07/08/2015 06:00 GMT+7

Những băn khoăn về việc chỉ học 4 môn bắt buộc

MINH MẪN - AN NHIÊN - LƯU TRANG - NGỌC MINH
MINH MẪN - AN NHIÊN - LƯU TRANG - NGỌC MINH

TTO - Dự thảo mới về việc học sinh THPT chỉ phải học 4 môn bắt buộc đang nhận được sự đồng thuận của học sinh và giáo viên về mục tiêu.

Theo dự thảo chương trình phổ thông mới, Bộ GD-ĐT rất chú trọng đến các hoạt động sáng tạo, trải nghiệm của học sinh
Theo dự thảo chương trình phổ thông mới, Bộ GD-ĐT rất chú trọng đến các hoạt động sáng tạo, trải nghiệm của học sinh

Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn về cách làm, nội dung sách giáo khoa và hướng đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy mới.

Lo lắng chuyện học lệch

Trước ý kiến cho rằng chỉ bắt buộc học 4 môn và học sinh được lựa chọn các môn còn lại theo sở thích có thể dẫn đến tình trạng lệch kiến thức, thầy Võ Văn Khánh, hiệu phó Trường THPT Tôn Thất Tùng (TP Đà Nẵng), cho rằng điều đó không đáng lo ngại.

Bởi lẽ đối với phương pháp giáo dục mới, thầy cô chỉ đóng vai trò định hướng, phần chủ động tìm kiếm thông tin thuộc về học sinh để khuyến khích các em tích cực hơn, năng động hơn trong học tập và sáng tạo.

Đối với những thông tin chưa biết, học sinh có thể dễ dàng tra cứu và tìm kiếm thông qua mạng Internet nhanh chóng, nên điều gì cần cho cuộc sống của các em đều sẽ được cung cấp dễ dàng chứ thông tin không còn khó tiếp cận như ngày xưa.

“Đó cũng là hướng đi trong giáo dục mà các nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng từ lâu”, thầy Võ Văn Khánh nhận định.

Thầy Trương Quang Ngọc, hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lạc Hồng (TP.HCM), cho rằng ở cấp THCS các em đã được học tích hợp 7-8 môn, như vậy cũng đã bao hàm các kiến thức cơ bản về các lĩnh vực trong cuộc sống. Giảm tải kiến thức và thời gian đào tạo giúp học sinh được tập trung vào những kiến thức cần thiết nhiều hơn là dàn trải công sức vào những kiến thức không thật sự hữu ích với các em sau này.

Việc tiếp cận nghề nghiệp và ước mơ tương lai cũng trở nên rõ ràng hơn thay vì cách giáo dục chung chung và đòi hỏi ở học sinh quá nhiều như lâu nay - PGS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, nhận định.

PGS Văn Như Cương - Ảnh: Nguyễn Khánh

Nên giảm nhẹ cả nội dung môn học

Theo PGS Văn Như Cương, việc phân chia môn học bắt buộc và tự chọn cũng như giảm tải số lượng môn học là cần thiết. Sự đổi mới này sẽ tạo nên sự khác biệt giữa hai bậc học THCS và THPT so với trước.

Thầy Võ Văn Khánh cho rằng bên cạnh việc giảm tải số lượng môn học thì cũng cần chú trọng giảm nhẹ nội dung các môn học, sao cho không còn mang nặng tính hàn lâm, cao siêu mà đi vào thực tế, gần gũi với học sinh nhiều hơn.

Theo thầy Trương Quang Ngọc, ba nguyên nhân chính dẫn đến việc học sinh chán học và học yếu đi là: số lượng môn học quá nhiều, nội dung quá chuyên sâu, hàn lâm và cách dạy hầu như tập trung để phục vụ các kỳ thi liên tục.

Thầy Ngọc hoan nghênh chương trình giảm tải số lượng môn học nhưng cũng mong mỏi nội dung giảng dạy cũng theo đó giảm bớt độ chuyên sâu không cần thiết.

“Học sinh thấy môn học đó có ích, gần gũi và gắn liền với cuộc sống thì các em mới hứng thú để học và tìm tòi. Còn việc nhồi nhét vào đầu các em những kiến thức cao siêu mà cho đến mãi sau này cũng không có cơ hội áp dụng vào cuộc sống thì chỉ tạo áp lực và sự mệt mỏi, sợ hãi môn học cho học sinh mà thôi”, thầy Trương Quang Ngọc nhìn nhận.

Đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu mới

Thầy Võ Văn Khánh nhận định đối với các môn học có tên gọi mới hoặc các môn tích hợp, đòi hỏi giáo viên cần phải trau dồi kiến thức nhiều hơn và tập trung chuyên môn sâu rộng hơn để có thể đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

Đánh giá về trình độ giáo viên hiện tại trước những thay đổi về giảng dạy, thầy Trương Quang Ngọc cũng đồng tình khi cho rằng chỉ ở bậc THCS giáo viên mới dạy tích hợp một số môn, nhưng với kiến thức cơ bản, không quá chuyên sâu, giáo viên chỉ cần được huấn luyện kết hợp với trau dồi kỹ năng đã có thể đáp ứng được yêu cầu.

Trong khi đó ở bậc THPT, chương trình chỉ giảm tải môn học chứ không tích hợp nên giáo viên cấp III vẫn có thể chú tâm giảng dạy chuyên sâu kiến thức cho học sinh.

Chia sẻ vấn đề này, PGS Văn Như Cương nhận định các trường sư phạm phải có kế hoạch, tính toán trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên có khả năng giảng dạy tích hợp, đáp ứng được yêu cầu của xu thế giáo dục sẽ thay đổi trong thời gian sắp tới.

Trước những đổi mới về cách thức và nội dung giảng dạy, thầy Võ Văn Khánh chia sẻ nhà trường và học sinh chắc chắn cũng sẽ gặp những khó khăn trong bước đầu tiếp cận và làm quen, tuy nhiên một thời gian sau, khi mọi thứ đã bắt nhịp, chất lượng giáo dục sẽ được cải thiện hơn.

>> Thầy Võ Văn Khánh

>> Thầy Trương Quang Ngọc

>> Thầy Văn Như Cương

MINH MẪN - AN NHIÊN - LƯU TRANG - NGỌC MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp