậm" và giải quyết những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm lý của họ, bởi ở nông thôn công việc có thu nhập cao không nhiều, làm nông không phải là nghề cha mẹ cảm thấy "nở mày nở mặt". Nhiều phụ huynh giận con cái. Nhưng...
Ở quê, họ tự mình thành lập những trang trại hữu cơ, dùng chính trang trại làm du lịch sinh thái, homestay, tổ chức các buổi hội thảo về nông nghiệp bền vững cho cộng đồng và dần xây dựng thị trường cho các sản phẩm hữu cơ mình trồng. Những bạn trẻ thuộc dòng chảy "người trẻ về quê" kiên trì giải thích và thuyết phục cha mẹ, làng xóm hãy bớt lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu.
Chị Karachnok Hutapeak, thạc sĩ ngành kỹ thuật môi trường học tại Hà Lan, quyết định biến mảnh đất 400m2 của gia đình giữa thủ đô Bangkok thành một khu vườn, bất chấp bao lời chào mua của các công ty bất động sản.
Chị bảo: "Tôi nhận ra bếp ở thành phố với nhiều người có nghĩa là chiếc lò vi sóng để hâm đồ ăn mua ngoài siêu thị. Năm 2011, từ tháng 7 đến tận tháng 1 năm sau, nhiều tỉnh thành của Thái Lan gặp lũ lịch sử.
Nhiều khu vực tại thủ đô Bangkok cũng ngập nặng, hàng quán đóng cửa, các gia đình không dự trữ nhiều đồ ăn sẵn bỗng lâm vào tình trạng đói bất ngờ. Điều này khiến tôi nhận ra nông nghiệp rất quan trọng và người thành phố nên tự chủ về thực phẩm".
Vườn của chị Hutapeak được đặt tên là "khu vườn của ông". Chị sử dụng nơi này làm trung tâm học tập cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm và đam mê làm vườn ở đô thị với người dân hoặc mở các lớp dạy làm xà phòng hữu cơ cho những người yêu môi trường, quan tâm đến lối sống bền vững.
Trường hợp khác, anh Zack Aphivong, người Lào, cho biết trong hai năm qua anh đang có nghề kinh doanh tay trái ổn định là làm nước lau nhà, rửa chén, xà phòng tắm gội... có thành phần hoàn toàn tự nhiên từ trái bồ hòn và các thành phần thiên nhiên khác. Ban đầu người nước ngoài tìm đến đặt hàng, giờ đây người Lào cũng bắt đầu đặt hàng hoặc hỏi thăm về công thức tự chế xà phòng kiểu xưa.
Có thể nói, sự lựa chọn của các bạn trẻ lúc đầu không hẳn vừa ý gia đình nhưng dần dần các bậc phụ huynh cũng an lòng rằng "bọn trẻ có cách làm của chúng" trong một thời đại mà rất nhiều người quay về những sản phẩm thời cũ. Quan trọng hơn là con cái của họ vui và hạnh phúc thật sự!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận